Oppo hoá thương hiệu OnePlus
Thương hiệu điện thoại OnePlus đã thay đổi rất nhiều trong hai tháng qua, có lẽ nhiều hơn bất kì thời điểm nào khác trong lịch sử 6 năm xuất hiện trên thị trường của nó. Tháng 10/2020, OnePlus đã phát hành 3 mẫu điện thoại mới, cùng lúc đó người đồng sáng lập Carl Pei cũng nói lời tạm biệt với công ty.
Tháng trước đó, OnePlus ra mắt thêm một phiên bản điện thoại tầm trung được đặt tên là Nord - một tiền lệ chưa từng có. Đồng thời quyết định thay đổi giao diện nổi tiếng OxygenOS của họ cũng gây ra rất nhiều tranh cãi từ phía người dùng.
OnePlus trở thành bản sao của Oppo
Trước năm 2020, OnePlus chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng là những người đam mê công nghệ, những fan chân chính và có vẻ như cách tiếp cận đó đã mang lại hiệu quả.
Thương hiệu smartphone đến từ Thâm Quyến này đã chứng kiến mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay tại thị trường Mỹ vào năm ngoái bằng việc ra mắt mẫu flagship thực sự OnePlus 7 Pro đầu tiên của mình.
Vậy tại sao OnePlus lại đột ngột thay đổi chiến lược của họ? Bạn không cần phải tìm kiếm câu trả lời đâu xa. Trong năm 2019, không một mẫu smartphone nào của OnePlus lọt vào danh sách thiết bị di động bán chạy nhất trong năm.
Và khi xét đến tổng thể lượng smartphone bán ra, OnePlus là một cái tên quá nhạt nhoà và được xếp vào nhóm "khác" trong danh sách, tức số lượng bán ra quá nhỏ so với các thương hiệu tên tuổi.
Tuy nhiên, trong danh sách top bán chạy đó lại có sự xuất hiện của Oppo. Hai thương hiệu điện thoại này chưa bao giờ rõ ràng về mối quan hệ của họ, nhưng về mặt pháp lí, cả OnePlus và Oppo đều là hai công ty con của Tập đoàn BBK Electronic (Trung Quốc).
Ngoài ra, BBK cũng sở hữu đồng thời hai thương hiệu điện thoại Vivo và Realme.
Bên ngoài Trung Quốc, BBK không phải là một cái tên nổi tiếng, nhưng họ lại là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước tỉ dân.
Công bằng mà nói, BBK xuất xưởng nhiều điện thoại hơn so với Huawei - hãng công nghệ đã vượt qua Samsung vào mùa hè vừa rồi để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới.
Bạn phải hiểu rằng BBK không hài lòng với việc trở thành OEM điện thoại lớn thứ hai thế giới. Từ quan điểm đó, OnePlus là một tài sản chưa được khai thác đầy đủ.
Nó đã có chỗ đứng vững chắc tại Mỹ và Ấn Độ, và không một thương hiệu Trung Quốc nào làm được điều đó. Nói cách khác, OnePlus là phương tiện hoàn hảo để đưa BBK lên vị trí số một.
Vì vậy chúng ta đã thấy OnePlus bắt đầu chuyển mình để đáp ứng tham vọng đó của ông chủ BBK. Tuy nhiên, với chiến lược này, OnePlus đang ngày càng trở nên giống với Oppo, Vivo và Realme hơn, bắt đầu đánh mất đi bản sắc độc đáo vốn có của mình.
Thay đổi từ phần cứng
Trong nửa đầu năm nay, hãng đã liên tiếp ra mắt các mẫu điện thoại tầm trung như Nord, Nord N10 và Nord N100. Hiện tượng này nói lên điều gì với một công ty đã nói không với các mẫu giá rẻ, tầm trung từ năm 2015?
Đó là một dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Oppo đối với OnePlus.
Hàng năm, Oppo tung ra thị trường hàng trăm mẫu điện thoại từ giá rẻ tới tầm trung, và rất ít khi thấy sự góp mặt của một flagship như chiếc Oppo X2 Pro năm nay.
Trong khi đó, mục tiêu của OnePlus ngay từ đầu đã không phải là doanh số bán hàng, mà chính là việc tạo dựng uy tín và phát triển cộng đồng người hâm mộ nhiệt thành. Tuy nhiên, mục tiêu này giờ đây đã thay đổi.
Tất nhiên, OnePlus không có gì sai với chiến lược mới này. Ít nhất là về mặt lí thuyết, cả ba mẫu Nord đều được hoàn thiện chỉnh chu, tuy nhiên, chúng là đại diện cho những gì mà một OnePlus mới đang hướng tới và ưu tiên.
