|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Data Talk: Tăng trưởng có đủ tốt, định giá còn đủ rẻ?

16:45 | 02/08/2024
Chia sẻ
Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II vừa kết thúc, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao, song liệu những con số đó đã phản ánh hết thực tế "sức khoẻ" của doanh nghiệp. Với chủ đề "Tăng trưởng có đủ tốt, định giá còn đủ rẻ?", Data Talk số tháng 8/2024 lên sóng vào 14h45 ngày 2/8 mang đến bức tranh toàn cảnh cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn giằng co sau khi giảm về vùng giá quanh 1.240 điểm, tương đương mức trung bình từ đầu năm 2024. Đây cũng là hiện tượng phổ biến khi nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin hoặc các yếu tố tác động để quyết định mua cổ phiếu cho giai đoạn cuối năm.

Sau các thông tin về báo cáo vĩ mô tháng 7 khá tích cực, thị trường sẽ cần thêm thời gian để đánh giá tiếp về sức hấp dẫn của các nhóm cổ phiếu, khi bước vào cao điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh.

 

Toạ đàm Data Talk số tháng 8/2024 với chủ đề "Tăng trưởng có đủ tốt, định giá còn đủ rẻ?" kỳ này, các chuyên gia của chương trình sẽ tập trung phân tích và thảo luận ba nhóm vấn đề chính:

Một là, đánh giá tổng quan mùa báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp.

Hai là, các doanh nghiệp nhóm ngành nổi bật đã có kết quả kinh doanh ấn tượng nửa đầu năm.

Ba là, nhóm ngành ngân hàng với các chỉ số trong quý II, đánh giá lo ngại về nợ xấu và dư địa tăng trưởng

Tọa đàm sẽ có sự tham gia của các diễn giả:

- Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup

- Ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng

- Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Thành Công

Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng VietnamBiz (https://vietnambiz.vn), livestream Fanpage Tin Kinh tế hàng ngày (http://facebook.com/TintucVietnamBiz).

Data Talk là chuỗi toạ đàm do VietnamBiz phối hợp cùng WiGroup - đơn vị cung cấp giải pháp dữ liệu tài chính quy mô hàng đầu Việt Nam thực hiện định kỳ hàng tháng, quý. Mục tiêu của chương trình nhằm mang đến những phân tích hữu ích của các chuyên gia hàng đầu, tất cả những gì nhà đầu tư cần cho quyết định đầu tư.

TỔNG THUẬT:

Tổng quan kết quả kinh doanh quý II các doanh nghiệp

Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup: Kết quả kinh doanh quý II đều đang có những con số lợi nhuận cao hơn hẳn mặt bằng của 2023 và có những dấu hiệu của sự phục hồi về tổng lợi nhuận so với trước đó.

 

Một chỉ số quan trọng cũng vừa được công bố là PMI ghi nhận 54,7 điểm. Trong năm 2022, có một cú sốc đi kèm với đó lợi nhuận toàn thị trường giảm sâu trong quý cuối năm và PMI cũng phản ánh khá chính xác khi ở ngưỡng dưới 50 điểm nhiều tháng. Qua đó, chúng ta có thể thấy PMI đang phản ánh khá tốt khả năng tạo ra lợi nhuận của các doanh nghiệp.

 

Chúng ta có khá nhiều cơ sở để kỳ vọng số liệu của quý III năm nay sẽ tích cực. Nhìn sâu về con số tăng trưởng trong quý II, trong top 20 doanh nghiệp đóng góp tạo ra tăng trưởng lợi nhuận. Riêng ngành hàng không đóng góp ba doanh nghiệp với mức tăng trưởng dương.

 

Bên cạnh đó là ngành bất động sản song bức tranh của ngành này lại khá đặc biệt khi chủ yếu cùng kỳ các doanh nghiệp lỗ lớn như Novaland, Nhà Từ Liêm,… nhưng kỳ này lợi nhuận chỉ ở mức thông thường cũng đã tạo ra “gap” tăng trưởng. Ngành thép cũng đóng góp khá tốt vào mức tăng trưởng đó. Có thêm một nhóm ngành là viễn thông và ngành phần mềm.

