|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hệ sinh thái đa ngành trong tham vọng 'hàng đầu' của Gami Group

07:13 | 23/06/2021
Chia sẻ
Sở hữu danh mục dự án trải dài từ Gia Lai, Phú Thọ, Thái Nguyên đến Hà Nội, Quảng Ninh,... nhưng Gami Group không chỉ gói gọn trong sân chơi bất động sản.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai vừa công bố thông tin nhà đầu tư đạt yêu cầu năng lực kinh nghiệm thực hiện hai dự án tại địa phương.

Cụ thể, gồm: Khu đô thị sinh thái khu vực miệng núi lửa âm làng Ốp có quy mô gần 35 ha (phường Hoa Lư, TP Pleiku), sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 522 tỷ đồng; Dự án Suối Hội Phú (đoạn 3) từ Khu đô thị Hoa Lư - Phù Đổng đến cầu Ia Sol có quy mô gần 50 ha, sơ bộ tổng mức đầu tư gần 1.162 tỷ đồng.

Có hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện cả hai dự án, đó là: CTCP Gami Hội An; CTCP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS). Sau quá trình đánh giá, FBS là nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu năng lực, kinh nghiệm.

FBS được thành lập vào tháng 3/2001 tại Hà Nội. Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 1/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Hà.

Còn CTCP Gami Hội An (tiền thân là CTCP Đầu tư du lịch và Kinh doanh hội nghị Gami Hội An) được thành lập vào tháng 1/2005, có địa chỉ tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Người đại diện theo pháp luật là ông Đỗ Đức An. Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 9/2018, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Danh sách cổ đông sáng lập của Gami Hội An có sự tham gia góp vốn của Công ty FBS với tỷ lệ 44% vốn điều lệ. Trong đó, FBS là công ty con của Công ty Cổ phần Gami Bất động sản (Gami Land) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gami (Gami Group).

Quỹ đất đáng mơ ước của Gami Group

Sở hữu quỹ đất khủng, doanh nghiệp do Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân sáng lập vẫn lỗ triền miên - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Tuần Châu Marina. (Ảnh: Gami Land).

Gami Group có địa chỉ tại số 11, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, cùng địa điểm với FBS. Đại diện theo pháp luật là bà Tạ Thị Tú Trinh. Bà Trinh hiện đang nắm cổ phần ở một số doanh nghiệp khác như FBS, CTCP Gami Bất động sản (Gami Land), CTCP Gami Thực phẩm, CTCP Đầu tư Thương mại Trung Sơn, CTCP Pizza Ngon.

Thành lập từ năm 1993, Gami Group được biết đến là một nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp này còn là nhà phân phối hàng loạt nhãn hiệu xe nổi tiếng, như: Mercedes-Benz, Mitsubishi, GM, Ford,…

Hiện tại, Gami Group đang hoạt động chính trong ba lĩnh vực: Thương Mại, Bất Động Sản và Tài chính. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Gami Group bước lĩnh vực bất động sản từ năm 2001 và đang sỡ hữu danh mục dự án bất động sản tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Yên, Gia Lai,…

Trong đó, một số dự án đã hoàn thành có thể kể đến như: TTTM Cantavil Building (TP HCM); TTTM, khách sạn và nhà ở biệt thự Đồng Mạ gần 3 ha (Phú Thọ); Khách sạn X2 Vibe quy mô 60 phòng (Phú Thọ); Khu đô thị Trần Hưng Đạo gần 12 ha (Thái Bình) Khu phố mới Hùng Vương hơn 10 ha (Phú Yên); Khu đô thị Hoa Lư - Phù Đồng 16 ha (Gia Lai)...

Theo giới thiệu, Gami Group còn khá nhiều dự án đang, sắp hoặc triển khai. Đơn cử, doanh nghiệp đang triển khai hai dự án tại Hà Nội là Khu đô thị và dịch vụ Tây Quốc Oai có quy mô gần 57 ha; Khu TTTM và Dịch vụ (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Thạch Thất) quy mô gần 2 ha.

Tại Quảng Ninh, doanh nghiệp đang triển khai KĐT Tuần Châu Marina quy mô gần 11 ha. Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp đang triển khai dự án Eco Charm rộng 60 ha,...

Bên cạnh đó còn một số dự án như Green City Ninh Bình (hơn 91 ha), Dự án Tràng An - Ninh Bình (77 ha), Khu dân cư suối Phú Hội tại Gia Lai (gần 50 ha), Khu du lịch sinh thái Miệng Núi Lửa tại Gia Lai (gần 28 ha), Gami Sea Legand Phú Yên (64 ha), Dự án Đầm Ô Loan tại Phú Yên (336 ha),...

