Nhiều doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tiền mặt trong tuần tới, cao nhất 70%
CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (Mã: TDS) thông báo ngày 28/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 70% (1 cổ phiếu nhận được 7.000 đồng). Tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/6.
Với hơn 12,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, TDS cần chi hơn 85 tỷ đồng trả cổ tức. Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) có thể nhận về 55 tỷ đồng do nắm 65% vốn. CTCP Gemadept (Mã: GMD) sẽ bỏ túi khoảng 9,3 tỷ đồng do sở hữu 10,9% vốn.
TDS mạnh tay trả cổ tức năm 2023 sau hai năm gián đoạn (2021, 2022), đây cũng là mức cổ tức cao nhất trong lịch sử của công ty. Giai đoạn 2011 - 2020, TDS thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông (2011- 2020), tỷ lệ dao động 5-25%.
CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) chốt ngày 28/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức đợt 2/2023 với tỷ lệ 45% tiền mặt (4.500 đồng/cp). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/6.
Với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi 180 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, CTCP Cảng Hải Phòng sẽ nhận về 81 tỷ đồng khi nắm 51% vốn, CTCP Vật tư Nông sản nhận gần 34 tỷ đồng do sở hữu 18,7% vốn.
Tháng 1, DVP đã tiến hành trả cổ tức đợt 1 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1.000 đồng). Như vậy, công ty đã hoàn thành kế hoạch cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 70%.
Trong tuần tới, CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (Mã: SKV) cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức cao. Cụ thể, công ty chốt ngày 25/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, tỷ lệ 30,1% (1 cổ phiếu nhận được 3.010 đồng).
Với 23 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SKV cần chi hơn 69 tỷ đồng trả cổ tức. Đây cũng mức cổ tức cao nhất của công ty từ khi niêm yết đến nay. Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa – công ty mẹ của SKV có thể nhận 35 tỷ đồng cổ tức nhờ nắm 51% vốn.
Cổ đông CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) sắp nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20% (tương đương trả 2.000 đồng trên mỗi cổ phiếu).
Với hơn 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty phân bón cần chi 1.059 tỷ đồng trả cổ tức. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể bỏ túi 800 tỷ đồng nhờ nắm 75,56% vốn tại Đạm Cà Mau.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau Văn Tiến Thanh cho rằng, tỷ lệ 20% được xem là hài hòa cho cổ đông và công ty. Công ty cần chi phí đầu tư lớn trong thời gian tới, nhu cầu vốn không chỉ trước mắt mà còn nhiều năm sau, trong khi cổ đông không chỉ kỷ vọng cổ tức mà triển vọng dài hạn.
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - Mã: NSC) thông báo ngày 25/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng). Tương ứng, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/6.
Với gần 17,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp cần chi hơn 35 tỷ đồng trả cổ tức. CTCP PAN Farm - công ty con của Tập đoàn PAN Group (Mã: PAN) có thể nhận về 28 tỷ đồng khi nắm 81,91% vốn của Vinaseed.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã thông qua mức cổ tức năm 2023 là 4.000 đồng/cp. Như vậy, tỷ lệ cổ tức còn lại là 20%.
Vinaseed là doanh nghiệp thường trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Giai đoạn năm 2019-2023, công ty duy trì mức cổ tức 4.000 đồng/cp, riêng năm 2021 tăng đột biến lên mức kỷ lục 7.000 đồng/cp. Năm 2024, công ty dự kiến chia cổ tức từ 30-40%.
Trong tuần tới, CTCP Bột giặt Lix (Mã: LIX) sẽ chốt ngày đăng ký cuối cùng để phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới).
Công ty dự kiến phát hành 32,4 triệu cổ phiếu mới để có thể thực hiện nâng vốn gấp đôi lên 648 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nguồn phát hành từ Quỹ đầu tư phát triển đến cuối 2023.
CTCP Vận tải Biển Vinaship (Mã: VNA) thông báo ngày 1/7 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, công ty dự kiến phát hành 14 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 70% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận về 70 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành lấy từ nguồn quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2023 căn cứ trên BCTC công ty mẹ năm 2023 đã được kiểm toán. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vinaship sẽ tăng từ 200 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng.
14 năm nay, Vinaship không trả cổ tức cũng như thưởng cổ phiếu. Lần gần nhất công ty trả cổ tức là vào tháng 10/2011 với việc thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2010 bằng tiền với tỷ lệ 10%.