Đặc biệt là với mẫu OnePlus Nord N100, OnePlus đã đi đúng con đường mà các thương hiệu Trung Quốc khác vẫn làm, đó là sử dụng lại phần lớn linh kiện, thành phần, thiết kế của một thiết bị Oppo đã ra mắt trước đó.
OnePlus Nord N100 có thể nói là một bản sao của Oppo A53. Cả hai mẫu điện thoại này đều có chip xử lí Snapdragon 460, pin 5.000 mAh và màn hình 90 Hz.
Mới đây nhất, OnePlus ra mắt chiếc điện thoại OnePlus 8T. Tuy nhiên, nó lại giống với chiếc Nord mở bán hồi đầu năm hơn là một chiếc flagship về nhiều mặt.
Tới thiết kế phần mềm
Ít nhất với những chiếc điện thoại mới, bạn có thể không chọn mua nếu cảm thấy chúng không dành cho mình. Nhưng với những người đang sở hữu một thiết bị OnePlus thì sao? Chà, bạn cũng đã bắt đầu thấy những thay đổi trên chính thiết bị cũ của mình.
OnePlus trước giờ vẫn luôn trung thành với một giao diện thuần Google nhất, ít tuỳ biến. "Về mặt thiết kế, tập trung vào vẻ đẹp đơn giản, không bổ sung các tính năng không cần thiết", Giám đốc điều hành OnePlus Pete Lau cho biết trong một bài đăng năm 2018.
Chỉ hai năm sau, năm 2020, OnePlus đã từ bỏ cách tiếp cận đó để chuyển sang cách mà các OEM Android khác vẫn làm.
Trước khi phát hành phiên bản OxygenOS 11 vào tháng 9/2020, phần mềm của OnePlus mê hoặc các tín đồ Android ở chỗ nó tái tạo hoàn hảo trải nghiệm Android gốc cho người dùng. Điều đó không có nghĩa là phần mềm của OnePlus không có bất kì bổ sung nào.
Trên thực tế, với các tính năng như Zen Mode, OnePlus đã thực hiện rất nhiều tinh chỉnh để mang lại bản sắc riêng cho OxygenOS.
Vậy nhưng, điều này không còn đúng với bản OxygenOS 11. Trên phiên bản mới, công ty đã thêm thắt rất nhiều tính năng mà người dùng yêu cầu, tuy nhiên để làm vậy họ chấp nhận hi sinh sự độc đáo vốn có của nền tảng này.
Hiện tại, OxygenOS trông giống như bất kì giao diện Android nào khác, với những tính năng và thiết kế kì quặc dường như được sao chép từ OneUI của Samsung và ColorOS 11 của Oppo.
OnePlus cũng từng tự hào khi là hãng Android duy nhất ngoài Google không cài sẵn các app rác lên thiết bị người dùng. Điều này đã thay đổi, trên những điện thoại OnePlus mới xuất xưởng, các dịch vụ của Facebook đã được cài sẵn.
Ngoài ra, OnePlus cũng đang đẩy ứng dụng mua sắm Amazon đến các thiết bị của mình thông qua cập nhật OTA.
Ở một khía cạnh nào đó, thật khó để trách OnePlus vì đã có nhiều thay đổi chiến lược như thế. Ít nhất nếu là một người ngoài cuộc nhìn vào, công ty này đang tìm thấy thành công nhất định.
OnePlus Nord được vinh danh là chiếc điện thoại tầm trung bán chạy nhất Ấn Độ. Hơn nữa, không một công ty nào chịu đứng yên mà không thay đổi, đặc biệt là gần đây đồng sáng lập OnePlus đã ra đi để tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ.
Nhưng người dùng phải tự hỏi, cách tiếp cận mới này của OnePlus bền vững đến mức nào? Tập khách hàng hiện có của họ là những fan hâm mộ trung thành với một OnePlus dám khác biệt với Samsung và với phần còn lại của thế giới Android. Đó đã từng là lợi thế cạnh tranh của những chiếc điện thoại OnePlus.
Với việc Pete Lau đảm nhận vị trí lãnh đạo cao cấp tại OPlus - một đơn vị mới và được cho là độc lập của BBK, sẽ đảm nhận nhiệm vụ giám sát cả Oppo và OnePlus, tập trung vào "sức mạnh thương hiệu".
Do đó, thời gian tới, hai thương hiệu điện thoại này có lẽ xoá bỏ khoảng cách với nhau. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu ảnh hưởng của Oppo đối với OnePlus có thay đổi theo hướng tốt hơn hay không.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/