|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 dự án giao thông sắp triển khai đi qua rất nhiều tỉnh thành, mở rộng không gian phát triển, kết nối loại khu vực kinh tế

07:30 | 03/03/2022
Chia sẻ
Trong khi hai dự án Vành đai 3, 4 tại TP HCM và Hà Nội sẽ mở ra không gian phát triển cho các tỉnh, thành lân cận, các dự án trọng điểm khác như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,... cũng được kỳ vọng sẽ tăng khả năng kết nối các vùng kinh tế.

Mới đây, 5 dự án đường bộ cao tốc có tổng vốn đầu tư hơn 265.000 tỷ đồng đã được Chính phủ chấp thuận trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.

Các dự án gồm đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP HCM; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các dự án trên có tổng chiều dài ước tính hơn 500 km.

Nhìn từ tiềm năng kinh tế 5 dự án giao thông trọng điểm dài 500 km, tổng vốn hơn 265.000 tỷ đồng sắp triển khai - Ảnh 1.

5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. (Đồ họa: Đức Bùi).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tăng cường kết nối các tỉnh miền Tây 

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) có chiều dài 188,2km, đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong hơn 188 km toàn tuyến, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km còn lại đi qua tỉnh Sóc Trăng.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 32,25 m. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 8.487 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 27.534 tỷ đồng…

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu phân chia thành 7 dự án thành phần. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

Nhìn từ tiềm năng kinh tế 5 dự án giao thông trọng điểm dài 500 km, tổng vốn hơn 265.000 tỷ đồng sắp triển khai - Ảnh 1.

Tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

Mặc dù tiềm năng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao, tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này lại chưa thực sự phát triển khi so với các khu vực khác của cả nước. Tỷ lệ số km đường cao tốc của vùng rất thấp, trở thành điểm nghẽn trong sự phát triển của cả khu vực.

Hiện các tuyến Quốc lộ 1, tuyến N1, đặc biệt là Quốc lộ 19 đang quá tải, việc đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) sẽ trở thành sợi dây kết nối các đường theo trục dọc, giúp giảm áp lực cho các tuyến đường hiện tại,...

Bên cạnh đó, với hướng tuyến kéo dài từ TP Châu Đốc, điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng góp phần tăng cường kết nối các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á, mang đến nhiều cơ hội giao thương, giao thông tốt hơn cho khu vực.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối loạt khu công nghiệp với cụm cảng Cái Mép

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km, nối tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa với điểm giao quốc lộ 56 tại TP Bà Rịa. Tổng mức đầu tự án là 19.616 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đây cũng được coi là trục giao thông quan trọng bậc nhất trong kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Nhìn từ tiềm năng kinh tế 5 dự án giao thông trọng điểm dài 500 km, tổng vốn hơn 265.000 tỷ đồng sắp triển khai - Ảnh 2.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đường tô màu đỏ). (Nguồn: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050).

Trong khi tuyến Quốc lộ 51 nối TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu hiện đã quá tải, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, tăng tính kết nối của Sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án còn chạy qua nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn khác của Đồng Nai như KCN Nhơn Trạch, KCN Long Thành, KCN Long Đức, KCN An Phước,... và đặc biệt là các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có thể thấy, dự án này sẽ có tác động lớn đến vận chuyển hàng hóa từ các KCN tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đến các cảng, giúp giảm chi phí logistics để xuất khẩu hàng hóa.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối hai vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên, trong tam giác phát triển kinh tế Việt Nam - Lào – Campuchia với trụ cột kinh tế là nông, lâm nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Khánh Hòa là trung tâm kinh tế chính trị lớn của khu vực Nam Trung Bộ, trụ cột kinh tế là du lịch, công nghiệp và vận tải biển với TP Nha Trang, KKT Vân Phong, KKT Cam Ranh…

Đây cũng là khu vực có hệ thống giao thông phát triển với sân bay quốc tế Cam Ranh và ba sân bay nội địa là Sân bay Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tuy Hòa (Phú Yên); 5 cụm cảng biển gồm Vũng Rô (Phú Yên), cụm Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh), cụm Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa), cụm cảng Nha Trang và cụm cảng Cam Ranh đều thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, tuyến đường bộ liên kết vùng, đặc biệt là kết nối hai trung tâm kinh tế là TP Buôn Ma Thuột và KKT Vân Phong vẫn còn nhiều hạn chế vì Quốc lộ 29 (Phú Yên – Đắk Lắk) quy mô hiện trạng là đường cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường 5,5 m.

Còn Quốc lộ 26 đi Khánh Hòa - Đắk Lắk chỉ hai làn xe rộng từ 6-12 m thuộc đường đèo khúc khuỷu, mặt đường thường xuyên hư hỏng.

