|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hình dáng cầu lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM sắp nối nhịp

15:32 | 19/08/2024
Chia sẻ
Sau gần hai năm thi công, cầu Nhơn Trạch lớn nhất Vành đai 3 nối TP. HCM - Đồng Nai cơ bản thành hình, dự kiến hợp long nhịp chính đầu tiên vào tháng 9.

 

Cầu Nhơn Trạch thuộc gói thầu CW1 - một trong hai gói xây lắp chính của dự án thành phần 1A trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM. Cầu bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, tĩnh không thông thuyền 30 m (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu).

Khởi công tháng 9/2022, cầu Nhơn Trạch đến nay đạt khoảng 80% khối lượng. So với hơn một năm trước, công trình đã cơ bản thành hình.

 

Gói thầu xây cầu Nhơn Trạch trị giá hơn 1.600 tỷ đồng do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công. Hợp đồng kéo dài đến tháng 9/2025, nhưng đơn vị đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ 4 tháng, hoàn thành dịp 30/4.

Cầu gồm 39 trụ, trong đó phần cầu chính gồm 5 trụ, 4 nhịp. Tháng 9 tới, nhịp chính đầu tiên của cầu ở giữa sông Đồng Nai sẽ được hợp long trước khi nối thông các nhịp khác vào đầu năm 2025. Những hạng mục còn lại sau đó được nhà thầu hoàn thiện để thông xe vào dịp lễ năm sau.

 

Nhơn Trạch là cầu lớn nhất trên tuyến Vành đai 3 TP. HCM. So với hơn một năm trước, các trụ cầu giữa sông đã được xây dựng, chuẩn bị nối nhịp.

 

 

Công trường cầu nằm ở nơi biệt lập với khu dân cư, sông nước bao quanh. Quá trình đi lại, vận chuyển vật liệu, thiết bị máy móc chủ yếu bằng sà lan, tàu, cano. Nhà thầu xây cầu tạm rộng hơn một mét trên sông làm lối cho công nhân di chuyển.

 

Công nhân tháo ván khuôn đổ bêtông cốt thép trên cầu sau khi đã đạt chuẩn kết cấu.

Ông Koo Ja Kyoung, đại diện nhà thầu Kumho E&C, cho biết để rút ngắn tiến độ, trên công trường đang tổ chức thi công ba ca xuyên suốt ngày đêm, kể cả cuối tuần, dịp lễ. Hiện thời tiết miền Nam trong mùa mưa, gây khó khăn cho quá trình thi công cầu.

 

Xe đúc, ván khuôn, cốt thép, cáp dự ứng lực cùng nhiều loại vật liệu khác được tập kết trên trụ cầu để xây nhịp chính. Hoạt động thi công hiện chủ yếu ở giai đoạn sử dụng máy móc, thiết bị.

 

Cùng với cầu Nhơn Trạch, gói thầu chính còn lại của dự án 1A là CW2 (đường dẫn hai đầu dài 5,6 km). Hạng mục này trị giá 1.071 tỷ đồng do liên danh Dongbu - VNCN là nhà thầu thi công.

Trước đó, gói thầu này gặp vướng mắc kéo dài do vướng mặt bằng, nhất là phía tỉnh Đồng Nai. Đến nay, khó khăn cơ bản được giải quyết, tiến độ chung đạt 37%.

Ở phía Đồng Nai, hệ thống trụ, cầu dẫn đã cơ bản thành hình.

 

Trên công trường đường dẫn phía TP. HCM, hàng chục thiết bị máy móc được huy động xử lý đất yếu, thi công nền đường, cầu dẫn...

Tại khu vực này sẽ được xây dựng nút giao kết nối Vành đai 3 với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. So với trước, đường dẫn cùng nhánh rẽ qua nút giao đã cơ bản thành hình.

Đường dẫn cầu phía thành phố cắt cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ông Lee Moo Sung, đại diện liên danh nhà thầu CW2, cho biết một trong những khó khăn lớn hiện nay là thiếu cát san lấp khi thi công đường dẫn. Để đáp ứng tiến độ chung, nhà thầu đang mua cát từ Campuchia dù giá cao hơn trong nước khoảng 50%.

Do gặp nhiều khó khăn, tiến độ xây đường dẫn chậm hơn so với cầu. Tuy nhiên, nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành hạng mục này dịp 30/4 năm sau, đồng bộ với cầu Nhơn Trạch. "Chúng tôi áp dụng giải pháp mới trong xử lý nền đất yếu, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng tiến độ được đẩy nhanh hơn", ông Lee Moo Sung cho biết.

 

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Đồ hoạ: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Dự án thành phần 1A do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Tuyến kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Giai đoạn một, tuyến rộng 20-26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và nguồn đối ứng của Việt Nam.

Do được duyệt đầu tư trước so với phân đoạn còn lại của Vành đai 3 TP. HCM, tuyến 1A có quy mô, vận tốc nhỏ hơn. Để đảm bảo đồng bộ toàn tuyến, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh dự án lên gần 9.270 tỷ đồng, bổ sung một số hạng mục, như: xây thêm một bên cầu Nhơn Trạch, hệ thống giao thông thông minh (ITS)...

Vị trí cầu nằm trên tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Vành đai 3 đi qua TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tổng chiều dài hơn 90 km, đến nay có một đoạn dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã hoàn thành. Đối với phần còn lại, ngoài dự án 1A còn hơn 76 km đang được các địa phương triển khai với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến đường này dự kiến hoàn thành năm 2026, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cả Vùng trọng điểm phía Nam.

Gia Minh

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.