|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều gì sẽ xảy ra nếu Facebook đột ngột biến mất?

16:32 | 06/03/2024
Chia sẻ
Gần 4 tỷ người đang “sống” thường xuyên hàng tháng trong hệ sinh thái Facebook.

Đêm 5/3 giờ Việt Nam, người dùng Facebook cũng như các nền tảng Instargram, Threads, Messenger đồng loạt gặp sự cố không thể đăng nhập trên toàn cầu. Sau hơn một giờ, sự cố được khắc phục và phát ngôn viên Meta (công ty mẹ Facebook) đưa ra lời xin lỗi, giải thích rằng đây chỉ là lỗi kỹ thuật.

Đêm qua không phải là lần đầu tiên Facebook gặp sự cố trên diện rộng. Năm 2019 và 2021, nền tảng mạng xã hội này cũng bị tê liệt trong vài giờ khiến người dùng hoang mang. 

Tại Việt Nam, khi không dùng được Facebook, Instargram, nhiều người đã đổ xô lên các nền tảng khác như X (trước đây là Twitter), Zalo để trao đổi thông tin khiến những ứng dụng này quá tải.

Trong đêm, tờ VnExpress lên bài báo với tựa “Chật vật tìm nền tảng nhắn tin khi Messenger lỗi”, phản ánh nhiều người dùng phải tìm kiếm ứng dụng khác để liên lạc, trao đổi công việc khi hệ sinh thái Facebook đột nhiên tê liệt. Hành động của cộng đồng đêm qua đưa tới một vấn đề đáng bàn rằng: Mạng xã hội ảo có ý nghĩa thế nào với cuộc sống thật?

Facebook và các ứng dụng trong hệ sinh thái Meta gặp lỗi diện rộng đêm 5/3 khiến nhiều người chật vật tìm kiếm nền tảng thay thế. (Ảnh: Đức Huy).

Facebook ra đời vào ngày 4/2/2004 trong một ký túc xá Đại học Harvard. Kể từ đó đến nay, trong suốt 20 năm, Facebook và hệ sinh thái đi cùng của nó đã trở thành nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, gắn chặt với cuộc sống của nhiều người. 

Trong năm ngoái, số người dùng hàng tháng của Facebook vượt 3 tỷ người. Trên toàn bộ hệ sinh thái của Meta, nền tảng này sở hữu gần 4 tỷ người hoạt động thường xuyên hàng tháng. Một con số “vô tiền khoáng hậu” biến Facebook trở thành một “siêu quốc gia riêng” trên không gian ảo.

Do đó, với sự cố sập toàn cầu đêm 5/3, dễ nhận thấy nhiều người tỏ ra hoang mang khi Facebook đột nhiên biến mất. Đem vấn đề này đi hỏi người dùng lẫn các chuyên gia, nhà sáng tạo nội dung đang phụ thuộc vào nền tảng Facebook, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi thú vị.

Ông Nguyễn Lạc Huy - Sáng lập Schannel - một trong các mạng lưới truyền thông lớn nhất Việt Nam, cho rằng đây là câu hỏi thú vị và cũng khó trả lời. 

"Nếu một ngày Facebook đột ngột biến mất, tôi nghĩ công việc của tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì hiện tại nhiều khách hàng cũng như đối tác của tôi đang làm việc và liên hệ qua Facebook.

Tuy nhiên mọi người cũng sẽ dễ dàng tìm được cách liên hệ qua các phần mềm OTT khác nhưng về khía cạnh Schannel sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc hơn khi Schannel đang sở hữu nhiều Fanpage lớn trên Facebook và việc phục hồi lại trên một nền tàng khác cũng sẽ mất nhiều thời gian", ông Huy nói.

 Ông Nguyễn Lạc Huy cùng cộng sự tạiSchannel. (Ảnh: Huy Nguyen/Facebook).