Cũng lưu ý là trong top 20 có khá nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng khi cùng kỳ lỗ lớn. Đồng thời cũng có một vài đơn vị tăng trưởng. Có vẻ câu chuyện của quý II thiên nhiều hơn về câu chuyện phục hồi về lợi nhuận khi lợi nhuận đi ngang thì giờ tăng trở lại hoặc doanh nghiệp lỗ lớn thì thoát lỗ.

Câu chuyện của quý II, chúng ta có thể kỳ vọng duy trì tiếp ở quý III. Còn đây là top doanh nghiệp kéo tụt lợi nhuận trong quý qua và nhóm bất động sản vẫn còn rất khó khăn. Nhóm này cũng có hiệu suất đầu tư không tốt và cũng là nhóm có mức giảm lợi nhuận so với cùng kỳ rất lớn. Trong đó có LDG, AGG, Phát Đạt, Kinh Bắc,…

 

Vậy bản thân các doanh nghiệp có đang có sự mở rộng hoặc chủ động để tạo ra lợi nhuận tốt hơn không? Biểu đồ dưới đây mô tả xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp thể hiện trên tăng trưởng của tổng tài sản, hàng tồn kho, tài sản cố định, tài sản dở dang.

 

Theo quan sát của tôi, trong năm 2023, các doanh nghiệp gần như không mở rộng quy mô trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Sang tới quý IV/2023, tài sản dở dang tăng trưởng tới 21% so với cùng kỳ - đây là một con số tăng trưởng rất mạnh, mô tả sự phục hồi trở lại của doanh nghiệp để đầu tư các dự án mới. Một số doanh nghiệp điển hình như: Hoà Phát, PV Power, ACV,…

 

Rất nhiều doanh nghiệp có dự án được kỳ vọng đi vào hoạt động ngay trong 2024 hoặc đầu 2025 tới. Đây là một góc nhìn nhanh về xu hướng nguồn vốn. Có vẻ các doanh nghiệp đang tập trung vào vay nợ dài hạn nhiều hơn và xu hướng phát hành cũng chưa xảy ra nhiều mà tập trung cho câu chuyện xoay xở trong các nguồn vốn vay và thiên về vay dài hạn.

 

ROE thị trường đang được phản ánh khá hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

 

Ông Trương Đắc Nguyên: Là nhà tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Thành Trung có cho rằng những con số tăng trưởng trong nửa đầu năm đã đúng với kỳ vọng hay chưa?

Ông Nguyễn Thành Trung: Theo báo cáo của nhiều công ty chứng khoán từ đầu năm, dự kiến lợi nhuận năm 2024 phục hồi khoảng 20% so với 2023. Với những con số anh Nguyên vừa chia sẻ, dường như chỉ tiêu tăng trưởng đang vượt kỳ vọng so với trước đây. Điều này thể hiện ở các các đơn vị ngành tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán hay cả doanh nghiệp sản xuất.

Chỉ số PMI cũng cho thấy sự phục hồi của Việt Nam khá tốt. Tựu trung lại, các chỉ số đang phù hợp, vượt kỳ vọng của rất nhiều nhà đầu tư, cũng như bộ phân phân tích. Điều này là tích cực cho xu hướng của thị trường chứng khoán trong hiện tại và sắp tới.

Ông Trương Đắc Nguyên:  Các chuyên gia nhận định ra sao về tăng trưởng của nhóm ngân hàng? Dự báo tăng trưởng nhóm ngân hàng khoảng 20% có phù hợp? Năm ngoái ngân hàng không tích cực nhưng sao cổ phiếu ngân hàng lại phục hồi? Nợ xấu tại sao không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng?

Ông Lê Hoài Ân: Với con số tăng trưởng tín dụng 14-15% mỗi năm thì thu nhập của hoạt động tín dụng, vốn chiếm 80% tổng thu nhập của ngân hàng, sẽ tăng tương ứng. Tuy nhiên có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng trong năm nay. Theo tôi mức tăng trưởng 20% này là tương đối phù hợp.

Ngành ngân hàng là ngành quan trọng, vốn hóa ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, chỉ có 27 ngân hàng chiếm 30 - 40% vốn hóa của thị trường. Có thể thấy mọi hoạt động ở Việt Nam đều liên quan đến ngân hàng, nguồn vốn doanh nghiệp cũng đến từ ngân hàng do thị trường vốn chưa phát triển. Do đó, những thay đổi ngành ngân hàng tác động lớn đến triển vọng kinh tế chung, chứng khoán nói riêng.

Năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, tăng trưởng tín dụng khó và bằng nỗ lực cũng đẩy được tín dụng. Sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những biện pháp hỗ trợ như giao room tín dụng từ đầu năm và nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng.

 Nguồn: WiData.

Cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng được 6%. Vốn tín dụng là động lực giúp TTCK về dòng tiền. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 6% nhưng nhóm ngân hàng chưa niêm yết như Agribank có mức tăng trưởng chậm hơn.

Tín dụng nhóm đang niêm yết tăng trung bình từ 8 - 10%. Nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp tăng trưởng rất tốt, còn nhóm cho vay cá nhân khó khăn hơn. Ví dụ, ACB thuộc nhóm cho vay cá nhân nhưng tăng trưởng tốt do chuyển dịch sang FDI, SME còn VIB lại tăng trưởng khó.

 Nguồn: WiData.

Trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất thấp kỷ lục nhưng nhu cầu tín dụng tiêu dùng vẫn thấp. Lãi suất thấp không kích thích được khu vực tiêu dùng. Năm ngoái các ngân hàng bơm tín dụng để giải quyết khó khăn, năm nay là bơm vào hoạt động sản xuất nhiều hơn. Các hoạt động như đầu tư dở dang cũng tốt hơn. Đó là những động lực tăng trưởng của các ngân hàng, tuy nhiên nó cũng không có sự đồng bộ ở tất cả ngân hàng.

Những ngân hàng chuyên về cho vay cá nhân có lợi thế tăng trưởng tốt hơn. Tăng trưởng lợi nhuận tốt trong thời gian qua như Techcombank, LPBank hay những ngân hàng đẩy được tín dụng doanh nghiệp sẽ có mức tăng trưởng cao. Các ngân hàng quốc doanh thì sẽ thận trọng hơn một chút. 

Trong giai đoạn hiện tại chúng ta sẽ phải có nhiều lo ngại hơn là về vấn đề nợ xấu, khi bơm tín dụng ra ngoài cứu được nhiều doanh nghiệp thở oxy nhưng cũng bơm tiền vào những doanh nghiệp khó vượt qua. Đó có thể quay ngược trở lại là rủi ro tiềm năng trong tương lai nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 đang tiếp tục được gia hạn. Thị trường chứng khoán luôn có bước phản ánh xa hơn về rủi ro nợ xấu.

 Ông Trương Đắc Nguyên. Ảnh: VNB.

Ông Trương Đắc Nguyên: Theo ông Trung, định giá hiện tại của các nhóm ngành có đang hấp dẫn không? Chúng ta thấy yếu tố tăng trưởng có, nhưng giá cổ phiếu gần đây lại giảm thì liệu có tạo nên câu chuyện hấp dẫn không?

Ông Nguyễn Thành Trung: Rất nhiều nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, trong đó một yếu tố quan trọng chính là định giá. Thị trường có rất nhiều doanh nghiệp tốt, tuy nhiên khi định giá quá cao cũng tạo rủi ro cho nhà đầu tư. Thông thường, tôi sẽ sử dụng hai chỉ số P/E và P/B.

Trong giai đoạn tích cực, P/E của TTCK có thể lên đến 18-20 lần. Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang lình xình, P/E đang khoảng 13-14 lần, là mức dưới trung bình, cho thấy thị trường đang được định giá thấp so với trung bình.

Với P/B, chỉ số này của Việt Nam đang ở mức 1,7 lần, là vùng thấp lịch sử, gần chạm giai đoạn đáy COVID-19 (năm 2020) hay tháng 11/2022. Xét cụ thể hơn theo vốn hóa, nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng đang có định giá P/E thấp hơn trung bình là 13,8 lần. Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đang được nhà đầu tư đánh giá cao hơn, và có vẻ đắt hơn thị trường chung.

