|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng tư nhân, ba cái tên tăng trưởng lợi nhuận bằng lần

08:21 | 13/05/2022
Chia sẻ
Với đà hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch, bức tranh chung ngành ngân hàng quý I/2022 sáng màu với lợi nhuận tăng trưởng tích cực và sự vươn lên của nhóm ngân hàng tư nhân.

Sự trỗi dậy của các ngân hàng tư nhân

Bức tranh lợi nhuận quý I các ngân hàng thể hiện sự phân hóa rõ rệt trong tăng trưởng lợi nhuận giữa nhóm ngân hàng tư nhân và quốc doanh.

Trong khi lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh gần như đi ngang, thì nhóm tư nhân lại bứt lên khi tăng trưởng lãi lên tới hơn 48%.

 

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nhóm tư nhân cũng chủ yếu đến từ các ngân hàng có vốn hóa lớn. Nếu xét cơ cấu theo sàn chứng khoán niêm yết, giao dịch sẽ thấy lợi nhuận của các nhà băng trên HOSE tăng trưởng hơn 32%, còn các nhà băng niêm yết trên HOSE và giao dịch trên UPCoM chỉ nhích nhẹ hơn 1% so với cùng kỳ.

Xét về cơ cấu các mảng thu nhập, thu nhập lãi thuần vẫn là mảng mang về lợi nhuận chính chiếm gần 70% tổng thu nhập của các ngân hàng. Tuy nhiên, mảng có tăng trưởng cao nhất lại là thu nhận từ kinh doanh ngoại hối, tăng tới 49% so với cùng kỳ trong khi lãi thuần từ đầu tư chứng khoán giảm gần 38%. Tựu chung lại, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng đã tăng 22% so với cùng kỳ.

 Nguồn: PV tổng hợp.

Tuy vậy khi xét những ngân hàng cụ thể, các khoản thu nhập ngoài lãi lại là những động lực tăng trưởng đột biến của nhiều nhà băng.

Quán quân lợi nhuận quý I là một ví dụ, nhờ ghi nhận khoản thu nhập hơn 7.000 tỷ đồng là phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với AIA, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã vọt lên mức cao kỷ lục trên 11.000 tỷ đồng và vượt mặt "ông lớn" Vietcombank.

Sự trỗi dậy của các ngân hàng nhóm tư nhân còn được thể hiện ở Techcombank, MB khi cả hai ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng lần lượt 23% và 29% chỉ xếp sau Vietcombank và VPBank.

Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh,lợi nhuận của VietinBank lại bất ngờ giảm mạnh 27,8% xuống còn 5.822 tỷ đồng, chuyển từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5. Kết quả này đến từ bước đi thận trọng của VietinBank với nợ xấu, khi tăng chi phí dự phòng rủi ro lên hơn 4.400 tỷ đồng (cao gấp 3,2 lần cùng kỳ). 

Trong khi đó BIDV dù ghi nhận tăng trưởng cao gần 33% nhưng con số lợi nhuận (4.514 tỷ đồng) vẫn kém xa các ngân hàng kể trên.

Theo thống kê của người viết từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại cho thấy lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các nhà băng đạt gần 69.700 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những ngân hàng tăng lợi nhuận bằng lần

Xét về tốc độ tăng trưởng, Eximbank bất ngờ đứng đầu toàn ngành với mức tăng lên tới 278%, đạt 809 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh trong một quý tốt nhất của ngân hàng này trong gần 10 năm trở lại. 

Ngoài VPBank và Eximbank, VietABank là cái tên còn lại trong nhóm có lợi nhuận tăng trưởng bằng lần trong quý I. Nhờ thu từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến, lợi nhuận quý I của VietABank đạt 339 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, Kienlongbank là nhà băng sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất ( giảm 81,9%). Nguyên nhân do trong quý I năm trước, ngân hàng phát sinh khoản thu nhập đột biến từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Sacombank.

(Nguồn: PV tổng hợp).

Lợi nhuận cả năm 2022, đã tốt sẽ còn tốt hơn?

Trong quý I vừa qua, lợi nhuận ngành ngân hàng đã được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng tích cực của nền kinh tế. Cập nhật tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cao hơn cả mức 5,1% trong cả nửa đầu năm ngoái.

Theo số liệu của SSI Research, các ngân hàng tiếp tục nâng tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) thuần từ mức 90% cuối năm 2021 lên 93% vào cuối quý I/2022. Bên cạnh đó, các ngân hàng quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ kho bạc nhà nước (tăng 66.000 tỷ đồng so với đầu năm) và tiền gửi không kỳ hạn cải thiện. Các yếu tố trên đã giúp biên lãi ròng (NIM) của các nhà băng cải thiện so với quý trước.

Với quan điểm lạc quan về tăng trưởng tín dụng cả năm, trong báo cáo chiến lược đầu tư 2022, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng năm nay có thể đạt 21%, cao hơn mức tăng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu.

Thậm chí, ước tính này chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance và/hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, VPBank, MB, và Sacombank.

Chung góc nhìn, Chứng khoán BIDV kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể lên mức 36,4% (tăng từ mức 22,2% trong dự báo trước) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp trong năm 2021.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh.

Trong năm 2022, Moody's tiếp tục tin tưởng hiệu quả kinh doanh của các nhà băng sẽ cải thiện khi tác động từ đại dịch COVID- 19 suy giảm. 

Lê Huy