|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những mảnh ghép kiến tạo hạ tầng khu Đông Sài Gòn

07:51 | 12/05/2021
Chia sẻ
Không chỉ thừa hưởng loạt hệ thống hạ tầng của khu Đông, trong tương lai, TP Thủ Đức sẽ có thêm tuyến xe buýt nhanh BRT, các cây cầu mới như Cát Lái, Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4 và dự án ga đường sắt nhẹ An Phú - Long Thành...

Trong quý I/2021, các sản phẩm bất động sản trên thị trường TP HCM chủ yếu tập trung tại TP Thủ Đức, đặc biệt tại khu vực quận 2 và quận 9 trước đây, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Giá căn hộ chung tại TP Thủ Đức nói chung cư dao động 60 - 70 triệu đồng/m2. Một số dự án nhà thấp tầng dao động 130 - 150 triệu đồng/m2, có nơi 230 - 250 triệu đồng/m2.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho thấy, giá căn hộ các dự án chung cư ở TP Thủ Đức trong quý I/2021 đều có xu hướng tăng 4-6% so với với quý IV/2020. 

Đối với đất nền, giá đất ở khu vực TP Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay. 

Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng,... vị trí đất mặt đường giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, có nơi thậm chí gần 200 triệu đồng. Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2, trong quý I đã tăng lên 70 - 90 triệu đồng/m2, có nơi 100 triệu đồng/m2.

Những thông tin quy hoạch góp phần đẩy giá nhà đất khu Đông Sài Gòn - Ảnh 1.

Nếu như ở Hà Nội, sông Hồng được biết đến như là ranh giới giữa các quận trung tâm ở bờ Tây (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng,…) với các quận, huyện ngoại thành ở bờ Đông (Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm) thì TP HCM cũng có một con sông với chức năng tương tự.

Sông Sài Gòn có chiều dài 200 km, bắt nguồn từ vùng Hớn Quản (Bình Phước), chảy qua Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến TP HCM trước khi nhập vào sông Soài Rạp, ranh giới với Đồng Nai.

Tại TP HCM, dòng sông này chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua địa phận các quận: Quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2, quận 4 và quận 7 với chiều dài khoảng 80 km.

Cũng giống như sông Hồng ở Hà Nội, sông Sài Gòn là ranh giới chia TP HCM thành hai khu vực là bờ Tây và bờ Đông, với những định hướng phát triển khác nhau.

Theo định hướng phát triển không gian đến năm 2025, khu Đông là một trong hai hướng phát triển chính của TP HCM (cùng với khu Nam). Trước đây, khu Đông Sài Gòn là nơi tọa lạc của các quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.  

Hành lang phát triển của khu Đông theo quy hoạch tập trung phát triển các khu đô thị (KĐT) mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị quanh các trục cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội.

Khu hành chính của TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngày 31/12/2020, UBND TP HCM đã công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM, trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Những mảnh ghép quy hoạch góp phần đẩy giá đất khu Đông Sài Gòn - Ảnh 3.

Để phát huy thế mạnh của cả ba quận, TP Thủ Đức sẽ tập trung phát triển 8 trung tâm quan trọng. (Ảnh: Justin Bui).

Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có diện tích 211,56 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người; tiếp giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; phía Tây và phía Nam TP Thủ Đức được bao bọc bởi sông Đồng Nai.

Trung tâm hành chính TP Thủ Đức được đặt tại đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 trước đây).

Mặc dù có tuổi đời chưa lâu, song trên thực tế, TP Thủ Đức được thừa hưởng sự phát triển của khu Đông Sài Gòn trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, với sự ra đời của hàng loạt công trình giao thông đối nội, đối ngoại, các KĐT, khu công nghiệp,...

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 4.

Những mảnh ghép kiến tạo nên hạ tầng khu Đông Sài Gòn - Ảnh 3.

Những tuyến giao thông trọng điểm của TP Thủ Đức. (Đồ họa: Justin Bui).

Theo Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 đã được phê duyệt, TP Thủ Đức có 4 trục hướng tâm đối ngoại được định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Đầu tiên là trục TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu, hay còn được biết đến là Xa lộ Hà Nội. Tuyến đường Xa lộ Hà Nội có tổng chiều dài 15,7 km, điểm đầu nối với cầu Sài Gòn, điểm cuối nằm tại nút giao Tân Vạn, với tổng mức đầu tư hơn 2.286 tỷ đồng.

Tuyến Xa lộ Hà Nội nằm trọn trên địa phận TP Thủ Đức, với quy mô 16 làn xe, gồm 10 làn chính và 6 làn song hành, kéo dài từ cầu Sài Gòn đến Nút giao Trạm 2, trước khi nhập vào Quốc lộ 1K, một trục hướng tâm đối ngoại thứ hai của khu Đông.

Quốc lộ 1K có điểm đầu nằm tại nút giao Linh Xuân, TP Thủ Đức, đi qua địa bàn các tỉnh Bình dương và Đồng Nai. Cách đây gần 15 năm, dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1K được ký kết thực hiện giữa Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K và liên doanh giữa 5 nhà đầu tư khác. 

Theo hợp đồng gốc, dự án có tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng, bao gồm hai hạng mục chính là đoạn tuyến có chiều dài 10,5 km với giá trị xây dựng là 281,9 tỷ đồng và xây dựng cầu Hóa An mới bắc qua sông Đồng Nai. 

Những công trình giao thông đối ngoại của TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trục hướng tâm thứ ba được định hướng phát triển theo quy hoạch là trục TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (hay Quốc lộ 13), kết nối TP Thủ Đức với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 6 km, nằm ở phía Tây của thành phố, bắt đầu từ cầu Vĩnh Bình, đi qua Quốc lộ 1A và đường Phạm Văn Đồng trước khi kết thúc tại cầu Bình Triệu.

Thứ tư là trục hướng tâm đối ngoại Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nối TP HCM với Đồng Nai, có điểm đầu tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức và điểm cuối tại nút giao Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009, đi vào hoạt động từ năm 2015 với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng mức giai đoạn 1 là 997,67 triệu USD (khoảng 20.600 tỷ đồng).

Ngoài các tuyến đường được định hướng phát triển theo quy hoạch, trên địa bàn TP Thủ Đức còn có các tuyến giao thông đối ngoại hiện hữu khác, gồm Quốc lộ 1A (chạy men theo bờ phía Bắc của thành phố, dài khoảng 10 km) và tuyến đường vành đai 2.

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 7.

Những mảnh ghép kiến tạo nên hạ tầng khu Đông Sài Gòn - Ảnh 5.

Những công trình hiện hữu kết nối TP Thủ Đức với bờ Tây sông Sài Gòn. (Đồ họa: Justin Bui).

Như đã đề cập, sông Sài Gòn là ranh giới phân định giữa bờ Đông và bờ Tây Sài Gòn, do đó hệ thống hầm, cầu kết nối khu Đông với các quận trung tâm là những mảnh ghép quan trọng trong việc kiến tạo nên TP Thủ Đức.

Hiện nay, trên địa phận TP Thủ Đức có 7 công trình đã hoàn thành, kết nối với bờ Tây sông Sài Gòn. Tính từ phía Bắc xuống phía Nam, đầu tiên là Cầu Bình Phước kết nối phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức với phường An Phú Đông, quận 12. 

Tiếp đến là cầu Bình Lợi, công trình kết nối phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức với phường 13, quận Bình Thạnh. Cầu Bình Triệu kết nối đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức với phường 26, quận Bình Thạnh. 

Cầu Sài Gòn kết nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Cầu Thủ Thiêm 1 nối phường An Khánh, TP Thủ Đức với phường 22, quận Bình Thạnh. Điểm đầu cầu nối từ đầu đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức), điểm cuối tại nút giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Nằm trên trục Đại lộ Đông Tây của TP HCM có Hầm Thủ Thiêm (hầm chui sông Sài Gòn) kết nối đường Mai Chí Thọ (KĐT Thủ Thiêm) với phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. 

Cuối cùng là Cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng nối phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức với phường Phú Thuận, quận 7, thuộc đường vành đai 2 của TP HCM. 

Những cây cầu vượt sông ở TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Huy).

Bên cạnh những công trình hiện hữu còn có cầu Thủ Thiêm 2 cũng đang trong quá trình xây dựng. Dự án này kết nối phường An Khánh, TP Thủ Đức với phường Bến Nghé, quận 1.

Tổng mức đầu tư của cầu Thủ Thiêm 2 là gần 3.100 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2015, đến nay đã đạt 70% khối lượng thi công. Cầu được thiết kế có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465 m. 