Trong rổ VN30, phần lớn là cổ phiếu ngân hàng và đang có mức định giá dưới 10 lần, đang hấp dẫn để đầu tư. Ngược lại, nhiều ngành khác đang có P/E trên 15 lần. Tổng quan, TTCK hiện vẫn có nhiều cơ hội để đầu tư được. Về ngành thì tôi đánh giá cao nhóm ngân hàng.

Ông Trương Đắc Nguyên: Không nhiều người đưa ra góc nhìn lạc quan trong giai đoạn hiện tại. Tôi có góc nhìn tương tự. Khi những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn của thị trường mới tạo ra mức định giá rẻ. Việt Nam sẽ không gặp khó khăn về dài hạn. Theo quan sát của tôi, những giai đoạn khủng hoảng, chỉ cần mua trung bình thôi cũng có thể tạo mức sinh lời khá tốt.

Định giá ngân hàng có đang ở mức thấp?

Ông Trương Đắc Nguyên: Định giá nhóm ngành ngân hàng là 9,4, thấp hơn 10 và thấp hơn trung bình ngành khác?

Ông Lê Hoài Ân: Định giá ngân hàng luôn luôn thấp hơn những ngành khác. Bản chất là do đồng lợi nhuận của ngân hàng có chất lượng thấp hơn so với các doanh nghiệp khác.

Ví dụ ở giai đoạn hiện tại, lợi nhuận Vietcombank tăng trưởng nhưng lại đến từ trích lập dự phòng giảmhoạt động tín dụng lại không cải thiện mấy. Ngân hàng muốn tăng tín dụng thì lại phải giảm NIM, muốn quản trị rủi ro tốt thì phải chấp nhận giảm lợi suất. Trong khi việc trích lập dự phòng tùy thuộc khẩu vị rủi ro, định hướng chiến lược của từng ngân hàng.

Như vậy, lợi nhuận giảm chưa chắc là xấu, lợi nhuận tăng chưa chắc là tốt vì ảnh hưởng nhiều bởi chính sách trích lập dự phòng. Các ngân hàng cho vay cá nhân, quốc doanh đang tăng trích lập trong khi MB, Techcombank lại giảm trích lập.

Có thể nói lợi nhuận ngân hàng có yếu tố “ảo”. Và do đó P/E bằng 9 chưa chắc đã là rẻ, nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 giúp che bớt nợ xấu. Thị trường luôn định giá đúng bởi thị trường mua dựa trên kỳ vọng cho tương lai. Có nhiều ngân hàng giao dịch với mức P/B là 0,8 nhưng không ai nói rẻ cả.

 Ông Lê Hoài Ân. Ảnh: VNB.

Ông Trương Đắc Nguyên: Nợ xấu khá cao, ảnh hưởng thế nào đến triển vọng? Có đáng lo hay không? Ảnh hưởng gì đến P/E? Nợ xấu có cải thiện hay không?

Ông Lê Hoài Ân: Theo số liệu từ NHNN, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống khoảng gần 5%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn khác lên gần 7%. Tỷ lệ nợ xấu đangmức đáng báo động nhưng con số này tại các ngân hàng niêm yết chỉ ở mức 2,22%. Nợ xấu lớn thường tại những ngân hàng không niêm yết, một số ngân hàng quy mô nhỏ có nợ xấu lên đến 20%.

Nguồn: WiData.

Ngân hàng quốc doanh thường được an tâm hơn vì chất lượng tài sản tốt. Họ có lãi suất thấp nên được quyền chọn khách hàng và thường yêu cầu danh mục tài sản tốt. Cái khó của nhóm quốc doanh là phải làm đầu tàu tăng trưởng.

Nhóm Ngân hàng cho vay doanh nghiệp đã hưởng lợi nhiều khi hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp vào năm ngoái và tăng trưởng vào năm nay. Nhóm này ghi nhận giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng chưa hẳn đã là tốt. Lợi nhuận nhóm này tăng trưởng tốt, NIMCASA đều cải thiện. Tuy nhiên, cũng phải quan tâm rằng khoảng 6 - 12 tháng nữa thì những khách hàng của ngân hàng có vực dậy được hay không.