Dù có khá nhiều dự án trong danh mục nhưng tập đoàn này vẫn đang cho thấy tham vọng mở rộng quỹ đất.

Tháng 11/2018, Gami Land ngỏ ý muốn được thực hiện nghiên cứu, khảo sát địa hình, lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, lập đồ án quy hoạch và báo cáo nghiên cứu khả thi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch ven biển thuộc địa giới hành chính phường 10 và phường 11, TP Vũng Tàu với diện tích khoảng hơn 108 ha.

Theo thông tin trên website Gami Group, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác cùng các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng và phát triển các dự án bất động sản. Nguồn vốn trung hạn trong giai đoạn 2019 - 2022 kỳ vọng huy động từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, từ các đối tác chiến lược, từ cộng đồng các nhà đầu tư tầm cỡ đạt 300 - 400 triệu USD.

Hệ sinh thái đa ngành

Sở hữu quỹ đất khủng, doanh nghiệp do Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân sáng lập vẫn lỗ triền miên - Ảnh 2.

Sơ phác hệ sinh thái Gami Group. (Đồ họa: Alex Chu).

Nói rõ hơn về hệ sinh thái của Gami Group, năm 2001, doanh nghiệp này thành lập FBS, năm 2007 thành lập CTCP Gami Thương mại (Gami Corp), năm 2008 thành lập Gami Land và năm 2017 thành lập CTCP Gami Themepark.

Năm 2018, thêm một thành viên hợp nhất vào Gami Group, là CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport).

Sở hữu quỹ đất khủng, doanh nghiệp do Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân sáng lập vẫn lỗ triền miên - Ảnh 3.

(Đồ họa: Alex Chu).

Hoạt động đa ngành, sở hữu danh mục dự án bất động sản tiềm năng nhưng công ty mẹ Gami Group không trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh, mà phân chia nguồn lực kinh doanh cho các công ty trong hệ sinh thái.

Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Gami Group chỉ ghi nhận vài tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 500 đến hơn 600 tỷ đồng và nợ vay không đáng kể.

Sở hữu quỹ đất khủng, doanh nghiệp do Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân sáng lập vẫn lỗ triền miên - Ảnh 4.

(Đồ họa: Alex Chu).

Trong số các công ty thành thuộc Gami Group, nổi bật nhất phải kể đến Gami Land. Doanh nghiệp được thành lập năm 2008, tiền thân là khối Gami bất động sản thuộc Gami Group.

Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần và LNST của Gami Land tăng trưởng rõ rệt. Doanh thu thuần tăng mạnh từ gần 13 tỷ đồng vào năm 2016 rồi lên mức 44 tỷ đồng vào năm 2019 đã kéo doanh nghiệp này thoát lỗ.

Cụ thể, Gami Land ghi nhận khoản lỗ hai năm liên tiếp vào giai đoạn 2016 - 2017. Sang giai đoạn 2018 - 2019, LNST ghi nhận lần lượt 7,4 và 8,4 tỷ đồng.

Trong khi tổng tài sản tăng mạnh từ 572 tỷ đồng cuối năm 2016 lên 1.338 tỷ đồng cuối năm 2019 thì nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng ghi nhận tăng rõ rệt. Tại thời điểm cuối năm 2019, nợ của Gami Land ở mức 989 tỷ đồng, trong khi năm 2016, con số này là 218 tỷ đồng.

Sở hữu quỹ đất khủng, doanh nghiệp do Chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân sáng lập vẫn lỗ triền miên - Ảnh 5.

(Đồ họa: Alex Chu).

Trong khi đó, một công ty khác liên quan là Gami Hội An - đơn vị đầu tư Dự án Gami Hội An tại Cồn Nổi, còn gọi là Cồn Bắp tại phường Cẩm Nam, Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho triển khai vào năm 2004 với tổng diện tích khoảng 11,3ha, gồm các phân khu chức năng như trung tâm hội nghị, nhà hàng, khu thương mại dịch vụ, khu resort...

Quy mô tổng nguồn vốn của Gami Hội An đã tăng mạnh trong vài năm gần đây, đạt 2.834 tỷ đồng cuối năm 2019, gấp 37 lần so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng đáng kể.

Cũng trong năm 2019, doanh nghiệp này thông báo đã huy động được 300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, kỳ hạn 15 tháng với lãi suất 10,45%/năm. Đơn vị bảo lãnh thanh toán và quản lý tài khoản thanh toán chuyên dùng là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). 

Công Tâm