|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank

12:03 | 11/05/2021
Chia sẻ
Dù đã rút khỏi hội đồng quản trị Kienlongbank 3 năm, nhưng bóng dáng của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, vẫn còn khá rõ nét tại ngân hàng.
Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 1.

ông Võ Quốc Thắng (hay "bầu" Thắng), Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, cựu Chủ tịch Kienlongbank. (Ảnh: Kienlonbank).

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 2.

Tại đại hội đồng thường niên 2021 của Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng (hay "bầu" Thắng), Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, xuất hiện với vai trò là khách mời và là cố vấn của Kienlongbank cùng với Chủ tịch Sunshine Group ông Đỗ Anh Tuấn, với vai trò lãnh đạo tư vấn các giải pháp công nghệ tài chính ngân hàng số của Kienlongbank.

Tuy không trực tiếp sở hữu cổ phiếu nào tại Kienlongbank, nhưng tổng số cổ phần những cá nhân và pháp nhân liên quan đến "bầu" Thắng sở hữu chiếm khoảng 9,41% vốn điều lệ của ngân hàng.

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 2.

Ông Võ Quốc Lợi, Phó Tổng Giám đốc Kienlongbank, con trai bầu Thắng. (Ảnh: Kienlongbank).

Cụ thể, vào tháng 1 năm nay, ông Võ Quốc Lợi, con trai trưởng của ông Thắng, là một trong ba người được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng.

Theo cho biết của Kienlongbank vào thời điểm đó, ông Lợi sở hữu gần 15,2 triệu cổ phần, chiếm 4,69% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong cơ cấu cổ đông của Kienlongbank còn có các cổ đông tổ chức là các công ty con, công ty thành viên của Tập đoàn Đồng tâm cũng sở hữu gần 15,3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 4,72% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, theo báo cáo quản trị ngày 19/1, Phó Chủ tịch Phạm Trần Duy Huyền, con rể của ông Võ Thành Phan (anh trai bầu Thắng) cũng sở hữu 15,3 triệu cp, tương đương 4,73% vốn tại ngân hàng.

Một phó thành viên HĐQT khác là bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương cũng là những người mang "gốc gác" Đồng Tâm và sở hữu gần 14,3 triệu cp KLB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,42%.

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 4.

Danh sách HĐQT đương nhiệm của Kienlongbank. (Nguồn: Kienlongbank).

Không những vậy, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, một đối tác lâu năm của ông Thắng cũng đang giữ chức Phó Chủ tịch của Kienlongbank. 

Ông Tín không trực tiếp sở hữu cổ phần KLB nào nhưng ông Vũ Xuân Dương, em rể ông Mai Hữu Tín vẫn nắm giữ 15,8 triệu cp, tương đương 4,89% vốn ngân hàng.

Kienlongbank là một trong những ngân hàng có cơ cấu cổ đông rất cô đặc. Theo biên bản họp đại hội cổ đông vừa qua, chỉ có 98 cổ đông tham dự họp, tuy nhiên đã tương đương với hơn 90% tổng số cổ phần của phân hàng. 

Trong đó, theo ước tính của người viết, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Đồng Tâm đã chiếm tới hơn 23% tổng số cổ phần.

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 4.

Bầu Thắng chính thức gia nhập Kienlongbank vào tháng 4/2013 với vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Trần Phát Minh (người vừa nhậm chức được tròn một năm). 

Trước ông Minh, "ghế nóng" chủ tịch Kienlongbank đã gắn bó với ông Trần Hưng Thịnh trong 16 năm. Ông Thịnh cũng là chủ tịch có thời gian tại nhiệm lâu nhất của Kienlongbank từ khi thành lập vào năm 1995 cho tới nay.

Ông Võ Quốc Thắng khi đó là một doanh nhân khá có tiếng tăm với sự phát triển mạnh của Gạch Đồng Tâm. Nhiều người kỳ vọng rằng tiếng vang của vị chủ tịch của Tập đoàn Đồng Tâm có thể đưa Kienlongbank sang một trang mới. Tuy nhiên, thực tế có lẽ không được như mong muốn.

Trong 5 năm đương nhiệm của "bầu" Thắng (2013 - 2018), tình hình kinh doanh của ngân hàng lại không mấy khả quan.

Trong khi lợi nhuận của các năm 2011 và 2012 lần lượt ở ngưỡng 525 tỷ đồng và 468 tỷ đồng thì bước sang giai đoạn "bầu" Thắng, lợi nhuận của ngân hàng liên tục giảm từ 393 tỷ xuống 234 tỷ, 212 tỷ và 152 tỷ đồng. 

Đến hai năm sau, lợi nhuận có phục hồi nhưng cũng chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2011. 