Theo người sáng lập Schannel, hiện tại Facebook vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động marketing, truyền thông. Facebook là nền tảng có lượng người dùng lớn nhất và đa dạng nhất, cho phép các nhà sản xuất nội dung tiếp cận với đối tượng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả và linh hoạt.

Facebook cũng cung cấp nhiều công cụ và tính năng hỗ trợ cho việc tạo, phân phối và đo lường hiệu quả của nội dung. Do đó, ông Huy cho rằng nếu Facebook biến mất, chắc chắn sẽ gây ra một cuộc thay đổi lớn trong ngành, không chỉ về mặt kinh doanh, mà còn về mặt xã hội và văn hóa.

Còn theo ông Phùng Thái Học, chuyên gia về Content và Digital Marketing, đồng thời là Người sáng lập WOW Agency, nếu một ngày Facebook biến mất thì công việc, cuộc sống của ông cũng như nhiều người sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Học cho rằng thời điểm này, Facebook vẫn là một mạng xã hội lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Mặc dù có một số mạng xã hội khác như TikTok, Instagram hay Youtube, nhưng mỗi mạng xã hội đều có một vai trò riêng và đáp ứng một kiểu nhu cầu khác nhau của xã hội.

Riêng với Facebook, ông Học nhận định mạng xã hội này giúp mọi người trao đổi thông tin và duy trì mối liên kết rất tốt. Các nội dung trên Facebook rất đa dạng từ hình ảnh, video đến văn bản. Ngoài ra có nhiều hình thái quản trị từ fanpage, profile đến group.

Do đó, vị chuyên gia này nhận định vai trò của Facebook là không thể thay thế trong truyền thông marketing, đặc biệt ít nhất là vài năm tới.

 Ông Phùng Thái Học. (Ảnh: Phùng Thái Học/Facebook).

"Trong truyền thông marketing chúng tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là khách hàng ở đâu thì doanh nghiệp làm marketing ở đó. Vậy nên các nhãn hàng dù đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngân sách cho những kênh video ngắn, thì họ vẫn phải chú ý xây dựng hình ảnh nhãn hàng trên Facebook", ông Học khẳng định.

Nhận định của ông Học và ông Huy phù hợp với thực tế đang diễn ra đối với các kênh truyền thông phụ thuộc Facebook. Năm ngoái, theo CNBC, khi Facebook bóp tương tác đã đẩy nhiều kênh truyền thông rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản.

Chẳng hạn như tạp chí Mother Jones từng thu hút 5 triệu độc giả qua Facebook nhưng đã chứng kiến mức sụt giảm 99% từ mức đỉnh khi Meta thay đổi thuật toán phân phối tin tức. Similarweb cho thấy 100 nhà xuất bản tin tức hàng đầu toàn cầu đã chứng kiến lưu lượng truy cập giới thiệu từ Facebook giảm mạnh vào năm ngoái so với năm 2022.

Social Media Today - một trang chuyên nghiên cứu về các nền tảng mạng xã hội, cho rằng nếu Facebook bất ngờ biến mất, các doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm nền tảng mới như website hay blog của riêng mình để có thể tiếp tục gửi thông tin và duy trì kết nối với khách hàng.

Theo khảo sát, 81% người dùng có xu hướng tìm kiếm trên Facebook về doanh nghiệp/cửa hàng trước khi tiến hành giao dịch. Trong đó Fanpage được xác định là một kênh thông tin quan trọng dành cho doanh nghiệp.

Vì thế, phương thức tiếp thị doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi. Thông thường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tối ưu chi phí tiếp thị bằng quảng cáo tập trung trên Facebook. Rõ ràng khi không còn kênh này, họ sẽ phải phân tán nguồn lực sang các nền tảng khác để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Về phía người dùng, Lê Nhung - một giáo viên Yoga tại Hà Nội, cho rằng nếu Facebook đột ngột biến mất thì cuộc sống của cô sẽ bị đảo lộn khá nhiều. Cô thường dùng Facebook như một cuốn nhật ký để ghi nhớ các sự kiện và hoạt động cùng gia đình, bạn bè. Đây cũng là nơi cô có thêm khách hàng hay những người bạn online chưa từng gặp mặt mà cô trân quý.

