|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Hoà Phát: 2024 sẽ là năm khởi động, sản lượng thép của tập đoàn có thể tăng 10%

19:30 | 16/01/2024
Chia sẻ
CEO Hoà Phát kỳ vọng thị trường thép trong năm 2024 sẽ cải thiện hơn, dự kiến sản lượng thép sẽ tăng khoảng 10% nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản.

 Thị trường thép bắt đầu tăng từ năm 2024

“2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát khi trao đổi với chúng tôi về triển vọng của ngành thép trong năm 2024. 

Theo ông Thắng, năm 2023 chính là đáy của ngành thép và 2024 thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm? lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao? triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không?

Đó là những yếu tố ở thị trường thế giới, còn với Việt Nam, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.

“Hy vọng rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay sẽ tạo ra nhu cầu cho ngành thép”, ông Thắng nói. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2023 được xem là một trong những năm khó khăn nhất của ngành do ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy yếu. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản giảm mạnh khiến nhu cầu thép xây dựng giảm. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, đây là lĩnh vực chiếm tới 60% nhu cầu thép. 

Tổng lượng tiêu thụ thép của cả năm 2023 giảm 9% xuống khoảng 20,3 triệu tấn. Diễn biến thị trường nguyên liệu sản xuất phức tạp. Trong khi đó, giá thép xây dựng trải qua khoảng 20 lần giảm giá. 

“Chúng tôi lên kế hoạch tăng sản lượng thép trong năm nay trên 10% với kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ cũng ở mức tương tự”, ông Thắng cho biết. 

Thực tế, từ tháng 9 năm ngoái, lượng tiêu thụ thép của Hoà Phát bắt đầu phục hồi. Trong đó, lượng tiêu thụ trong tháng 12 đạt 760.000 tấn - mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Động lực đến từ các dự án xây dựng đầu tư công như sân bay Long Thành, sân bay Điện Biên mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra các việc xây dựng các công trình dân dụng cũng đã khả quan hơn. 

 Nguồn: Hoà Phát, VSA (H.Mĩ tổng hợp)

CEO của Hoà Phát cho rằng mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ phục hồi nhanh hơn bởi nhu cầu hiện nay vẫn đang khá tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, chế biến chế tạo. 

“Giá thép HRC hiện tốt hơn hẳn so với thép xây dựng, khoảng chênh lệch giá tương đối lớn do ngành xây dựng vẫn đang gặp khó khăn, trong khi ngành chế biến, chế tạo phục hồi tốt hơn”, ông nói. 

Trong năm 2023, HRC là mặt hàng duy nhất của Hoà Phát ghi nhận doanh số bán hàng tăng trưởng dương với 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022. Trong khi đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

 Nguồn: Hoà Phát

Trong một báo cáo công bố mới đây, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích Cổ phiếu của CTCP chứng khoán SSI, nhận định lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của Tập đoàn Hoà Phát và Tập đoàn Hoa Sen. 

Biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

“Mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động”, ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, CEO Hoà Phát cho rằng thị trường thép vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có áp lực từ việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép. 

“Hiện nay áp lực thép xuất khẩu của Trung Quốc rất lớn. Nước này xuất khẩu 90 triệu tấn thép trong năm 2023, tăng 60% so với 2022. Dự kiến, con số này sẽ nâng lên trên 100 triệu tấn trong năm 2024. Rõ ràng, cả thế giới đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thích đáng, với vị trí địa lí ngay sát Trung Quốc thì áp lực thép nước này đổ bộ vào nội địa rất lớn”, ông Thắng nói. 

Mảng container có thể phục hồi từ giữa năm 2024

Container - mảng kinh doanh mới của Hoà Phát, cũng được kỳ vọng có một vài điểm sáng. Nhà máy sản xuất container của Hoà Phát khởi công từ tháng 6/2021 - thời điểm thế giới đang trong cơn khát vỏ container rỗng do dịch COVID-19 khiến chuỗi cũng ứng của thế giới bị đứt gãy.

Việc sản xuất container sẽ tận dụng được lợi thế của Hoà Phát là có thể tự chủ được nguyên liệu thép HRC đặc biệt. Ở chiều ngược lại, đây cũng được xem là một trong những đầu ra cho sản phẩm thép HRC.

Theo đó, nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này.

Tuy nhiên, thời điểm Hoà Phát cho ra mẻ container đầu tiên cũng là lúc thị trường xuống đáy do thế giới dư cung. Công ty giao đơn hàng 100 container loại 20 feet đầu tiên vào tháng 8/2023 và sau đó là một vài đơn hàng giao cho Tổng Công ty Hằng Hải, Công ty Vinafco,…Theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn, tiêu thụ container năm ngoái vẫn còn ít và “chưa đáng kể”.

Song, sự kiện căng thẳng khu vực Biển Đỏ thời gian qua được kỳ vọng sẽ phần nào giúp cải thiện doanh số. Việc các tàu phải kéo dài hành trình do phải đi qua Mũi Hảo Vọng để tránh Biển Đỏ sẽ khiến thời gian tàu chở container rỗng về lâu hơn. Điều này tiềm ẩn rủi ro thiếu container rỗng. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, kỳ vọng thanh khoản của thị trường container sẽ cải thiện khi thời gian hoàn trả container rỗng của các hãng tàu lâu hơn. 

“Điều chúng tôi quan tâm là thanh khoản và đây sẽ là đầu của chu kỳ phục hồi của thị trường container, sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu tốt dần từ giữa hoặc cuối năm 2024. Khi thanh khoản của thị trường tốt lên, giá cũng container cũng sẽ tăng hơn và ngành sản xuất container cũng sẽ sáng sủa hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông sự kiện ở Biển Đỏ tuy không giúp giá container tăng nhiều nhưng đã tác động tích cực đến thanh khoản. 

“Trong một vài tuần gần đây đã có khách hàng hỏi mua container. Một số hãng vẫn tải quốc tế cũng đã quan tâm nhiều hơn. Một số công ty vận tải lớn đã đến Hoà Phát để khảo sát và bắt đầu quan tâm đến những đơn hàng nhỏ”, lãnh đạo tập đoàn cho biết.

Mặc dù vậy, sự kiện ở Biển Đỏ được cho làchỉ có tác động trong ngắn hạn, không phải là động lực chính trong thời gian tới.

“Căng thẳng tại Biển Đỏ chỉ có tác động ngắn hạn đối với thị trường container, trừ khi xung đột xảy ra ở quy mô rất lớn tại Trung Đông. Còn hiện tại, dòng chảy thương mại chưa lâm vào tình cảnh thiếu hụt container rỗng trầm trọng”, theo ông Nguyễn Việt Thắng.

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).