Tập đoàn Nhật Bản bao tiêu 1.500 ha chuối của HAGL tại Lào, bán ra hơn 140.000 đồng/quả
Theo VNExpress, ANA Foods (thuộc ANA Group) đã ký bao tiêu sản phẩm chuối của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) tại Lào, phân phối vào thị trường Nhật Bản với tên gọi là Amami.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết phía ANA Group bắt đầu tìm hiểu và mua chuối của HAGL từ 4 năm trước với số lượng ban đầu chỉ vài chục container. Sau đó, khi lượng tiêu thụ ngày một tăng, tập đoàn Nhật Bản đã ký hợp đồng bao tiêu chuối của công ty tại cao nguyên Bolaven (Lào) với diện tích 1.500 ha.
Đế chế hàng không và thực phẩm
ANA Foods gọi Amami loại chuối “siêu cao nguyên” vì được trồng ở độ cao khoảng 900 m trở lên so với mặt nước biển. Điều kiện khí hậu đặc biệt tại đây, với nhiệt độ trung bình ban ngày khoảng 25°C và ban đêm khoảng 15°C, giúp chuối phát triển chậm hơn so với chuối cao nguyên thông thường, từ đó tích lũy nhiều tinh bột và có vị ngọt tự nhiên.
Khảo sát trên trang ANA Mall, hiện một quả chuối của HAGL tại hệ thống siêu thị được bán với giá 836,9 yen, tương đương 142.000 đồng/quả.

Chuối Amami được bán tại Nhật Bản do Tập đoàn HAGL trồng tại cao nguyên có độ cao trên 900 m tại Lào. (Ảnh: ANA Mall).
Theo giới thiệu trên website, ANA Group được thành lập năm 1952, là tập đoàn kinh doanh đa ngành, với hai mảng kinh doanh "đẻ trứng vàng" là hàng không và thực phẩm.
Tại mảng hàng không, ANA Group sở hữu hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản là All Nippon Airways, chỉ sau Japan Airlines. All Nippon Airways còn là hãng hàng không chính thức của Universal Studios Japan, có trung tâm hoạt động ở sân bay quốc tế Narita nằm ngoài thành phố Tokyo và Cảng hàng không quốc tế Kansai ở Osaka.
Đội bay của All Nippon Airways có hơn 233 chiếc máy bay với nhiều chủng loại khác nhau chẳng hạn Boeing 767-300, Boeing 777-200, Boeing 777-300, Boeing 747-400, Boeing 737-700 hay Bombardier DHC8-Q300….
All Nippon Airways hiện đang khai thác khoảng 1.000 chuyến bay mỗi ngày với 171 đường bay đến hơn 80 thành phố của Nhật cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, All Nippon Airways cũng đã tiến hành hợp tác liên doanh cùng với hãng United để triển khai tuyến đường bay xuyên Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

ANA Group sở hữu hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản là All Nippon Airways. (Ảnh: All Nippon Airways).
Năm 2014, ANA Foods – một thành viên trong hệ sinh thái ANA Group bắt đầu hoạt động với tư cách là một công ty thương mại chuyên biệt và đảm nhận trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm. Ban đầu là nhà nhập khẩu chuối, sau đó doanh nghiệp này mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, không chỉ nhập khẩu trái cây và rau quả tươi mà còn cả thực phẩm chế biến, sản phẩm quà tặng và kinh doanh xuất khẩu.
ANA Foods cho biết trong năm tài chính năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 35,4 tỷ yen Nhật (hơn 6.000 tỷ đồng).
Vì sao Nhật Bản ưa chuộng chuối Việt Nam?
Theo số liệu mới nhất, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2023. Đây là năm đầu tiên, ngành rau quả đã chạm và vượt qua ngưỡng 7 tỷ USD. Trong đó chuối là loại trái cây thứ tư (sau sầu riêng, thanh long và dừa) được xuất khẩu nhiều nhất với kim ngạch đạt 380 triệu USD, tăng 20% so với năm trước đó.
Theo Manila Times, hiện tại Việt Nam đang trồng một số loại chuối khác với những loại thường được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ sớm chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xuất khẩu những loại chuối hiện đang phổ biến trên thị trường quốc tế.
Manila Times cho rằng chuối nằm trong 14 loại hoa quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông dân Việt Nam đang trồng chuối thay cho lúa trong khoảng 10% tổng diện tích đất canh tác lúa. Từ trước đó, Việt Nam đã có hơn 90.000 ha đất trồng chuối. Phía Philippines ước tính Việt Nam sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chuối/năm. Tổng diện tích đất trồng chuối tương đương khoảng 20% tổng diện tích đất trồng các cây ăn quả.
Gần đây, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu chuối của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam được cho là vẫn đang thiếu chuối để xuất khẩu.
Tại Nhật Bản, chuối nằm trong số trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Xuất khẩu chuối Việt Nam vào thị trường này còn ở mức khiêm tốn, có nhiều cơ hội để gia tăng trong những năm tới.
Trả lời báo Thanh niên vào năm 2023, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết chuối nhập khẩu từ Việt Nam được người tiêu dùng tại đây ưa chuộng bởi có chất lượng thơm ngon hơn so với chuối Philippines. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp xứ mặt trời mọc sẽ tăng nhập khẩu chuối Việt Nam.
Bán trái cây 'cứu' HAGL
Bắt đầu làm nông nghiệp từ năm 2007 nhưng thất bại liên tiếp đến với đại gia phố núi Gia Lai. Năm 2016, HAGL quyết định chuyển sang trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, chuối được xem là mặt hàng “cứu rỗi” cho doanh nghiệp nông nghiệp đang bên bờ vực phá sản.
Đến nay tập đoàn đầu tư khoảng 7.000 ha cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần đáng kể ở Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nói về chuối, bầu Đức tự tin chất lượng HAGL sản xuất ngon nhất Việt Nam. Nguyên do là chuối được trồng trên độ cao 900 m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ (thường dưới 26 độ C, không được vượt 32 độ C), trồng một năm mới được thu hoạch, nhiều hơn so với trồng thông thường (9 tháng) nên chuối dẻo, thơm hơn và ngọt hơn.
“Cây chuối đã cứu Hoàng Anh Gia Lai”, đó là lời chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐTQ HAGL tại sự kiện ký kết hợp tác cùng Kingfoodmart vào sáng ngày 2/11/2024.
Mảng trái cây những năm qua đem về cho HAGL hàng nghìn tỷ đồng doanh thu, luôn chiếm hơn 50% trong tổng nguồn thu của doanh nghiệp (mảng heo, bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bán bò thịt...).
Chỉ tính riêng trong năm 2024, mảng trái cây (chủ yếu là sầu riêng, chuối) đem về doanh thu 4.132 tỷ đồng, chiếm 73% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Con số này gấp hơn 4 lần doanh thu mà mảng heo tạo ra trong năm vừa rồi. Biên lãi gộp của mảng trái cây đạt hơn 50%, trong khi mảng heo chỉ đạt 9%.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL.