|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá cổ phiếu tăng mạnh, khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng tăng vọt sau hơn 9 tháng đầu năm

11:09 | 13/10/2021
Chia sẻ
Giá cổ phiếu bùng nổ trong những tháng đầu năm giúp khối tài sản của các "ông chủ" ngân hàng tăng mạnh. Giá trị cổ phiếu sở hữu tại các ngân hàng của nhiều Chủ tịch cùng nhóm cổ đông có liên quan đã vượt mốc tỷ USD.

Trong nửa đầu năm, hàng loạt ngân hàng đã tạo ra sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư, thu hút dòng tiền hướng vào cổ phiếu ngân hàng. 

Giá trị nhiều cổ phiếu ngân hàng bùng nổ, thậm chí vượt đỉnh lịch sử như TCB, VPB,… Kéo theo khối tài sản của các "ông chủ" ngân hàng tăng mạnh. Trong đó, giá trị cổ phiếu sở hữu tại các ngân hàng của nhiều Chủ tịch cùng nhóm cổ đông có liên quan đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 1.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Gia đình quyền lực của 'tỷ phú' Hồ Hùng Anh ở Techcombank 

Vào giữa tháng 7, bà Hồ Thủy Anh (2001), con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank đã từng gây xôn xao dư luận khi mua vào 22,5 triệu cổ phiếu TCB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 0,64%. 

Đáng chú ý, giao dịch đã kết thúc sớm hơn ba tuần so với đăng ký ban đầu (từ ngày 12/7 đến 16/7) và hoàn toàn được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Ước tính theo giá bình quân 52.000 đồng/cp, bà Thủy Anh đã chi khoảng trên 1.100 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Không chỉ "ái nữ" mạnh tay chi tiền để sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB, con trai của ông Hồ Hùng Anh, Hồ Anh Minh trước đó cũng từng mua hơn 44,7 triệu cổ phiếu TCB trong năm 2018. Hiện nay, số cổ phiếu ông Minh nắm giữ đã lên đến gần 138 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 3,94%.

Ông Hùng Anh hiện tại cũng đang nắm 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 1,12% vốn điều lệ của Techcombank. Trong khi vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và mẹ ruột đều năm giữ lượng cổ phiếu như nhau là 174,1 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,97%.

Ngoài ra, em dâu ông Hồ Hùng Anh, bà Nguyễn Hương Liên hiện nắm giữ 69,6 triệu cổ phiếu TCB, khoảng gần 2% cổ phần. Bà Liên là vợ của ông Hồ Anh Ngọc, em trai của ông Hồ Hùng Anh, người đang nắm giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Techcombank.

Như vậy, tổng số cổ phiếu TCB mà gia đình ông Hùng Anh đang nắm giữ đã lên tới 619,7 triệu đơn vị với tỷ lệ sở hữu gần 17,7%. Tính theo giá trị thị trường vào ngày 12/10, khối lượng tài sản của gia đình ông tại Techcombank rơi vào khoảng 32.846 tỷ đồng.

Khối tài sản của các ông chủ ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 1.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Để có được cơ ngơi như ngày nay, ông Hùng Anh đã có một thời gian dài kinh doanh từ Đông Âu rồi về Việt Nam. Vị chủ tịch của Techcombank được xem như cặp bài trùng với ông Nguyễn Đăng Quang khi cùng nhau gây dựng nên hai "đế chế" Masan và Techcombank. 

Năm 2019, lần đầu tiên tỷ phú Hồ Hùng Anh được tạp chí Forbes xếp thứ 1.349 trong danh sách tỷ phú thế giới bên cạnh những cái tên như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo hay Trần Bá Dương. Ông được coi như là tỷ phú đầu tiên của hệ thống ngân hàng Việt với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD tại thời điểm đó.

Trong tháng 7/2021, giá cổ phiếu TCB ghi nhận thiết lập đỉnh mới 58.000 đồng/cp, vốn hóa vượt mốc 200.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng đột biến, đạt hơn 47 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2020, tương đương với giá trị giao dịch gần 2.670 tỷ đồng.

Khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu TCB. Nguồn: TradingView.

Thời điểm này nhiều lời đồn đoán rằng ngân hàng sẽ chia cổ tức sau 10 liên tiếp quyết định không chia. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc thường trực Phùng Quang Hưng đã khẳng định ngân hàng chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm 2021.

Dù vậy, ông Hưng cũng bỏ ngỏ rằng trong tương lai, nếu có thay đổi, ban lãnh đạo sẽ báo cáo tới các nhà đầu tư sau.

Trong báo cáo cập nhập về Techcombank mới đây, Chứng khoán Rồng Việt ước tính giá trị của cổ phiếu TCB sẽ đạt mức 71.000 đồng/cổ phiếu trong tương lai.Theo đó, Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao sau đại dịch sau đại dịch nhờ các yếu tố nội tại như bộ đệm vốn mạnh, chi phí huy động thấp và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành (0,36%).

Nếu cổ phiếu TCB đạt giá trị này, khối tài sản của gia đình tỷ phú Hồ Hùng Anh sẽ tăng lên rất lớn so với con số hiện nay.