Còn nhóm Ngân hàng cho vay cá nhân thì có hạn chế tăng trưởng, tăng trưởng khá chọn lọc và nợ xấu được kiểm soát tốt.

Nguồn: WiData.

Đáng lo nhất trong bản đồ này là nhóm ngân hàng khác vì chịu áp lực phải tăng trưởng lợi nhuận và khó cạnh tranh. Tìm khách hàng tốt, hay tương đối tốt hiện nay khó. Do đó, nợ xấu nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ đang tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, có tình trạng nhảy nhóm nợ chéo giữa các ngân hàng. Cục nợ xấu của ngân hàng không nghiêm trọng bằng việc NĐT hình dung mức độ xấu trong đó như thế nào.

Có hai kịch bản, thứ nhất, nếu kinh tế phục hồi, đặc biệt là tiêu dùng. Thông tư 12 cho vay khoản vay tiêu dùng dưới 100 triệu đang được kỳ vọng là cú hích cho lĩnh vực tiêu dùng trong 12 tháng tới. Khi tiêu dùng cải thiện thì doanh nghiệp có đầu ra. Còn nếu tiêu dùng ảm đạm thì bơm tín dụng sẽ là quả bom nguy hiểm.

Ông Nguyễn Thành Trung. Ảnh: VNB.

Ông Trương Đắc Nguyên: Thị trường trong hai năm vừa qua tương đối khó khăn phải chăng đã ảnh hưởng tới thu nhập và tâm lý của nhà đầu tư thời gian qua?

Ông Nguyễn Thành Trung: Xét về mặt vĩ mô, đúng là cuối 2022, kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn, đặc biệt là khi thị trường bất động sản khó khăn từ giữa năm và kéo dài tới 2023 đã ảnh hưởng nhiều tới tiêu dùng nói chung. Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số về tiêu dùng và chỉ số tiêu dùng bán lẻ đã tăng trưởng âm, kể cả sản xuất công nghiệp và các hợp đồng xuất khẩu cũng tăng trưởng âm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp lớn, điển hình như MWG hay các doanh nghiệp công nghiệp đều suy giảm nhiều.

Tuy nhiên, có một điểm mà tôi thấy khá nhiều nhà đầu tư đều có một suy nghĩ là nền kinh tế và thị trường chứng khoán cùng chiều hoặc có một sự tương quan lẫn nhau. Trên sàn có hơn nghìn doanh nghiệp niêm yết, còn hiện Việt Nam có hơn 1 triệu doanh nghiệp thì ở trên sàn chứng khoán có thể nói là đại diện đứng đầu ở nhiều ngành.

Khi nền kinh tế khó khăn thì có những năm thị trường chứng khoán lại tăng. Về triển vọng phản ánh đúng song thực tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua thì nhiều doanh nghiệp lớn đều tăng thị phần như MWG, Vinamilk, Hoà Phát,…

Về cơ bản thì khi thị trường khó khăn thì tầng lớn ảnh hưởng nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ còn các đơn vị lớn đều có tiềm lực tài chính, hậu thuẫn về vốn, có chỗ đứng trên thị trường. Do đó khi kinh tế khó khăn thì chưa chắc các doanh nghiệp niêm yết đã khó khăn.

Đó là điểm khác biệt giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Ở Việt Nam thì mức độ về mặt doanh nghiệp đại diện cho nền kinh tế chưa nhiều, thị trường chứng khoán mới phát triển 24 năm. Vì vậy sự tương quan giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ có một độ lệch nào đó.

Ông Trương Đắc Nguyên: Ông có nghĩ rằng ngân hàng sẽ phục hồi hay sẽ tiếp tục xử lý khó khăn trong giai đoạn trước đó? Liệu ngân hàng có trễ pha hay không?

Ông Lê Hoài Ân: Thông thường ngân hàng chỉ cần cho vay và định kỳ ghi nhận lợi nhuận. Có thu hồi được nợ hay không mới là vấn đề quan trọng nhất.

Năm nay, NHNN đã có định hướng tập trung tăng trưởng tín dụng và phối hợp bộ ngành đẩy dòng vốn vào một số ngành nghề. Một số nhóm ngành như xây dựng, công nghiệp,… vẫn đang được đầu tư tốt là điểm tích cực. Để giải ngân tín dụng được 14% thì cần có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và phối hợp giữa các bộ ngành. Sẽ có sự chuyển dịch giữa các ngành kinh tế để gánh tăng trưởng.

