[Infographic] Toàn cảnh kinh tế tháng 1: Tổng mức bán lẻ tăng 20% nhờ Tết Nguyên đán trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14,6%
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1, do dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong tháng trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 1/2023.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng thấp và có thể suy thoái. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành gấp 2,1 lần.
Vận tải hành khách tháng 1/2023 sôi động hơn so với tháng trước khi nhu cầu đi lại và du lịch của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, vận tải hàng hóa có mức tăng thấp hơn do vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết đã diễn ra từ tháng trước và số ngày làm việc của các hãng vận chuyển ít hơn khi kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 1.
So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 34,7% về vận chuyển và tăng 71,3% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,2% về vận chuyển và tăng 5,3% về luân chuyển.