Kienlongbank - Bình mới, rượu có mới? - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC).

Cũng tại giai đoạn này, Kienlongbank bắt đầu ghi nhận các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank. Ban đầu, NHNN vẫn cho phép Kienlongbank phân loại các khoản nợ này vào nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) cho đến khi phê duyệt đề án tái cơ cấu, do đó nợ xấu của ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp.

Kienlongbank - Bình mới, rượu có mới? - Ảnh 1.

(Nguồn: BCTC năm 2016 Kienlongbank).

Đến năm 2018, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác. Do đó, ông Thắng đã quyết định nhường ghế tại Kienlongbank và dành tâm huyết cho Tập đoàn Đồng Tâm.

Dù vậy, "gánh nặng" vẫn tiếp tục theo bám Kienlongbank trong những năm sau đó. Năm 2019, Kienlongbank báo lãi khiêm tốn chỉ gần 86 tỷ đồng trước thuế, giảm 204 tỷ đồng so với năm trước và thấp nhất trong nhiều năm trở lại.

Theo giải thích của Kienlongbank, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận năm 2019 giảm là do trong tháng 12, ngân hàng hạch toán giảm các khoản lãi phải thu từ các khoản cho vay của các khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu Sacombank.

Sau đó, theo quyết định của NHNN, trong quý II/2020, Kienlongbank đã phải ghi nhận khoản nợ này vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng vọt lên 6,6%, cao nhất toàn ngành khi đó.

Bóng dáng 'bầu' Thắng tại Kienlongbank - Ảnh 8.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan và cơ cấu cổ đông cô đặc dưới bóng dáng của "bầu" Thắng, không ít nhà đầu tư bất ngờ trước việc Kienlongbank đang có một sự cải tổ với sự tham gia của của Sunshine Group, một đại gia trong ngành bất động sản.

Một loạt thay đổi nhân sự có bóng dáng của Sunshine Group tại Kienlongbank cùng hàng trăm triệu cổ phiếu KLB được sang tay đã khiến nhiều người dự đoán về "một cuộc chuyển giao quyền lực" cho đại gia bất động sản này tại ngân hàng.

Việc thương hiệu ngân hàng số KSBank (từng được đồn đoán là viết tắt của Kienlongbank và Sunshine Group) mà Kienlongbank đang muốn phát triển xuất hiện trên toà nhà của Sunshine Group cũng là dấu hiệu của một mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức.

Cho đến ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông Kienlongbank đã chính thức thông qua việc bổ sung tên KSBank trở thành tên gọi chính thức của ngân hàng. 

Và mới đây nhất, các thành viên HĐQT đã thống nhất bầu bà Trần Thị Thu Hằng, CEO của Sunshine Group kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 – 2022 từ ngày 26/5.

Những tín hiệu rõ nét khẳng định sự hợp tác giữa Sunshine Group và Kienlongbank đã có kế hoạch từ trước đó và nghi vấn đặt ra cho một cuộc thâu tóm thiện chí tại Kienlongbank.

Đáng nói, sau cái bắt tay này, tình hình kinh doanh của Kienlongbank đã trở nên khởi sắc. Trong quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt gần 703 tỷ đồng, cao gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành 70% kế hoạch cả năm. 

Kienlongbank cho biết nguyên nhân chính giúp lợi nhuận tăng trưởng cao là do trong kỳ, ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank. 

Số cổ phiếu này từng được Kienlongbank rao bán nhiều lần trong năm 2020 nhưng bất thành, cho đến khi có sự xuất hiện của Sunshine Group.

Không chỉ vậy, trên thị trường chứng khoán, từ một cổ phiếu chỉ dao động quanh mệnh giá với thanh khoản thấp, đến nay thị giá cổ phiếu KLB đã đạt trên 27.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 250.000 đơn vị.

Kienlongbank - Bình mới, rượu có mới? - Ảnh 5.

Diễn biến giá cổ phiếu KLB thời gian gần đây. (Ảnh: TradingView).

Phải nói rằng, hệ sinh thái giữa ngân hàng và doanh nghiệp là không mới, có thể kể đến như HDBank - VietJet, SHB - Tập đoàn T&T hay Techcombank - Vingroup - Masan... Theo đó, ngân hàng đóng vai trò như một cổng tài chính đáp ứng nhu cầu vốn và thanh khoản của doanh nghiệp. Ngược lại ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay từ các doanh nghiệp.

Và có lẽ những người trong cuộc từ Kienlongbank hay Sunshine group cũng đang kỳ vọng có được những thành công mà những hệ sinh thái trước đã đạt được. 

Lê Huy