Nhiều ngân hàng có thể ghi nhận khoản lãi đột biến trong nửa cuối năm 2023
Theo nhận định từ giới chuyên gia, ngành ngân hàng sẽ không duy trì được mức sinh lời cao như trong những năm trước trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện tại. Tuy vậy, ngân hàng vẫn được đánh giá là có khả năng chống chọi tốt với những "cơn gió ngược" của nền kinh tế.
Trong khi hoạt động cho vay, mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng, đang diễn ra trầm lắng trong những tháng đầu năm, một số ngân hàng có khả năng ghi nhận những khoản lợi nhuận đột biến trong những tháng cuối năm 2023 hoặc trong năm 2024.
Thu từ thoái vốn, bán cổ phần cho đối tác ngoại
Mới đây nhất, HDBank cho biết đã quyết định bán một phần cổ phiếu của hãng hàng không Vietjet (VJC) nhằm tập trung hoạt động kinh doanh chính, giảm đầu tư ngoài ngành. Ước tính sau khi thực hiện giao dịch, HDBank có thể thu về khoảng 400 tỷ lợi nhuận từ khoản đầu tư này.
HDBank hiện là cổ đông lớn thứ 4 tại Vietjet với sổ cổ phần nắm giữ 26,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,95%. Số lượng cổ phiếu dự kiến bán ra là 8 triệu cổ phiếu, thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, từ ngày 28/6/2023 đến 26/7/2023.
Tại các ngân hàng như VPBank, SHB, khoản thu từ những thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược ngoại là những khoản có thể mang lại lợi nhuận bất thường trong năm 2023.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng đã nhận đặt cọc 10%, tương đương 3.590 tỷ đồng từ đối tác SMBC trong thương vụ chuyển nhượng 15% vốn cổ phần của ngân hàng.
"Phần còn lại sẽ nhận được sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn tất và đối tác chiến lược sẽ chuyển tiền để tăng vốn", ông Dũng cho hay.
Theo đó, VPBank dự kiến chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn cho SMBC với giá chào bán dự kiến 30.159 đồng/cp. Như vậy ước tính giá trị thương vụ đạt khoảng hơn 35.900 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.
Tại SHB, ngân hàng này cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác ngoại Thái Lan là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG.
Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 rằng theo kế hoạch, đối tác sẽ đặt trước 50% trong tháng 5 và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại trong 3 năm sau.
Giá trị thương vụ hiện chưa được tiết lộ song Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho hay mức giá thoả thuận dự kiến cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài.
Trước đó theo đưa tin từ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri từng tiết lộ ngân hàng sẽ chi 5,1 tỷ baht, tương đương 156 triệu USD, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho thương vụ, gấp 3,5 lần vốn điều lệ của SHBFinance.
Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB, chia sẻ việc chuyển nhượng vốn cho Krungsri sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB,giúp SHB tăng cường bộ đệm vốn, một trong những cơ sở để đẩy nhanh lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong năm 2023.
Triển vọng thu nhập từ giảm trích lập dự phòng
Không có các khoản thu bất thường từ các thương vụ bán cổ phần hay thoái vốn, một vài ngân hàng như Vietcombank hay Sacombank lại có thể ghi nhận các khoản lợi nhuận từ chính việc xử lý nợ xấu của mình.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng bộ đệm dự phòng vững sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2023. Các chuyên gia phân tích đánh giá Vietcombank đã thành công trong việc quản lý chất lượng dư nợ, kể cả trong tình hình vĩ mô khó khăn hiện tại.
Trong quý I/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đi ngược dòng xu thế ngành khi tăng từ 317% tại cuối năm 2022 lên mức 321%.Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của top 15 ngân hàng niêm yết giảm xuống 130% từ 150% tại cuối 2022.
Chủ tịch Vietcombank cho hay trong quý IV năm ngoái, ngân hàng đã trích lập một khoản tương đối lớn hơn 10.000 tỷ đồng, toàn bộ khoản cho vay được trích lập này đều có tài sản đảm bảo. Đến nay đã thu hồi một phần và hoàn nhập chỉ còn 5.800 tỷ đồng
Đại diện Vietcombank cũng cho hay nếu từ nay đến cuối năm thu được hết dư nợ với những khách hàng trên thì sẽ hoàn nhập được toàn bộ số tiền này.
Tại Sacombank, ngân hàng dự kiến sẽ hoàn tất phương án tái cơ cấu vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra trước đó vào năm 2025.
Việc xử lý các tài sản tồn đọng của Sacombank được các chuyên gia nhận định là sẽ khó khăn và chậm trong năm 2023, đồng thời cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để trích lập dự phòng cho 5.800 tỷ đồng trái phiếu VAMC còn lại từ nay cho đến hết năm 2023 để hoàn tất đề án tái cơ cấu.
Thông tin tại đại hội đồng cổ đông cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết Sacombank sẽ trích lập dự phòng thêm 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng trích đủ 100% dư nợ.
"Lợi nhuận trước thuế trước khi trích dự phòng năm 2022 (trích 13.000 tỷ) là 19.900 tỷ đồng, nếu năm nay trích lập 8.000 tỷ đồng thì lợi nhuận có thể vượt các ngân hàng khác cùng quy mô", bà Thạch Diễm cho hay.
Ngoài ra,nếu xử lý được các vấn đề liên quan, ngân hàng có thể được hoàn nhập dự phòng hơn 20.000 tỷ đồng, đây sẽ là động lực cho những bước tiếp theo của Sacombank.
Theo đánh giá của ACBS, các tài sản đang được Sacombank thanh lý ước tính có giá trị vào khoảng 25.000 tỷ đồng tính theo giá thị trường và giá đấu khởi điểm. Lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý các tài sản đảm bảo này ước tính khoảng 19.000 tỷ đồng.
ACBS cho rằng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Sacombank sẽ tăng lên mức 20.006 tỷ đồng sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng.
Các khoản thu "bất thường" khác
Ngoài các khoản thu nói trên, các hợp đồng bảo hiểm độc quyền dài hạn được ký giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng là một trong những khoản có thể mang lại lợi nhuận bất thường cho các ngân hàng.
Mới đây nhất, VIB và đối tác Prudential đã hoàn tất việc gia hạn thoả thuận hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm đến năm 2036 với nhiều thay đổi nổi bật. Thoả thuận phân phối bảo hiểm độc quyền trước đó được hai bên ký kết vào cuối năm 2015 với thời hạn là 15 năm.
Ngân hàng chưa tiết lộ chi tiết về giá trị thương vụ này, tuy nhiên theo thông tin từ Chứng khoán MBS, mức phí trả trước của đợt thoả thuận này dự kiến đạt 100 triệu USD (tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng) và điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho ngân hàng hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
Trước đó, trong quý I, Techcombank cũng từng ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến hơn 700 tỷ đồng từ việc bán Trụ sở cũ tại191 Bà Triệu (Hà Nội).Thu nhập đột biến từ lợi nhuận khác nói trên cùng với tăng trưởng hơn 15% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (1.944 tỷ đồng) đã giúp bù lại một phần sự sụt giảm từ các mảng còn lại của ngân hàng trong quý đầu năm nay.