Tâm điểm vĩ mô tháng 9: NHNN sẽ hạ tiếp lãi suất hay tạm dừng vì rủi ro tỷ giá?
Dự báo NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động, không hạ thêm lãi suất chính sách
Giữa tháng 8, sau thời gian dài ổn định, tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại làm dấy lên lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng có hai yếu tố tác động lớn đến quyết định nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ là tỷ giá và lạm phát.
Tỷ giá có biến động tăng thời gian gần đây tuy nhiên theo ông Báu đánh giá, đây chỉ là cú giật trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý lo sợ kịch bản cuối năm 2022 lặp lại, một phần nguyên nhân khác do doanh nghiệp có nhu cầu USD thực sự để xử lý một vài hợp đồng.
CEO của WiGroup dự báo tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại. "Cán cân tổng thể của Việt Nam năm nay nhiều khả năng thặng dư nhẹ hoặc ở mức trung bình, không thể thâm hụt do cán cân thương mại vẫn đang rất tích cực", ông nói.
Tỷ giá không đáng lo ngại, lạm phát có dấu hiệu tăng nhưng khó có thể vượt mục tiêu 4% là hai yếu tố hỗ trợ đáng kể cho NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ có phần nới lỏng.
"NHNN sẽ vẫn theo xu hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên mức giảm sẽ không nhiều do dư địa nới lỏng không còn nhiều. Lãi suất ở tất cả các kỳ hạn và cả ở thị trường 1, thị trường 2 đều đã về gần vùng trước khi tăng lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19", ông Báu nói thêm.
Với quan điểm thận trọng hơn, ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng NHNN sẽ đưa ra quyết định sau khi có kết quả từ cuộc họp tháng 9 này của Fed. "Nếu Fed tăng lãi suất tiếp, tỷ giá sẽ căng thẳng trở lại buộc NHNN phải cân nhắc quyết định tiếp tục hạ lãi suất hay tạm dừng. Tuy nhiên thị trường đang nghiêng về khả năng Fed giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, không có động thái tăng thêm", ông nói.
Còn theo dự báo của MBKE, NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trước cuối năm.
"Việc cắt giảm lãi suất huy động nhằm mục đích giảm chi phí vốn của các ngân hàng để lãi suất cho vay có thể giảm bớt hơn nữa nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách thay vì cắt giảm thêm, do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn", chuyên gia tại đây cho hay.
Xuất khẩu sắp thoát tăng trưởng âm
Kinh tế Việt Nam tháng 8 đã có những điểm tích cực rõ nét hơn khi sản xuất công nghiệp tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, vốn FDI giải ngân tăng đến 23,6% so với tháng 8/2022, nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Đáng chú ý, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng dương trở lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu giảm 7,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ (trước đó tháng 7 giảm 2,2%). Đây là mức giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, so với tháng trước, xuất khẩu lại tăng mạnh 7,7%. Trước đó tháng 7 ghi nhận mức tăng 2,1% so với tháng 6.
Theo các chuyên gia của MBKE, với mức cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái trong những tháng tới và nhu cầu điện tử ổn định, xuất khẩu đang trên đà quay trở lại mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước từ quý IV hoặc thậm chí là trong tháng 9.
Nhập khẩu cũng đang thu hẹp đáng kể đà giảm và là tín hiệu tích cho ngành sản xuất do Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng hóa để phục vụ cho xuất khẩu.
Trong tháng 8, nhập khẩu tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (trước đó tháng 7 giảm 9,9% so với cùng kỳ; tháng 6 giảm 16,9% so với cùng kỳ). Nhập khẩu đã ghi nhận ba tháng tăng trưởng liên tiếp, giúp thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ năm trước.
S&P Global mới đây cũng công bố chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam, theo đó PMI tháng 8 lần đầu trên ngưỡng 50 điểm trong 6 tháng, một số dấu hiệu phục hồi của nhu cầu đã giúp cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Sự phục hồi trở lại của sức khỏe ngành sản xuất đã phản ánh những dấu hiệu cải thiện của nhu cầu. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng là nhẹ khi có một số báo cáo cho thấy nhu cầu còn yếu.