Nếu giai đoạn vừa rồi là vật liệu thì sẽ đến thủy sản, dệt may, những ngành thiên về xuất khẩu, FDI. Dự kiến NHNN sẽ định hướng các ngân hàng phát triển ngành nghề theo từng quý để tạo ra động lực tăng trưởng riêng. Đây sẽ là yếu tố giúp cho thị trường. Trước 2014 thì tăng trưởng tín dụng dựa trên doanh nghiệp, làm BOT, cầu đường, xây dựng bất động sản, cho vay món lớn. Lúc đó, VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank rất to.

Về sau, khi doanh nghiệp hấp thụ vốn kém thì chuyển sang mô hình tăng trưởng bằng tiêu dùng. Trong gần một thập niên qua, mô hình này rất ổn nhưng bất động sản làm kẹt tiêu dùng, nhiều người bị kẹt trong các món vay bất động sản. Đây là yếu tố khiến lần đầu tiên chúng ta đưa tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp trở thành động lực chính.

Do đó, vấn đề định hướng của chính phủ NHNN vào từng nhóm ngành, từng thời kỳ sẽ đóng vai trò lớn. Từ nửa đầu năm đã có dấu hiệu và không phải ngẫu nhiên mà phải có tiền bơm vào thì công nghiệp mới bật mạnh lên như vậy. Sau giai đoạn nghỉ giải lao trong tháng 7 sẽ có sự bật tăng về giải ngân vào một số ngành nghề trọng điểm.

Ông Trương Đắc Nguyên: Liệu những năm sau định hướng dòng tiền có tốt hơn, đi vào những ngành kinh tế thực để không tạo ra bong bóng bất đông sản hay không?

Ông Lê Hoài Ân: Trong lúc dòng chảy tín dụng bơm ra mạnh thì có những dòng chảy vào đối tượng yếu, là yếu tố tiềm ẩn. Do vậy tăng trưởng tín dụng vừa là tích cực, vừa tiềm ẩn rủi ro. Sức cầu sẽ là chìa khóa quan trọng.

Ngày xưa Việt Nam hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài không phải vì đầu tư doanh nghiệp mà là vì thị trường tiêu dùng 100 triệu dân, tăng trưởng 11 - 12% trong suốt 5 - 7 năm là động trưởng kinh tế tốt, bền vững. Tăng trưởng tín dụng đổ vào doanh nghiệp thì tiềm ẩn rủi ro. Doanh nghiệp Việt Nam không có lợi thế trên thị trường quốc tế về mặt giá thành.

Do đó, điều đáng lo là bao nhiêu tín dụng đang bơm vào bất động sản và có phải bơm vào những lĩnh vực có như cầu thật, chẳng hạn như nhà ở xã hội hay không.

Góc nhìn với nhóm ngành BĐS sau khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8?

Ông Nguyễn Thành Trung: Lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn trong khoảng hai năm gần đây từ giai đoạn trái phiếu trầm lắng, sau đó các doanh nghiệp bất động sản cũng lao đao, đặc biệt một số doanh nghiệp lớn triển khai dự án liên quan đến second home (ngôi nhà thứ hai) làm cho thị trường đóng băng và kéo dài tới tận bây giờ.

Từ đầu năm đến nay, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan ban ngành, nhóm ngành bất động sản có sự phục hồi, tuy nhiên sự phục hồi này đến từ nhu cầu ở thật.

Sau khi trao đổi với nhiều đơn vị phân phối bất động sản, tôi thấy rằng giai đoạn hiện nay hầu hết khách hàng vẫn giữ tâm lý e dè trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản, nhất là các kênh đất nền ở tỉnh hay second home; nếu có đầu tư họ cũng sẽ mua vào các dự án có nhu cầu ở thật như nhà ở TP HCM hay những chung cư có giá hợp lý.