Ngoài ra, nằm trong lòng TP Thủ Đức còn có ba cây cầu lớn vượt sông Rạch Chiếc, gồm cầu Rạch Chiếc (nằm trên Xa lộ Hà Nội); cầu Nam Lý (nằm trên cao tốc TP HCM - Dầu Giây) và cầu Phú Hữu (nằm trên đường Võ Chí Công - Vành đai 2).

Theo quy hoạch, TP Thủ Đức trong tương lai khả năng sẽ có thêm cầu Thủ Thiêm 3 kết nối với quận 4 (đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư); cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7 (đã được Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND TP làm các công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2021) và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn kết nối với quận 1 nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm Thủ Thiêm.

Cùng với đó, dự án cầu Cát Lái thay phà Cát Lái kết nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông - vận tải của TP HCM từ năm 2017, hiện đang trong quá trình thống nhất hướng tuyến để triển khai.

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 10.

Những tuyến đường giao thông nội thị của TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trước khi thành lập TP Thủ Đức, khu Đông Sài Gòn về cơ bản đã sở hữu một bộ khung giao thông nội thị tương đối hoàn thiện, bao gồm các các đại lộ, các tuyến đường vành đai hay những tuyến đường xương cá.

Đầu tiên phải kể đến là Đại lộ Phạm Văn Đồng, có vị trí từ ngã tư Linh Xuân, phường Linh Trung đến ngã tư Bình Triệu (Quốc lộ 13) phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, chiều dài khoảng 8,2 km. Đây là tuyến đường nội đô, đồng thời là đoạn tuyến của đường Vành đai 1, có chiều rộng 30 - 65 m (6 - 12 làn xe), kết nối các khu công nghiệp, sân bay và cảng biển quan trọng của TP HCM.

Nói thêm về đường Vành đai 1, đây là tuyến đường chính đô thị cấp I của TP HCM với chiều dài 26,4 km; đi qua địa bàn các quận Thủ Đức, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh.

Một tuyến đường đối nội quan trọng khác của TP Thủ Đức là đường Võ Chí Công nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Phú Hữu với chiều dài 9,4 km, mặt cắt ngang 67 m với 7 cây cầu được xây dựng mới. Dự án được phê duyệt xây dựng năm 2006 với tổng mức gần 400 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng hồi tháng 1/2016. Con đường này nằm trên tuyến Vành đai 2 của TP HCM.

Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 đoạn qua TP Thủ Đức xuất phát từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, đến nút giao với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây rồi qua cầu Phú Hữu, rẽ hướng Tây Bắc đi ngã tư Bình Thái (giao với xa lộ Hà Nội), đến nút giao với đường Phạm Văn Đồng và đến nút giao Gò Dưa. Song, đoạn Phú Hữu - Gò Dưa đến nay vẫn chưa được khép kín.

Cách đường Võ Chí Công khoảng 4 km về phía Tây Bắc là đường Mai Chí Thọ, trục đường xương sống của KĐT mới Thủ Thiêm với chiều dài hơn 6 km, mặt cắt ngang 140 m với 14 làn xe, kéo dài từ hầm Thủ Thiêm và kết thúc tại nút giao Ngã 3 Cát Lái.

Đường Mai Chí Thọ cũng giao cắt với một số đường lớn như Đồng Văn Cống, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nguyễn Cơ Thạch... Cùng với đường Võ Văn Kiệt, đây là hai cung đường kiến tạo nên Đại lộ Đông - Tây của TP HCM. 

Mới đây, hàng chục tuyến đường xương cá dọc Đại lộ Mai Chí Thọ vừa được TP Thủ Đức đặt tên mới. Các tuyến đường này chủ yếu tập trung tại KĐT Thủ Thiêm và xung quanh trung tâm hành chính TP Thủ Đức.

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 12.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy dọc Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tháng 8/2012, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên một trong 7 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP HCM chính thức được khởi công. 

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Điểm đầu tại chợ Bến Thành, đi ngầm 2,6 km đến ga Nhà hát Thành phố, qua KĐT Vinhomes Golden River, sau đó đi trên cao 17,1 km theo rạch Văn Thánh, qua sông Sài Gòn, chạy dọc theo xa lộ Hà Nội và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới.

Với 8/14 ga dừng nằm trên Xa lộ Hà Nội, có thể nói, tuyến đường sắt đô thị 43.600 tỷ đồng này là một trong những dấu ấn hạ tầng nổi bật nhất của khu Đông Sài Gòn trong một thập kỷ qua. 

