|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Một 'ông lớn' bất động sản sắp làm khu đô thị 2,5 tỷ USD ở Hóc Môn

04:00 | 12/09/2023
Chia sẻ
Khu đô thị Đại học Quốc tế tại huyện Hóc Môn, TP HCM có quy mô 880 ha, tổng vốn 59.000 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD) dự kiến được một "ông lớn" bất động sản Việt Nam bắt đầu thi công các hạng mục từ quý I/2024.

Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế 880 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (thuộc Khu đô thị Tây Bắc), TP HCM.

Nói qua về Khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008, có quy mô 6.089 ha, nằm ở hướng Tây Bắc của TP HCM, là một trong các hướng được ưu tiên phát triển cùng với các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, khu đô thị Nam thành phố, đô thị Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), đô thị khoa học công nghệ ở Thủ Đức.

Trong tổng thể phát triển khu đô thị Tây Bắc, khu chức năng Đại học Quốc tế kết hợp khu dân cư nằm ở phía Nam, thuộc địa bàn xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Berjaya Việt Nam xúc tiến đầu tư.

Khu đô thị Đại học Quốc tế trên bản đồ quy hoạch.

Khu đô thị Đại học Quốc tế được phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2000 vào tháng 4/2012, đến năm 2013 được duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư giai đoạn 1.

Tháng 8/2018, khu đô thị Đại học Quốc tế được HĐND TP HCM thông qua danh mục dự án cần thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đến tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của Berjaya Việt Nam.

Khu đô thị Đại học Quốc tế có tổng diện tích khoảng 880 ha. Phía Đông Nam giáp kênh An Hạ; phía Tây - Tây Nam giáp kênh Ranh Long An và kênh 8; phía Bắc giáp kênh Xáng.

Ranh giới dự án nhìn trên bản đồ.

Về hiện trạng, trong khu vực dự án có khoảng gần 200 căn nhà, chủ yếu là nhà cấp 3 và cấp 4. Các công trình kiến trúc nằm rải rác dọc theo đường đê của kênh Xáng và kênh An Hạ. Báo cáo cho biết, do vùng đất này bị nhiễm phèn nặng nên năng suất trồng trọt rất thấp.

Phía Bắc dự án là các nhà dân sinh sống trên đường Tam Tân (phía bên kia bờ kênh Xáng); phía Đông là các nhà dân sinh sống trên đường Thanh Niên (phía bên kia bờ kênh An Hạ).

Trong cơ cấu đất hiện trạng, đất nông nghiệp chiếm 66,5 ha; đất ở nông thôn chiếm 9,8 ha; đất trồng cây lâu năm chiếm 623,1 ha; đất chưa sử dụng chiếm 108,9 ha; đất mặt nước chiếm 20,3 ha; đất giao thông và đất khác là 51,3 ha.

 

 

Hiện trạng giao thông khu vực có các tuyến đường đất dọc kênh, gồm đường dọc kênh Xáng, đường dọc kênh An Hạ, đường dọc kênh 2, 3, 4, 5, 6, 7. Tổng chiều dài các tuyến đường dọc bờ kênh khoảng 40.739 m, chiều rộng trung bình 4,3 m.

Ngoài ra, còn có các tuyến đường đất khác với tổng chiều dài 26.398 m, chiều rộng trung bình 3,1 m. Khu vực kênh Xáng và kênh An Hạ còn có chức năng giao thông đường thuỷ.

 

 Một số tuyến đường giao thông hiện trạng khu vực dự án.

Quy mô dân số của Khu đô thị Đại học Quốc tế là khoảng 64.160 người. Trong cơ cấu sử dụng đất, đất đơn vị ở sẽ chiếm khoảng 295,1 ha; đất ngoài đơn vị ở là 584,9 ha.

Đất nhóm nhà ở tại dự án là 146,6 ha, mật độ xây dựng 21 - 100%, chiều cao xây dựng 3 - 22 tầng. Tại đây sẽ xây dựng 552 căn biệt thự cao 4 tầng; 2.491 căn nhà ở liền kề cao 5 tầng; 815 lô đất ở tái định cư cao 5 tầng. Đất nhà ở chung cư cao tầng sẽ được xây 12 - 22 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%.

Khu nhà ở xã hội thấp tầng tại dự án sẽ quy hoạch theo mô hình liền kề 2 - 3 tầng, diện tích 50 - 70 m2, các dãy phố quy hoạch theo hình thái ô bàn cờ, bao quanh lõi cây xanh. Các nhóm nhà biệt thự có diện tích 120 - 220 m2/căn, nhà liền kề 56 - 200 m2/căn.

Đất công cộng đơn vị ở bao gồm các hạng mục như trường học, nhà văn hoá, công trình phức hợp thương mại dịch vụ, khu thể dục thể thao, công trình y tế. Dự án sẽ bố trí hơn 298 ha để xây dựng làng đại học, cao đẳng, các công trình ký túc xá cao 22 tầng...

Dự án sẽ quy hoạch hệ thống đường đối ngoại có mặt cắt ngang 47 - 60 m. Các tuyến đường khu vực sẽ rộng 30 m. Các tuyến đường nội bộ rộng 10 - 29,5 m.

Tổng mức đầu tư của Khu đô thị Đại học Quốc tế là 59.000 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD). Về tiến độ, dự kiến đến tháng 12/2023 dự án sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý và bắt đầu đền bù, giải phóng mặt bằng; giai đoạn quý I/2024 - tháng 12/2027 sẽ thi công xây dựng các hạng mục công trình; từ tháng 12/2027 bắt đầu vận hành chính thức dự án.

Dự án được Vinhomes mua lại vào năm 2018

Phối cảnh Khu đô thị Đại học Quốc tế.

 

Về chủ đầu tư, theo tìm hiểu của người viết, Berjaya Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH hai thành viên, được thành lập vào tháng 7/2008, hiện có trụ sở tại Vincom Center Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Tại thời điểm tháng 2/2019, Berjaya Việt Nam có vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, chủ sở hữu là Berjaya Leisure (Cayman) Ltd - doanh nghiệp được biết đến là công ty con của Berjaya Land Berhad - một tập đoàn Malaysia chuyên phát triển mảng bất động sản; khách sạn - nghỉ dưỡng; bán lẻ và xổ số. 

Vào tháng 2/2018, Tập đoàn Berjaya đã chuyển nhượng 97,7% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam cho một doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam với tổng giá trị gần 11.750 tỷ đồng. Thông qua đó, chuyển nhượng gần như toàn bộ dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế ở Hóc Môn. 

Với Berjaya Berhad, bên cạnh Khu đô thị Đại học Quốc tế, từ năm 2008 tập đoàn này còn đầu tư một dự án khác tại TP HCM là Trung tâm tài chính Berjaya Việt Nam để phát triển các dự án tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao, khu dịch vụ và trung tâm mua sắm trên mảnh đất rộng 6,64 ha tại quận 10, chủ đầu tư là Berjaya Việt Nam Financial Center Limited (BVFC).

Tháng 6/2018, Berjaya Leisure (Cayman) Ltd đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào BVFC và chuyển nhượng cho hai doanh nghiệp Việt Nam với chi phí khoảng 884,9 tỷ đồng. Trước khi thoái vốn, phần vốn góp của Berjaya Leisure là 967,3 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ của BVFC. 

Hoàng Huy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.