Các luật mới có hiệu lực sẽ góp phần khơi thông tuy nhiên Trung thấy đây chỉ là yếu tố mang tính chất khơi gợi các dự án, thị trường vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là vấn đề về niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ khi niềm tin của nhà đầu tư về thị trường quay lại, doanh nghiệp mới bán được hàng và có nhu cầu tiếp cận vốn, từ vấn đề về vốn ngân hàng mới tự tin hơn trong việc bơm vốn cho các đơn vị phát triển bất động sản cũng như người mua bất động sản, từ đó mới lan ra các hoạt động đầu tư thứ cấp và các dự án mang tính chất đầu cơ.

Qua trao đổi với một số nhà đâu tư, hiện nay trên thị trường chứng khoán có nhiều người có rất nhiều tiền mặt, trong khi một số cổ phiếu đã giảm 30 – 40% từ đỉnh ngắn hạn, tuy nhiên những nhà đầu tư này vẫn chưa có nhu cầu giải ngân do tâm lý e ngại rủi ro. Do đó, điểm mấu chốt ở đây vẫn là khi nào khi trường khôi phục lại được niềm tin với nhà đầu tư.

Ông Trương Đắc Nguyên: Theo ông Nguyễn Thành Trung, đâu là những kỳ vọng đầu tư cho phần còn lại năm 2024?

Ông Nguyễn Thành Trung: Trong các lớp tài sản chính thống, tiền gửi được lựa chọn khá nhiều. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiền gửi trên GDP cao nhất thế giới. Với lãi suất huy động hiện khoảng 5% và gần đây có tăng nhẹ, song vẫn là mức thấp, không còn hấp dẫn như năm trước. Một số nhà đầu tư cho biết họ đang tìm những cơ hội mới thay vì chỉ gửi trong ngân hàng.

Về bất động sản, nhu cầu ở thực sẽ dần quay lại, xong bất động sản đầu tư sẽ cần thêm thời gian. Trái phiếu vẫn chưa được phục hồi lại. Những doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu giờ cũng gặp khó khăn. Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng là rào cản.

Vàng, trong nhiều tháng trước là một kênh nổi lên. Nhà đầu tư không biết rót tiền vào đầu thì cũng có thể mua vàng. Tuy nhiên, gần đây vàng đã có xu hướng điều chỉnh, im ắng hơn.

Như vậy, kênh chứng khoán - với định giá hiện tại không quá rẻ cũng không quá cao – được kỳ vọng dòng tiền sắp tới sẽ đổ vào. Theo tôi, nửa năm tới chứng khoán là lựa chọn khá hấp dẫn cho nhà đầu tư. Quan trọng hơn là yếu tố phân hóa và tập trung chất lượng. Một thị trường tốt vẫn hiện hữu những cổ phiếu giảm. Bên cạnh đó, đầu tư vào chứng khoán chính là đầu tư vào doanh nghiệp.

Để phân tích doanh nghiệp tốt hay không, tôi thường xét 4 yếu tố: doanh nghiệp/ngành nghề có tăng trưởng trong thời gian tới hay không; tình hình tài chính có tốt hay không; quản trị công ty; định giá phù hợp. Nếu áp dụng, nhà đầu tư có khả năng lọc ra danh mục có hiệu suất đầu tư tốt hơn thị trường chung.

Ông Trương Đắc Nguyên: Từ giờ cho đến cuối năm tôi có một số quan điểm, kỳ vọng. Đầu tiên là thị trường đang giảm gần đây, kỳ vọng cổ phiếu có mức giá hấp dẫn để giải ngân. Để xem xét các doanh nghiệp, các yếu tố tương tự như góc nhìn của ông Trung.

Bên cạnh đó, sự chú ý cũng dành cho nhóm doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng. Khi trong đà phục hồi của kinh tế, nếu mở rộng đầu tư thì doanh nghiệp có thể tạo tác động kép, thu về lợi nhuận tăng trưởng tốt, cũng như là cơ hội đầu tư cổ phiếu.

Thứ ba là yếu tố vĩ mô quốc tế. Theo dự kiến, tháng 9 Fed khả năng cao sẽ hạ lãi suất theo nhiều dự báo, câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu các yếu tố hỗ trợ tốt sẽ tạo môi trường đầu tư khả quan.

Ban Biên Tập