Đi cùng với sự hình thành của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, hàng loạt dự án lớn nhỏ của Keppel Land, Masterise, Thuduc House, Him Lam... cũng lần lượt ra đời, mang đến diện mạo mới cho tuyến Xa lộ Hà Nội nói riêng và TP Thủ Đức nói chung.

Phía Bắc của TP Thủ Đức, chạy dọc theo Đại lộ Phạm Văn Đồng cũng là nơi có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, trong đó có một ga dừng duy nhất là ga Bình Triệu nằm trên trục đường Kha Vạn Cân - Quốc lộ 13. Tuy nhiên, nhà ga này từ lâu không còn được sử dụng.

Bù lại, trong tương lai, TP Thủ Đức sẽ tập trung khai thác tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga An Phú (KĐT Thủ Thiêm) với sân bay Long Thành.

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 14.

Sông Sài Gòn. (Ảnh: Hoàng Huy).

Về hệ thống đường thủy, TP Thủ Đức có tuyến giao thông đường thủy quốc gia trên sông Sài Gòn dài 22,5 km và 13 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 62,7 km. Hệ thống cảng container Cát Lái trên sông Đồng Nai với 8 cầu bến, chiều dài 4.044 m cầu cảng.

Trong đó, Cảng Cát Lái là cảng container chuyên dụng, được quy hoạch và xây mới tại phường Cát Lái trên diện tích 160 ha. Đây là cảng container lớn nhất Việt Nam và là một trong 30 cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, TP Thủ Đức còn có hệ thống 5 cảng cạn đang hoạt động tại khu vực Trường Thọ; 7 cảng thủy nội địa và 64 bến thủy nội địa đan xen trên các tuyến sông; tuyến buýt sông 01 Bạch Đằng - Linh Đông chạy trên sông Sài Gòn;...

Hiện nay, TP HCM đang có kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch bằng đường thủy trên sông Sài Gòn; định hướng quy hoạch thành lập 5 vị trí trung tâm logistics khu vực gắn với đô thị sáng tạo gồm trung tâm logistics Long Bình (quận 9), Cát Lái (quận 2 và quận 9), Linh Trung (quận 9), khu công nghệ cao (quận 9) và Trường Thọ (quận Thủ Đức).

Ngoài ra, đề án thu phí cửa khẩu cảng biển tạo nguồn thu để tái đầu tư hệ thống giao thông cảng biển cũng đang được xây dựng.

Những mảnh ghép kiến tạo nên khu Đông Sài Gòn - Ảnh 16.

Các nút giao lớn tại TP Thủ Đức. (Ảnh: Khải An - Hoàng Huy).

Không chỉ là nơi giao thoa của các tuyến đường trục, các nút giao cũng giúp kiểm soát lưu lượng giao thông, cải thiện mỹ quan đô thị cho TP Thủ Đức.

Năm 2004, nút giao cầu vượt Trạm 2 tại cửa ngõ phía Đông của thành phố được hoàn thành. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, thiết kế với bốn vòng tròn có đường kính 420 m và các nhánh đường trong khu vực với diện tích 27 ha.

Nút giao này kết nối Xa lộ Hà Nội với Quốc lộ 1A để vào trung tâm TP HCM hoặc đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... Hiện tại, khu cầu vượt Trạm 2 giao cắt với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), song song với Xa lộ Hà Nội.

Cách cầu vượt Trạm 2 khoảng 10 km là nút giao thông ngã ba Cát Lái được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010. Đây là điểm cuối của đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ) kết nối với Xa lộ Hà Nội. Nút giao này kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc.

Mới đây, TP HCM vừa báo cáo kết quả thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án nút giao An Phú, điểm giao cắt giữa đường Mai Chí Thọ với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Theo phương án thiết kết nút giao An Phú có ba tầng, gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.926 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.

Ngoài ra, trên địa bàn TP Thủ Đức còn có một số nút giao hiện hữu khác, có thể kể đến như nút giao thông ĐHQG TP HCM, nút giao Mỹ Thủy hay hầm chui An Sương.

Bên cạnh hệ thống hạ tầng đã đề cập ở trên, trong thời gian tới, TP Thủ Đức sẽ tập trung phát triển 9 tuyến xe buýt mới, triển khai khép kín Vành đai 2 và phát triển tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 chạy dọc đường Mai Chí Thọ.

Hoàng Huy