Do đặc điểm địa hình nên hệ thống giao thông kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ khó phát triển loại hình giao thông đường thủy, hạn chế trong phát triển đường sắt và hàng không, tiềm năng lớn nhất là giao thông đường bộ.

Chính bởi thế việc đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng. Dự án có chiều dài khoảng 118 km, ưu tiên đầu tư bằng vốn đầu tư công với vốn dự kiến khoảng 21.935 tỷ đồng.

Nhìn từ tiềm năng kinh tế 5 dự án giao thông trọng điểm dài 500 km, tổng vốn hơn 265.000 tỷ đồng sắp triển khai - Ảnh 3.

Dự kiến phương án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. (Nguồn: Báo Đầu tư).

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột, thuộc xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.

Nói đến sức bật của vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên không thể không nói đến Cảng tổng hợp Nam Vân Phong hiện nay đã đi vào hoạt động. Cảng nằm liền kề KCN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), cách Quốc lộ 1A 12km, sân bay Cam Ranh 75km, sân bay Tuy Hòa 85km, Đắk Lắk 120km.

Cảng Nam Vân Phong giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa từ Khánh Hòa lên Tây Nguyên và từ Tây Nguyên xuống Khánh Hòa. Việc đầu tư tuyến cao tốc nối KKT trọng điểm Vân Phong với Buôn Ma Thuột - trung tâm vùng Tây Nguyên được đánh giá là cần thiết, tạo động lực phát triển cho cả vùng.

Theo nghiên cứu của Viện chiến lược phát triển GTVT, các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác chỉ xét riêng tỉnh Đắk Lắk mỗi năm GRDP tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng; hàng hóa qua 5 cảng biển sẽ được khai thác tối đa.

Vòng đời 20 năm, dự án sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí xăng dầu, chi phí vận hành, khấu hao phương tiện... khoảng 11.700 tỷ đồng. 

Dự án Vành đai 3 TP HCM mở rộng không gian phát triển cho 4 tỉnh, thành

Là một trong những tuyến đường huyết mạch nối TP HCM với các tỉnh lân cận, dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90 km, đi qua 4 tỉnh thành. Trong đó, đoạn qua TP HCM là 47,62 km; Bình Dương 25,93 km; Đồng Nai 11,3 km; Long An 6,8 km.

Dự án chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Hiện tuyến đường đã đầu tư được 16,3 km trên địa bàn Bình Dương. Tổng mức đầu tư giai đoạn một Vành đai 3 ước tính hơn 85.400 tỷ đồng.

vưe - Ảnh 1.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2025 của TP HCM).

Dự án đường Vành đai 3 được thiết kế kết nối giữa các tuyến giao thông xuyên tâm như QL13, QL22, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, điều này giúp chuyển hướng các phương triện tải trọng lớn sang đường vành đai, giảm ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay có 4 làn nhưng đã quá tải, đến khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động tình hình sẽ rất cấp thiết. Do đó, việc đầu tư đường Vành đai 3 nói chung cũng như đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nói riêng sẽ giúp tăng khả năng kết nối ngay khi dự án Sân bay Long Thành đưa vào khai thác vào năm 2025.

Đồng thời, dự án Vành đai 3 cũng giúp tăng sự kết nối với những thành phố và thị xã xung quanh của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. Qua đó giảm chi phí và thời gian đi lại trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô liên kết nhiều cao tốc, quốc lộ quan trọng

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn được biết đến với cái tên "siêu dự án đường vành đai" khi có chiều dài lên tới 112,8 km, tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng, bằng hình thức PPP (đối tác công tư). Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.

Dự án có điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Vành đai 4 đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km.

Nhìn từ tiềm năng kinh tế 5 dự án giao thông trọng điểm dài 500 km, tổng vốn hơn 265.000 tỷ đồng sắp triển khai - Ảnh 5.

Dự án Vành đai 4 liên kết nhiều cao tốc quan trọng. (Đồ họa: Đức Bùi).

Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngoài ra, dự án sẽ có ba cầu vượt vượt sông, cụ thể, hai cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...

Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi các tỉnh phía bắc cũng như các tỉnh phía tây và ngược lại, quá cảnh qua Hà Nội hiện nay chủ yếu thông qua tuyến Vành đai 3. Tuy nhiên, tuyến Vành đai 3 sau khi cơ bản hoàn thành đã rơi ngay vào tình trạng quá tải.

Các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường Vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía nam TP. Do đó, việc đầu tư dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô (khoảng cách từ Vành đai 3 đến Vành đai 4 trung bình gần 10 km) tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Dự án không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Đồng thời, tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Phương Trang