|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sản lượng tiêu thụ tháng 6 của Hoà Phát cao nhất kể từ đầu năm

09:16 | 06/07/2023
Chia sẻ
Lũy kế 6 tháng, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC của Tập đoàn Hòa Phát đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Ảnh minh hoạ: Hoà Phát.  

Tháng 6/2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất 520.000 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022 nhưng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay.

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6/2022 nhưng tăng nhẹ so với tháng 5 vừa qua. Kết quả này chủ yếu nhờ sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng 5, lần lượt 30% và 69%.

  Nguồn: HK tổng hợp từ Tập đoàn Hoà Phát.

Với 251.000 tấn, sản phẩm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đạt mức cao nhất tính từ tháng tháng 11/2022 đến nay và tăng 24% so với tháng 6/2022. Nhu cầu của các nhà máy sản xuất ống thép, tôn mạ tại thị trường miền Bắc và miền Trung tăng đã góp phần giúp sản lượng thép cuộn cán nóng cải thiện đáng kể trong tháng vừa qua.

Sản phẩm hạ nguồn HRC gồm ống thép và tôn mạ các loại của Hòa Phát cũng tăng nhẹ so với tháng 5/2023 và cũng là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng tôn có mức tăng 42% so với cùng kỳ 2022.

 Nguồn: HK tổng hợp từ Tập đoàn Hoà Phát.

Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Qua nửa đầu năm, thép xây dựng của tập đoàn đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 30%. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng đã cung cấp 36.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.

Thép HRC đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 1,2 triệu tấn, giảm 15%. Sản phẩm đã được xuất khẩu tới một số quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, châu Á. Ống thép và tôn Hòa Phát đạt sản lượng lần lượt 325.000 tấn và 175.000 tấn, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2022.

Tại Việt Nam, Hòa Phát giữ thị phần số 1 về thép xây dựng (32%), ống thép (27%). Tôn mạ nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất. 

Nhu cầu thép vẫn chưa có tín hiệu hồi phục bền vững

Trong báo cáo phân tích đầu tháng 7 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Theo ước tính của VDSC, tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này vẫn không thể thuyết phục đơn vị phân tích này tin rằng nhu cầu thép đang tốt lên.

Thêm vào đó, lượng xuất khẩu thép thô trong nửa đầu năm ước tính 875.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm tỷ trong khoảng 1/10 tổng tiêu thụ, có nghĩa là nhu cầu thép thô trong nước lũy kế 6 tháng ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phần nào cho thấy tín hiệu về tốc độ hồi phục của hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp trong nước.

 

Điểm sáng hiếm hoi của ngành thép trong nước thuộc về nhóm xuất khẩu HRC (Formosa và HPG) khi sản lượng xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn, cho thấy khả năng cạnh tranh của nhóm các nhà máy thép thượng nguồn trên thị trường quốc tế.

Ước tính sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm 2023 đạt gần 1,7 triệu tấn, đóng góp một nửa tổng tiêu thụ HRC. Một mặt, đây là tin tích cực khi ngành sản xuất trong nước có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế, giúp các nhà máy tiêu thụ hàng khi nhu cầu trong nước yếu và có nguồn thu ngoại tệ để cân bằng ảnh hưởng của tỷ giá.

Mặt khác, số xuất khẩu HRC đang phơi bày tình trạng khá tiêu cực trong nước khi nhu cầu HRC của các nhà máy tôn mạ, ống thép đang rất yếu. Ước tính nửa đầu năm 2023, nhóm các nhà máy thép hạ nguồn chỉ tiêu thụ chưa tới 1,7 triệu tấn HRC, giảm 45% so với cùng kỳ.

Thực tế, ước tính sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 2 và 1,2 triệu tấn, giảm lần lượt 16% và 11% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa tôn mạ và ống thép giảm lần lượt 14% và 25% so với cùng kỳ. Các con số hạ nguồn tiếp tục củng cố nhận định của VDSC về mức độ hồi phục của thị trường sắt thép trong nước.  

Thêm vào đó, việc giá HRC đang trên đà giảm, hiện giảm 16% kể từ đầu quý II không phải là môi trường thuận lợi để cải thiện biên lợi nhuận.

 

 

Khi tình hình sản xuất - tiêu thụ toàn ngành không thật tích cực, biên lợi nhuận vẫn còn chịu sức ép từ giá bán giảm, VDSC cho rằng hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ đạt tăng trưởng so với quý I/2023, tuy nhiên tăng trưởng sẽ âm khá lớn khi so với cùng kỳ năm ngoái do quý II/2022 là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép.

Trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, hầu hết ban lãnh đạo nhóm công ty thép niêm yết đều đưa ra thông điệp tích cực hơn và nhận định những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022, tình hình đã được cải thiện trong quý I/2023 và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý II. Song nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023. 

Chứng khoán VNDirect đánh giá nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, đơn vị phân tích này dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng - tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2% và 7% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn và 3,9 triệu tấn.

Hoàng Kiều