“Tôi thậm chí không biết bắt đầu tìm kiếm họ thế nào nếu Facebook biến mất”, Lê Nhung nói. “Tôi hiểu rằng chúng ta đã trở nên phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, và nếu nó biến mất, điều đó sẽ cực kỳ tồi tệ”.

Trên Quora, ông Al Rossi, Đồng sáng lập kiêm CEO Sellico Consulting - công ty tư vấn về công nghệ trường học, nghĩ rằng sẽ có một hiệu ứng lan truyền về mặt tinh thần và thể chất trên toàn cầu nếu Facebook biến mất.

Theo ông, Facebook và nói rộng ra là mạng xã hội đã trở thành một chất gây nghiện. Khi các tương tác xã hội ngày nay không còn diễn ra trực tiếp (mặt đối mặt) mà phụ thuộc vào các bài đăng. Nhiều người đăng Facebook, Twitter để tìm kiếm sự công nhận của người khác bằng nút like. 

“Họ cho rằng càng nhận được nhiều like thì mình càng được yêu thích. Tôi cho rằng điều này khiến mọi người trở nên ít đồng cảm hơn, ít thấu hiểu người khác và tự cao hơn”, ông Al Rossi nói.

Theo CEO Sellico, nhiều người phụ thuộc vào Facebook, họ có thể nói bất cứ điều gì mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào cho hành động hay lời nói của mình. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh đó mỗi ngày. Hai người ngồi trong nhà hàng, cả hai đều dán mắt vào smartphone và gõ phím. Mọi người đi bộ lướt Facebook hơn là quan tâm đến cảnh vật xung quanh.

Về mặt thể chất, ông cho biết Facebook là phương cách duy nhất để nhiều người tương tác với gia đình, bạn bè. “Tôi nghĩ phần lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống không có Facebook (hoặc điện thoại, internet)”, vị CEO kết luận.

Trong quá khứ, trước khi Facebook xuất hiện, MySpace được thành lập vào năm 2003 từng được hứa hẹn trở thành thế lực mạng xã hội. Năm 2006, MySpace vượt qua Google trở thành nền tảng được truy cập nhiều nhất thế giới. 

Công ty này từng được định giá 12 tỷ USD năm 2007. Tuy nhiên năm 2013, MySpace đã về tay Justin Timberlake với giá 35 triệu USD. Ngày nay, không còn ai nhớ đến sự tồn tại của MySpace.

Do đó, việc Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nếu như một ngày nào đó bỗng nhiên theo chân Napster, Friendster, MySpace,…, là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng người dùng cũng không nên quá lo lắng. Trường hợp ông Donald Trump khi bị cấm dùng Facebook là một ví dụ. Đã có nhiều nền tảng khác xuất hiện thay thế cho cựu Tổng thống Mỹ, thậm chí là cả một mạng xã hội riêng dành cho ông và người hâm mộ.

Còn theo ông Nguyễn Lạc Huy, về một khía cạnh nào đó, người làm nội dung trên không nên phụ thuộc quá nhiều vào Facebook, TikTok hay bất kỳ nền tảng nào. Việc sở hữu đa dạng nền tảng cũng sẽ tiếp cận nhiều đối tượng người xem cũng như là cơ hội thích ứng và tận dụng các cơ hội mới từ các nền tảng mới xuất hiện. 

Ông Phùng Thái Học cũng đưa ra lời khuyên những nhà sáng tạo nội dung nên chú ý phát triển đa kênh và tạo ra luồng traffic luân chuyển trong những hệ thống kênh của mình. Sự chuẩn bị đó sẽ giúp các nhà sáng tạo phát triển bền vững dù các kênh có thể biến động bất cứ lúc nào. 

Đức Huy