Một cổ phiếu ngân hàng tăng gần 23% trong tuần qua, thanh khoản LPB bất ngờ tăng vọt
KLB dẫn đầu tăng giá, thanh khoản toàn ngành tiếp tục giảm
Trong tuần giao dịch vừa qua (14/3 - 18/3), nhóm cổ phiếu ngân hàng chuyển biến tích cực trở lại với 23/27 mã tăng giá, 2 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu.
Tâm điểm là cổ phiếu KLB của Kienlongbank với mức tăng mạnh nhất toàn ngành (+22,7%), thiết lập đỉnh lịch sử mới tại mốc 40.000 đồng/cp. Trong đó, riêng hai phiên đầu tiên của tuần, cổ phiếu này đều tăng kịch trần với thanh khoản đột biến.
Vừa qua, Kienlongbank thông báo cho biết sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên trong tháng 4/2022. Thay vì được tổ chức tại Kiên Giang như mọi năm, đại hội lần này dự kiến được tổ chức tại tòa nhà 16 Phạm Hùng, Hà Nội, cũng là trụ sở chính của tập đoàn Sunshine Group.
Quay trở lại với diễn biến của nhóm ngân hàng tuần qua, ngoài KLB, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân cũng ghi nhận mức tăng đáng chú ý (+7,8%). Trong khi đó, đại diện từ nhóm ngân hàng niêm yết trên HOSE có BID với mức tăng 4,9%.
Mặc dù vẫn duy trì trong sắc xanh, song các mã cổ phiếu cùng ngành khác chỉ có mức tăng từ 0,3 - 3% sau 5 phiên giao dịch.
Ở chiều ngược lại, hai mã giảm giá trong tuần qua là VBB và VPB với mức giảm lần lượt là 2,4% và 0,4%.
Thanh khoản của nhóm ngân hàng trong tuần qua tiếp tục đi xuống khi có tổng cộng gần 578 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư (giảm 5,7% so với tuần trước) tương ứng với giá trị giao dịch đạt 18.355 tỷ đồng (giảm 7,2%).
Trong đó, vị trí quán quân về thanh khoản đã quay trở về STB vớihơn 88 triệu cổ phiếu được giao dịch trong tuần. Xếp thứ hai là STB với hơn 80,4 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu LPB bất ngờ tăng vọt lên hơn 76 triệu đơn vị (gấp đôi tuần trước), đứng thứ hai trong tuần qua.
Trong phiên 16/3, cổ phiếu LPB xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 47 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 1.052 tỷ đồng tại giá 22.400 đồng/cp. Theo phương thức khớp lệnh, thanh khoản của mã này đạt gần 10 triệu đơn vị, cao gấp nhiều lần các phiên trước đó.
Ngoài ra, các mã SHB, MBB và VPB duy trì khối lượng giao dịch quanh mức 61 - 64 triệu cổ phiếu.
Mặt khác, tuần qua không có cổ phiếu ngân hàng nào có giá trị giao dịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Cao nhất là STB với 2.884 tỷ đồng. Lần lượt xếp sau đó là VPB và MBB với 2.263 tỷ và 2.013 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, dòng tiền ngoại tiếp tục xu hướng phân hóa trong tuần qua khi gom mạnh vào các mã như STB (mua ròng 536 tỷ đồng), CTG (mua ròng 99 tỷ đồng), … trong khi đó bán ròng 156 tỷ đồng LPB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Theo tài liệu họp đại hội thường niên năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 15.018 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đồng thời dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 25%.
SeABank đã chào bán hơn 181,3 triệu cổ phiếu SSB với giá ưu đãi 15.000 đồng/cp cho các cổ đông hiện hữu. Sau đợt chào bán, ngân hàng thu về hơn 2.719 tỷ đồng trong đó mức chi phí phát hành là gần 300 triệu đồng.
Vietcombank huỷ ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với lý do nhằm hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo công tác chuẩn bị đại hội được an toàn, hiệu quả. Ngân hàng chưa đưa ra thông báo mới về lịch tổ chức dự kiến thay thế.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, VIB đã thông qua kế hoạch lãi 10.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021. Bên cạnh đó, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Techcombank vừa có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho hai công ty con do Tập đoàn Masan là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NPM) và Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC).