Các trung tâm sản xuất của ASEAN: Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia chịu ảnh hưởng mạnh nhất do cầu bên ngoài suy yếu?
Xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh nhất trong 4 nước ASEAN
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và cơ quan thống kê các nước, trong nhóm các nền kinh tế ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, xuất khẩu trong quý I/2023 của Việt Nam giảm mạnh nhất (-11,8%), sau đó đến Thái Lan (-10%).
Với Malaysia và Indonesia, xuất khẩu của hai nước này không tăng trưởng âm nhưng mức tăng thấp hơn so với quý I/2022.
Xét theo tháng, xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 cũng giảm mạnh hơn các nước còn lại với mức giảm 14,4% so với cùng kỳ, tiếp theo là Indonesia (-11,33), Thái Lan (-4,17) và Malaysia (-1,4).
Với Indonesia và Malaysia, tháng 3 vừa rồi là tháng đầu tiên xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng âm kể từ đầu năm 2022.
Thái Lan - nơi xuất khẩu chiếm 60% GDP đã có 6 tháng liên tiếp xuất khẩu sụt giảm. Tại họp báo đầu tháng 4, ông Chaichan Chareonsuk, Chủ tịch Hội đồng Vận tải Quốc gia Thái Lan cho biết số liệu xuất khẩu xấu đi do kinh tế toàn cầu đang chậm lại và sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc không nhanh như mong đợi.
Cơ quan này dự báo xuất khẩu trong quý II của Thái Lan vẫn chưa thể phục hồi, có thể tiếp tục sụt giảm ở mức 4,7%, sau đó tăng trưởng dương trở lại lần lượt 1,8% và 12% trong quý III và quý IV.
Một trung tâm sản xuất khác trong khu vực là Philippines - hiện chưa công bố số liệu xuất khẩu quý I đầu năm, cũng đã có 3 tháng liên tiếp xuất khẩu sụt giảm (tháng 12/2022, tháng 1 và 2/2023)
Sản xuất của Việt Nam, Malaysia bị thu hẹp; Thái Lan lập kỷ lục với PMI tháng 4
So sánh chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của 5 nước ASEAN, số liệu từ S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. PMI tháng 4 vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, khi giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3.
"Những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở tình trạng tiếp tục giảm của cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vào đầu quý II của năm. Tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn", S&P Global cho hay.
Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng là nền kinh tế có chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm. Theo S&P Global, nhu cầu nhìn chung vẫn yếu, các công ty ở Malaysia đã thu hẹp sản xuất và giảm quy mô hoạt động mua hàng, mặc dù đã có một số dấu hiệu tích cực liên quan đến đơn hàng xuất khẩu. Một điểm tích cực khác nữa việc làm đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
Trong nhóm 5 nước ASEAN, Thái Lan là nước có chỉ số PMI tăng ấn tượng nhất trong tháng 4, vọt lên 60,4 điểm từ 53,1 điểm trong tháng 3 khi sản lượng, đơn đặt hàng mới đều tăng cao kỷ lục. Theo S&P Global, tốc độ tăng trưởng kỷ lục của ngành sản xuất Thái Lan phần nhiều nhờ vào nhu cầu trong nước khi đơn đặt hàng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ.