Prudential, Manulife, Bảo Việt,... những doanh nghiệp bảo hiểm Top đầu rót hơn 1 tỷ USD vào chứng khoán
Hiện tại, 5 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Bảo Việt, Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam và AIA Việt Nam đang là những công ty bảo hiểm nhân thọ chiếm gần 80% thị phần phí bảo hiểm gốc và gần 70% thị phần doanh thu khai thác mới. Ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt, 4 doanh nghiệp còn lại đều do 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Nắm giữ nguồn tiền khổng lồ từ các hợp đồng bảo hiểm của khách hàng, các doanh nghiệp sử dụng hoạt động kinh doanh tài chính để sinh lời, trong đó cơ cấu đầu tư tài chính của mỗi doanh nghiệp có sự khác biệt tuy nhiên thường sẽ có các khoản mục đầu tư như tiền gửi, cổ phiếu, trái phiếu,...
Theo thống kê 5 doanh nghiệp top đầu ngành, khoảng 70% - 90% tổng tài sản là dành cho đầu tư ngắn và dài hạn.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2022, nhiều khoản đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận giảm giá phải trích lập hàng trăm tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh so với năm trước.
Prudential rót hơn 11.500 tỷ đồng vào chứng khoán
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2022 được Công ty TNHH KPMG kiểm toán, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential đầu tư hơn 11.547 tỷ đồng vào chứng khoán trên ba sàn tính đến cuối tháng 12, tăng 12% so với ngày đầu năm.
Đây cũng là công ty có rót mạnh tiền nhất vào chứng khoán trong 5 đơn vị được thống kê, tuy nhiên chi tiết danh mục các cổ phiếu nắm giữ không được doanh nghiệp công bố.
Đối với khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty đầu tư 78.146 tỷ đồng vào các trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu đô thị, trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Prudential còn có tiền gửi ngân hàng cả ngắn và dài hạn số tiền hơn 30.778 tỷ đồng.
Tổng các khoản đầu tư tài chính nói trên chiếm tới hơn 74% tổng tài sản của Prudential. Xét riêng năm 2022, công ty ghi nhận gần 4.026 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm 63% so với năm 2021.
Manulife chi hơn 7.800 tỷ đồng cho cổ phiếu
Theo báo cáo tài chính năm 2022 do công ty Ernst & Young kiểm toán, tổng tài sản của Manulife đạt gần 106.379 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn là 26.231 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản.
Danh mục đầu tư ngắn hạn của Manulife gồm11.769 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 7.862 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu. Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá cho các khoản đầu tư này hơn 840 tỷ đồng trong năm 2022.
Ngoài ra, công ty còn đầu tư vào các khoản trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp, chính quyền địa phương số tiền 62.393 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của AIA hơn 2.000 tỷ đồng
Báo cáo kiểm toán năm 2022 của AIA Việt Nam cho thấy, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tiền, tương đương tiền là 15.407 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản của công ty. Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 12.461 tỷ đồng, kinh doanh cổ phiếu với giá trị hợp lý 2.004 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, AIA còn đầu tư dài hạn vào trái phiếu gần 22.962 tỷ đồng, tiền gửi dài hạn vào nhà băng hơn 5.082 tỷ đồng.
Cả năm 2022, đơn vị bảo hiểm này thu về 2.485 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 19% so với năm trước đó.
Giá trị chứng khoán của Dai-ichi tăng gấp đôi sau một năm
Trong cơ cấu đầu tư của bảo hiểm Dai-ichi Life, lượng tiền, tương đương và đầu tư ngắn hạn hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản của công ty tính đến hết tháng 12/2022.
Danh mục chứng khoán của công ty này tăng mạnh gấp đôi trong năm 2022 nhưng tổng giá trị chỉ dừng lại ở mức 1.637 tỷ đồng. Công ty chủ yếu đem tiền để gửi ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác.
Cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trên, Dai-ichi dành hơn 33.624 tỷ đồng đầu tư vào các loại trái phiếu, trong đó mua trái phiếu của các ngân hàng TMCP như Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, Masan, Vingroup, REE,...
Tập đoàn Bảo Việt đầu tư cổ phiếu POW, VNM, CTG,...
Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của Bảo Việt Nhân thọ, các khoản đầu tư ngắn hạn chủ yếu là tiền gửi ngân hàng với trên 33.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 92%.
Giá trị đầu tư tài chính dài hạn của công ty đạt gần 133.500 tỷ đồng, trong đó hơn 126.000 tỷ đồng là các khoản uỷ thác (gồm 63.500 tỷ tiền gửi, 1.440 tỷ đồng chứng khoán, hơn 61.000 tỷ trái phiếu,...); 6.300 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn; gần 764 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu chính phủ); 445 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ. Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 726 tỷ đồng cho các khoản đầu tư trên trong năm 2022.
Chi tiết các khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt Nhân Thọ
Tại Tập đoàn Bảo Việt, tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt 201.610 tỷ đồng, tăng gần 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền ghi nhận giảm 58,8% xuống 2.206 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của tập đoàn tăng 24,9% lên 102.406 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 21,1% lên 81.619 tỷ đồng.
Trong cơ cấu các khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt (184.026 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản tiền gửi (hơn 111.000 tỷ đồng, chủ yếu là ngắn hạn) và trái phiếu (hơn 62.600 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu dài hạn).
Giá trị các khoản chứng khoán kinh doanh là 2.925 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.394 tỷ đồng. Còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.
Các cổ phiếu niêm yết mà BVH đầu tư gồm VNR của Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam; CTG của VietinBank; VNM của Vinamilk;... Giá trị thuần của các cổ phiếu niêm yết là 2.141 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chưa niêm yết là của Tổng Công ty MBLand; CTCP Thuỷ sản Cà Mau....Trái phiếu của CTCP Đầu tư phát triển Du lịch Phú Quốc và VietinBank,...