Đường đua băng thông rộng giữa ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam
Cuộc đua tay ba giữa Viettel, Vinaphone và FPT Telecom
Chỉ số Speedtest toàn cầu cho thấy vào tháng 11/2022, tốc độ internet băng thông rộng cố định của Việt Nam đang xếp thứ 47 toàn cầu, với 80,27 Mbps. Ba nhà cung cấp hàng đầu gồm: Viettel, Vinaphone và FPT Telecom. Trong đó, Viettel đang là doanh nghiệp cung cấp băng thông có tốc độ tải xuống trung bình nhanh nhất với 88,69 Mb/giây, FPT Telecom có độ trễ trung bình đa máy chủ thấp nhất với 8 mili giây.
Khi đo lường tính nhất quán trong hoạt động của từng nhà cung cấp băng thông rộng cố định, Speedtest Intelligence nhận thấy Viettel có tính ổn định cao nhất tại Việt Nam trong quý III/2022, với 86% kết quả cho thấy tốc độ tải xuống tối thiểu 25 Mb/giây và tốc độ tải lên tối thiểu 3 Mb/giây.
Có thể thấy, Viettel đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong các chỉ số về băng thông rộng cố định tại Việt Nam, tuy nhiên, khoảng cách với hai cái tên còn lại không quá cách biệt. Thời gian gần đây, những tên tuổi lớn trên thị trường đang gấp rút để giảm sự cách biệt này, chạy đua trong cuộc chiến giành khách hàng.
Đơn cử, ngay ngày đầu năm mới, FPT Telecom đã tung ra ba gói cước dịch vụ cáp quang FTTH mới tốc độ cao với tên gọi là Giga, Sky, Meta. Các gói cước mới cung cấp cho khách hàng sẽ đều có mức băng thông tối thiểu từ 150Mbps. Doanh nghiệp cho hay băng thông tối thiểu 150Mbps đang cao gấp 1,5 lần đến hai lần so với các nhà cung cấp khác trên thị trường.
FPT Telecom cho biết ngoài việc triển khai gói cước mới, công ty cũng sẽ tiến hành quy hoạch gói cho khách hàng đang sử dụng các gói cước cũ với giá cước giữ nguyên không thay đổi.
Trước đó không lâu, đầu tháng 11 vừa qua, Viễn thông Viettel cũng đã đưa ra thị trường 4 gói cước tốc độ cao và 3 gói cước tốc độ cao tích hợp tính năng mesh wifi, với băng thông tối thiểu từ 100Mbps.
Thời điểm đó, Viettel khẳng định băng thông tối thiểu của mình đang cao gấp 1,5 đến hai lần so với các nhà cung cấp khác trên thị trường trong khi giá chỉ tương đương. Đi kèm với dải gói cước mới, Viettel cung cấp thêm thiết bị Modem wifi 2 băng tần đời mới, mở rộng vùng phủ wifi tại các khu vực thành thị, đông dân cư.
Giữa tháng 12, VNPT của Vinaphone cũng tiến hành thay đổi gói cước băng thông rộng với tốc độ tối thiểu từ 80 Mbps.
Internet tốc độ cao với tăng trưởng kinh tế
Báo cáo Chỉ số băng thông rộng (Broadband Index) mới nhất của Cisco cho thấy, người lao động Việt Nam coi trọng việc truy cập Internet hơn bao giờ hết, trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) tiếp tục trở nên phổ biến.
Người lao động tin rằng, khả năng truy cập Internet toàn cầu tốc độ cao và đáng tin cậy là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế và xã hội, theo khảo sát toàn cầu về truy cập, chất lượng và mức độ sử dụng băng thông rộng tại gia đình với gần 60.000 người trên 30 thị trường, bao gồm Việt Nam.
Sự thành công của làm việc kết hợp phụ thuộc vào chất lượng và tính khả dụng của internet. 81% người lao động nói rằng các dịch vụ băng thông rộng cần phải cải thiện đáng kể để hỗ trợ phương thức làm việc mới này. Người lao động không chỉ yêu cầu tốc độ mà còn đòi hỏi mức độ tin cậy và chất lượng cao.
Một tỷ lệ tương tự (83%) cho biết, độ tin cậy và chất lượng của các kết nối băng thông rộng rất quan trọng đối với họ. Sự phụ thuộc vào truy cập internet hiệu suất cao được thể hiện qua kết quả thực tế là 88% người lao động Việt Nam thường xuyên sử dụng băng thông rộng tại nhà từ 4 giờ trở lên mỗi ngày. Trong khi đó, 80% hộ gia đình Việt Nam có từ ba người trở lên sử dụng internet cùng một lúc.
Nhiều nhân viên làm việc từ xa cần nhiều hơn mức độ kết nối cơ bản để hỗ trợ cuộc sống của họ. Để giải quyết nhu cầu về kết nối băng thông rộng, hơn 2/3 (67%) nhân viên Việt Nam được khảo sát đang có kế hoạch nâng cấp dịch vụ internet của họ trong 12 tháng tới.
Theo báo cáo, với 61% lực lượng lao động của Việt Nam hiện đang dựa vào internet gia đình để làm việc tại nhà hoặc điều hành công việc kinh doanh riêng, việc truy cập vào internet an toàn, đáng tin cậy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo các hoạt động đó diễn ra suôn sẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), những doanh nghiệp không có nguồn lực và cơ sở hạ tầng CNTT như các doanh nghiệp lớn hơn.
Đồng thời, một môi trường kinh doanh kỹ thuật số mới đã được hình thành, nơi các doanh nhân, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển thịnh vượng, thúc đẩy sự đổi mới trong các ngành công nghiệp.
“Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, 50% GDP và 70% việc làm. Vì vậy, kết nối băng thông rộng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của loại hình kinh doanh cốt lõi này”, báo cáo cho hay.