Khối tài sản "khủng" của Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng hiện đang sở hữu hơn 121,6 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ 4,81%.  

Phu nhân ông Dũng, bà Hoàng Anh Minh sở hữu hơn 121 triệu cổ phiếu VPB với tỷ lệ 4,78%. Trong khi đó, bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng đang sở hữu hơn 120,7 triệu đơn vị cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ 4,77%.

Ông Ngô Chí Dũng có 3 người con là Ngô Minh Phương, Ngô Phương Anh, Ngô Chí Trung Johnny. Tính đến 30/6, chỉ có bà Phương nắm giữ 4 triệu cổ phiếu VPB. 

Đáng chú ý, CTCP Diera Corp do bà Phương sở hữu trên 10% vốn điều lệ đang nắm giữ đến 113,6 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 4,49%.

Như vậy, ông Ngô Chí Dũng và cá nhân liên quan đang nắm giữ tới hơn 500 triệu cổ phiếu VPB, tương đương khoảng 19,78% vốn cổ phần ngân hàng. Nếu quy đổi theo thị giá ngày 12/10 (36.700 đồng/cp), khối tài sản này có giá trị khoảng 18.360 tỷ đồng.

Khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 7.

Giá cổ phiếu VPB đã có lúc đạt đỉnh 72.100 đồng/cp vào đầu tháng 7. Ngay sau đó, giá cổ phiếu đã liên tục giảm mạnh, song đã dần hồi phục trong hai tháng còn lại của quý III. 

Trong nửa đầu năm, VPBank cũng chứng kiến nhiều cột mốc đáng nhớ có thể kể đến như thương vụ bán FE Credit cho SMBC ước thu 1,4 tỷ USD hay kế hoạch tăng vốn bất ngờ, chia cổ tức tỷ lệ 80%.

Khối tài sản của gia đình bầu Hiển tại SHB tăng gấp đôi kể từ đầu năm

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sở hữu trực tiếp 53 triệu cổ phiếu SHB. Hai tổ chức khác có liên quan tới ông Hiển là Tập đoàn T&T và Chứng khoán SHS cũng đang sở hữu lần lượt 28,5 triệu và192,6 triệu cổ phiếu SHB.

Con trai thứ của bầu Hiển là ông Đỗ Vinh Quang hiện đang sở hữu hơn 57 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,96% vốn điều lệ tại ngân hàng SHB.

Trong khi đó, con trai cả là ông Đỗ Quang Vinh cũng nắm giữ 500.000 cổ phiếu với tỷ lệ 0,03%. Ông Vinh hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch SHB Finance và Phó Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ kiêm Giám đốc Dự án CRM tại SHB. 

Ước tính với giá đóng cửa ngày 12/10 là 30.200 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu mà nhóm người nhà và công ty có liên quan của bầu Hiển khoảng hơn 11.600 tỷ đồng, tăng gấp đôi hồi đầu năm.

Khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 4.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Vào thời điểm tháng 4 năm nay, giá cổ phiếu SHB tăng lên 27.000 đồng từ mức 6.000 đồng vào tháng 1/2020, tức cao gấp 4,5 lần trong hơn 1 năm. Trong những phiên giao dịch tiếp đó, cổ phiếu SHB liên tục tăng giá mạnh, có lúc kịch trần.

Mới đây, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu SHB đã chính thức chuyển giao dịch cổ phiếu  từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Đáng chú ý, cổ phiếu SHB đã tăng sốc trong phiên ATC trước ngày giao dịch cuối cùng tại HNX

Khối tài sản của các 'ông chủ' ngân hàng biến động ra sao trong nửa đầu năm? - Ảnh 5.

Cổ phiếu SHB tăng mạnh trong phiên ATC ngày 4/10. (Nguồn: Lê Huy).

Trong phiên sáng ngày đầu giao dịch tại HOSE (11/10), giá cổ phiếu SHB tăng mạnh và dừng ở mốc 30.300 đồng, khối lượng giao dịch cả ngày đạt hơn 50 triệu đơn vị, cao hơn nhiều so với khối lượng bình quân của 10 phiên trước đó (hơn 18 triệu cp).

SHB cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.413 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng đã chốt thương vụ bán 100% vốn công ty tài chính cho ngân hàng Thái Lan với giá trị thương vụ ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB xuất hiện tại HOSE vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược của ngân hàng khi SHB đang hội tụ đầy đủ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Ông Đỗ Quang Hiển

"Điều này sẽ mở ra triển vọng mới cho cổ phiếu SHB, đặc biệt gia tăng sự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài, mở rộng kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn," Chủ tịch HĐQT SHB chia sẻ.

Ngoài các "ông chủ" trên, lĩnh vực ngân hàng cũng sở hữu nhiều đại gia khác với khối tài sản đáng gờm như Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ hay Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú. Đây đều là những vị lãnh đạo nắm giữ khối lượng cổ phiếu và có tầm ảnh hưởng lớn tại các nhà băng.

Phương Nga

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.