Dragon Capital: Việt Nam ít chịu tác động tiêu cực hơn các nước trong khu vực từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Không thể so sánh với tháng 1/2023 do yếu tố Tết nhưng dữ liệu vĩ mô tháng 1 năm nay vẫn cho thấy được nhiều điểm tích cực. Các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu trở lại, chỉ số PMI đạt 50,3, quay trở lại vùng mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2023, bản tin thị trường tháng 1 của Dragon Capital đánh giá.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 33,6 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 8/2022, tiếp nối đà phục hồi kể từ khi chạm đáy vào hồi quý I năm trước. Về mảng dịch vụ, ngành du lịch phục hồi tích cực với việc đón tiếp hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1, tương đương với giai đoạn trước COVID-19, trong đó Hàn Quốc, thay thế Trung Quốc, đứng đầu về số lượng du khách đến Việt Nam, chiếm khoảng 27,5%.
Lạm phát toàn phần được kiểm soát ở mức 3,4% trong khi lạm phát cơ bản giảm về mức 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng vốn FDI, thặng dư thương mại và kiều hối dịp gần Tết tiếp tục hỗ trợ và duy trì sự ổn định của VND. Tuy nhiên, với việc mất giá khoảng 0,6% từ đầu năm, VND vẫn đang phải chịu áp lực đến từ việc chênh lệch lãi suất và sự mạnh lên của USD. Ngoài ra, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã đạt kỷ lúc ở mức 25-30%.
Điều này đã dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng và đầu cơ USD của người dân, có thể thấy qua việc giá USD chợ đen cao hơn 2% so với giá giao dịch tại ngân hàng.
Qua những diễn biến của VND trong tháng 1, Dragon Capital cho rằng Việt Nam chịu ít tác động tiêu cực hơn các nước trong khu vực từ việc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.
Các đồng tiền tại châu Á và châu Đại Dương đã mất giá từ 2-3,5% trong tháng 1, có thể kể đến MYR (-3,0%), IDR (-2,6%), THB (-3%), AUD (-3,5%) và NZD (-3,3%). Đây là những quốc gia đạt được thặng dư thương mại trong nhiều năm qua nhờ việc được hưởng lợi trực tiếp do nằm trong chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên liệu, hàng hóa cho quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới này.
Đối với Việt Nam, mặc dù có giá trị giao thương lớn với Trung Quốc, nhưng tình trạng thâm hụt thương mại vẫn tồn tại và danh mục xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thiết bị điện tử và hàng thiết yếu, do đó ít chịu ảnh hưởng hơn khi quốc gia này thu hẹp hoạt động sản xuất.
Năm 2024, đơn vị quản lý quỹ dự báo tăng trưởng GDP đạt 6% và tỷ giá 1 USD đổi 24.750 VND.
Về chính sách, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt ngay trong giai đoạn đầu năm. Với chủ trương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại với định hướng tăng trưởng cả hệ thống là 15% trong năm 2024.
Đáng chú ý, vào kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi. Sẽ cần thêm thời gian để các thông tư và nghị định hướng dẫn được ban hành, nhưng việc nhanh chóng thông qua hai luật quan trọng đã cho thấy nỗ lực của quốc hội trong việc ban hành, chỉnh sửa luật để phù hợp với tình hình mới, với nhiều biến động cả trong và ngoài nước.
Điều này sẽ mở ra tiền đề cho các cuộc họp bất thường khác trong tương lai giúp rút ngắn thời gian thảo luận và thông qua các quy định, cập nhật các văn bản luật, giảm thiểu rủi ro hệ thống và đưa nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.