|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO Techcombank: Ưu thế về CASA giúp chúng tôi có lợi thế trong mảng cho vay bất động sản

06:30 | 26/04/2021
Chia sẻ
Với lợi thế về CASA, ban lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục kiên trì định hướng phát triển vào mảng cho vay bất động sản, tạm thời chưa lấn sân sang tài chính tiêu dùng.

Ông Jens Lottner, người nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc Techcombank từ tháng 8/2020, đã có những chia sẻ chi tiết về định hướng tiếp tục tập trung vào mảng bất động sản, những chiến lược và kỳ vọng vốn hoá 20 tỷ USD trong 5 năm tới của ngân hàng.

- Trong thời gian gần đây nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, mảng thế mạnh của Techcombank từ trước tới nay. Ngân hàng có kế hoạch gì để cạnh tranh trong lĩnh vực này?

Techcombank từng có ưu thế rất lớn trong mảng cho vay mua nhà thế chấp nhưng hiện nay, các ngân hàng khác cũng đang cố gắng để bắt kịp với chúng tôi trong lĩnh vực này.

Như Chủ tịch Hồ Hùng Anh đã chia sẻ về chiến lược của chúng tôi là "low risk, high return" (rủi ro thấp, lợi nhuận cao). Chúng tôi cần hiểu rõ những đối tác trong ngành từ chủ đầu tư đến những người mua nhà. 

CEO Techcombank: Ưu thế về CASA giúp chúng tôi có lợi thế trong mảng cho vay bất động sản - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh và Tổng Giám đốc Jens Lottner. (Ảnh: TCB).

Khi phát triển những dự án bất động sản thì các chủ đầu tư quan tâm đến việc họ có thể bán những căn hộ, biệt thự nhanh đến mức độ nào và với mức giá ra sao. Chúng tôi sẽ là người tư vấn cho chủ đầu tư để họ có thể làm thuận lợi vấn đề này.

Cùng với đó, Techcombank cũng hỗ trợ cho người mua nhà để làm thế nào họ có thể vay mua nhà thế chấp và với mức lãi suất hợp lý. 

Với ưu thế CASA cao, Techcombank có chi phí vốn thấp và kéo theo lãi suất cho vay ra sẽ thấp tương ứng. Điều đó cũng giúp cho chúng tôi cho người mua nhà vay với mức lãi suất chấp nhận được.

- Ngân hàng có dự định phát triển mảng khách hàng SMEs như thế nào? 

Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) là phân khúc khách hàng doanh nghiệp rất quan trọng đóng vai trò xương sống cho nền kinh tế. 

Trên thực tế thì mặc dù rất muốn mở rộng vào phân khúc SMEs nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng và phải đảm bảo hiểu đủ rõ về lĩnh vực này, phân khúc này trước khi chúng tôi cung cấp sản phẩm dịch vụ cho họ.

Vì vậy từ giờ cho đến cuối năm, chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình thẩm định, đánh giá rủi ro, phù hợp với phân khúc SMEs, cách cung cấp sản phẩm dịch vụ là dành riêng cho phân khúc này.

Trước hết chúng tôi sẽ tập trung phát triển đối với các khách hàng hiện hữu bởi vì họ đã quan hệ với chúng tôi trong thời gian khá dài, chúng tôi đã có thể hiểu họ.

- Mảng tài chính tiêu dùng là một lĩnh vực tiềm năng được nhiều ngân hàng lựa chọn phát triển, Techcombank thì sao?

Chúng tôi tạm thời chưa khai thác mảng tín dụng tiêu dùng hay mảng cho vay SMEs và trong thời gian tới Techcombank cũng sẽ khai thác sâu hơn ở một số phân khúc khách hàng khác như bancas, quản lý tài sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Việc phát triển ở các mảng trên cùng với phát triển cho vay đa dạng thêm ở các mảng năng lượng, tiêu dùng nhanh,… là những điều kiện và động lực để giúp chúng tôi phát triển trong thời gian tới.

Tài chính tiêu dùng là một thị trường hấp dẫn nhưng chúng tôi không vội vã mà cần phải có bước nghiên cứu kỹ càng về vận hành, rủi ro có thể gặp khải, khó khăn trong thu nợ.

Với đặc thù số lượng khách hàng lớn nhưng quy mô khoản vay lại rất nhỏ, chi phí hoạt động sẽ là điểm mà chúng ta cần phải cân nhắc rất kỹ càng khi phát triển ở mảng này.

Tôi cho rằng bằng cách sử dụng dữ liệu, công nghệ thì chúng tôi có thể xử lý các vấn đề về khoản vay, đưa ra lãi suất phù hợp,… Sau khi đã sẵn sàng, chúng tôi mới quyết định mở rộng sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

- Nhiều ngân hàng khác cũng đang đưa ra các chính sách để tăng hệ số CASA, Techcombank có chiến lược riêng biệt gì để duy trì lợi thế đó? 

CASA của Techcombank cao như vậy vì chúng tôi là ngân hàng đầu tiên triển khai chương trình "zero fee" trên internet banking. Tuy nhiên, bây giờ Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất nữa mà các ngân hàng khác đang copy mô hình này rất nhanh.

Ngoài ra, chúng tôi còn có ưu tế về trải nghiệm của khách hàng, chương trình cash back 1% không giới hạn cho chi tiêu trên thẻ tín dụng.

CEO Techcombank: Ưu thế về CASA giúp chúng tôi có lợi thế trong mảng cho vay bất động sản - Ảnh 2.

Nguồn: BC thường niên Techcombank.

Khi khách hàng tin tưởng và hài lòng khi giao dịch với Techcombank thì chúng tôi sẽ có cơ hội hiểu và giữ chân được họ nhiều hơn dựa trên dữ liệu khách hàng. Điều đó cũng giúp chúng tôi có những định vị khách hàng trong tương lai. Bên cạnh phát triển CASA của khách hàng cá nhân, chúng tôi cũng đang nỗ lực ở mảng doanh nghiệp.

Trong vòng 5 năm tới Techcombank dự kiến đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng vào công nghệ để thiết lập cơ sở hạ tầng dữ liệu. Năng lực số hoá sẽ giúp cho Techcombank có sự khác biệt trong cuộc cạnh tranh hơn là cạnh tranh về giá.

- Nguồn vốn không kỳ hạn CASA là con dao hai lưỡi khi tỷ lệ quá cao. Theo ông làm sao để có thể quản trị rủi ro liên quan đến vấn đề này?

Những người dân hay doanh nghiệp sẽ luôn có thời điểm dư thừa thanh khoản, nó có thể được sử dụng để mua sắm hoặc gửi tiền vào ngân hàng. Đồng tiền chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác, nó luôn lưu thông trong nền kinh tế.

Trong chuỗi giá trị sẽ luôn có một khoản thanh khoản, vấn đề là nó nằm ở đâu thôi. Có thể ở trong người dân, doanh nghiệp hay tại ngân hàng. Trong tổng thể nền kinh tế thì nó không bốc hơi đi đâu cả.

Và Techcombank sẽ và đang tạo ra một nơi tin cậy để các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế đặt thanh khoản của họ. Tiền gửi không kỳ hạn không ở lâu, nó ra vào liên tục, do đó cần có một sự quản lý chặt chẽ.

- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về con số vốn hoá mục tiêu 20 tỷ USD và đâu động lực để giúp Techcombank đạt được mức vốn hoá này trong 5 năm tới? 

Chúng tôi không tuỳ tiện đưa ra một mức vốn hoá bất kỳ mà nó dựa trên tính toán kỹ lưỡng. Từ mức vốn hoá hiện tại, nếu mỗi năm duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm thì mức vốn hoá theo ước tính sẽ là 20 tỷ USD. Đương nhiên, nếu như có thêm những cú hích hoặc những điều kiện thuận lợi khác thì mức vốn hoá sẽ khác đi.

CEO Techcombank: Ưu thế về CASA giúp chúng tôi có lợi thế trong mảng cho vay bất động sản - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Techcombank nói về kế hoạch vốn hoá 20 tỷ USD. (Ảnh: TCB).

Chúng tôi đã có những kế hoạch rõ ràng và tin tưởng rằng có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm.

Ngoài ra thì đối với một ngân hàng nhỏ, xuất phát điểm thấp thì tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm không phải là vấn đề. Tuy nhiên, đối với một ngân hàng có quy mô vốn hoá khá cao như Techcombank thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng này không phải là dễ.

Tuy nhiên chúng tôi quyết tâm đạt được và duy trì được mức như vậy. Mức vốn hoá này sẽ giúp cho Techcombank lọt Top 10 ngân hàng hàng đầu tại ASEAN.

- Xin ông chia sẻ thêm về việc đưa lĩnh vực tài chính vào hoạt động tiêu dùng và kế hoạch của Techcombank đưa vào các cửa hàng Vinmart+ ra sao?

Chúng ta đã biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có định hướng quan trọng là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của mọi người, hay còn gọi là tài chính toàn diện.

Hiện nay có rất nhiều chủ tiệm tạp hoá với quy mô kinh doanh nhỏ, họ bị hạn chế trong việc tiếp cận đối với các dịch vụ ngân hàng mặc dù họ có nhu cầu. Chúng tôi coi đó như một sứ mệnh của mình trong việc đưa sản phẩm dịch vụ tài chính đến với những người có nhu cầu.

Đó là lý do tại sao chúng tôi lại có ý tưởng kết hợp với Masan, với những cửa hàng Vinmart để có thể cung cấp dịch vụ tài chính đó đến những người có nhu cầu mà không nhất thiết phải đến các chi nhánh của Techcombank mà họ vẫn có thể tiếp cận được qua cửa hàng của Masan.

Tôi lấy ví dụ về các cửa hàng 7-Eleven tại Thái Lan hay các cửa hàng tại Singapore cũng có mô hình tương tự như vậy và được gọi là "ngân hàng đại lý". Cửa hàng tiện lợi sẽ đóng vai trò như một đại lý của ngân hàng trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản và đơn giản theo một cách tiện lợi cho họ với chi phí thấp. 

Tuy nhiên, ở đây mới chỉ là ý tưởng sơ khai và chúng tôi đang tìm hiểu, phân tích và thí điểm, nếu chúng phát huy tác dụng thi sẽ được nhân rộng ra. Đồng thời, do còn khá mới tại Việt Nam nên chúng tôi cũng đang xin ý kiến của NHNN về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông.

Diệp Bình