Giảm lãi suất là con dao hai lưỡi ở thời điểm hiện tại?
Giảm lãi suất cho vay là một trong những đề xuất mà các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng được hệ thống ngân hàng hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Và nhìn chung, dường như người đi vay nào cũng mong muốn mình có được chi phí vay rẻ để tiết giảm chi phí hoạt động.
Tuy nhiên giảm lãi suất liệu có dễ dàng như vậy và đây có thực sự là một phương án tốt cho tất cả trong bối cảnh hiện nay?
Giảm lãi suất khiến dòng vốn rút khỏi Việt Nam
Nhìn từ phía nhà điều hành chính sách, một điều dễ nhận thấy là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải đứng trước bài toán khó với các quyết định về lãi suất.
Giảm lãi suất điều hành sẽ góp phần làm giảm lãi suất cho vay hay chi phí vốn cho các doanh nghiệp nhưng trong bối cảnh lãi suất tại nhiều nước trên thế giới vẫn đang nằm ở mặt bằng cao nhằm kiềm chế lạm phát, nếu như NHNN muốn duy trì lãi suất thấp thì buộc phải chấp nhận dòng tiền sẽ bị rút ròng ra khỏi Việt Nam.
"Khi đồng USD mạnh lên hoặc xu hướng mạnh lên thì các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền về thị trường chính quốc, các thị trường phát triển. Ngoài ra, khi gặp các căng thẳng chính trị, các yếu tố bất định thì các nhà đầu tư thường giảm thiểu rủi ro bằng cách rút ra khỏi thị trường cận biên hoặc mới nổi”, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, nhận định.
Đó là những gì mà chúng ta đã trải qua trong năm 2022, khi đồng USD tăng giá quá nhanh và mạnh, kéo theo dòng vốn có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, có độ rủi ro cao.
NHNN đã phải sử dụng cả hai công cụ quan trọng nhất trong điều tiết tỷ giá là dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất để giảm áp lực lên tỷ giá, đồng thời sẵn sàng chấp nhận việc VND mất giá.
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty phân tích dữ liệu WiGroup, nếu mức độ rút ròng không quá mạnh và gấp gáp thì với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào như cuối năm 2021, NHNN có thể can thiệp nhanh chóng.
"Tuy nhiên trong năm 2022, Fed tăng lãi suất quá nhanh, đồng USD mạnh vượt xa kỳ vọng của thị trường đã gây ra những bất ngờ và ảnh hướng quá lớn, chỉ dựa vào duy nhất yếu tố dự trữ ngoại hối không thể cân đối được trong lúc này. Do đó, NHNN bắt buộc phải chấp nhận tăng lãi suất để giảm thiểu áp lực rút ròng ngoại tệ", CEO Wigroup phân tích.
Kết quả cho sự điều hành linh hoạt đó là VND được đánh giá là một trong số đồng tiền ổn định nhất trong bối cảnh USD tăng liên tục kể từ đầu năm 2022. Tại thời điểm đầu tháng 10, đồng tiền của các nước trên toàn cầu mất giá khoảng 18% so với USD, trong khi đó VND chỉ mất khoảng 4%.
Trong năm 2022, VND có thời điểm mất giá 7-8% so với cuối năm 2021 nhưng đến ngày giao dịch cuối cùng của năm, tiền đồng chỉ còn mất giá 3,53%, bằng một nửa so với hai tháng trước đó.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù theo ước tính mới đây của VNDirect, NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ đầu năm nhưng số dư hiện tại cũng ở ngang ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu), không còn nhiều dư địa cho việc bán ra ngoại tệ để kìm đã tăng của tỷ giá.
"Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự kiến đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng giá trị nhập khẩu. Tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng từ 23.400 đến 23.800 trong năm 2023", VNDirect dự báo.
Theo nhận định trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank (MBKE), các chuyên gia phân tích cho rằng áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong nửa đầu năm 2023 trước khi thoái lui hoàn toàn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của Fed còn lâu mới kết thúc, chỉ số CPI tương đối ổn định trong hầu hết các công bố gần đây chỉ giúp giảm bớt lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh hơn nữa vào năm 2023.
"Với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, nhu cầu bổ sung dự trữ ngoại hối của NHNN và áp lực lạm phát cao hơn trong năm nay, chúng tôi không loại trừ khả năng lãi suất điều hành của NHNN tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa", MBKE nhận định.
Các điều kiện để giảm lãi suất
Chia sẻ tại. Toạ đàm "FiinGroup Invest Summit: Điểm sáng Đầu tư năm 2023", Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay việc giảm lãi suất hay không phụ thuộc nhiều vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và xu hướng lạm phát của Việt Nam trong những tháng tới.
Ông cho rằng NHNN sẽ chỉ hành động khi nào có tín hiệu phát ra và nguy cơ tăng lãi suất từ bên ngoài xuống mức thấp nhất. Nếu lạm phát tháng 2 và tháng 3 giảm rõ rệt thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng lãi suất có xu hướng giảm.
"Nếu lạm phát không hạ xuống, lãi suất sẽ giữ ở mức cao. Đây là rủi ro lớn nhất trong năm 2023", ông Thế Anh đánh giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý diễn biến của dự trữ ngoại hối bởi vì sau hơn một năm bán ra để giữ giá VND, cơ quan quản lý đang muốn tích trữ ngoại hối trở lại.
"Hiện mặt bằng lãi suất đang giữ ở mức tương đối cao, không loại trừ khả năng nhà điều hành đang muốn giữ điều kiện này để thuận lợi hơn trong việc hút ngoại tệ. Lãi suất tiền Việt ở mức cao thì việc mua vào ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn", ông Thế Anh cho hay.
Theo ông, trong những tháng tới, khi NHNN hoàn thành việc tích trữ ngoại hối thì có thể kỳ vọng điều kiện của thị trường tiền tệ sẽ dễ dàng hơn. Dự trữ ngoại tệ dồi dào thì NHNN sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất tiền đồng.
Việc giảm lãi suất và giải ngân vốn ra thị trường cũng phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh cân đối vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại.
Theo khảo sát của người viết, tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) cuối năm 2022 tại nhiều hầu hết ngân hàng tầm trung trở lên đều tăng cao và vượt 95%. Theo nhận định từ FiinGroup, điều này đang hạn chế khả năng đẩy mạnh hoạt động cho vay ở nhiều ngân hàng cho dù có thêm hạn mức tín dụng từ NHNN.
Các chuyên gia phân tích của Fiin Group cho rằng tình trạng này xuất phát từ thực trạng dòng tiền bị tắc nghẽn ở lĩnh vực bất động sản, làm cho vòng quay tiền chậm lại và huy động tiền gửi ở hệ thống ngân hàng tăng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022.
Tuy vậy, việc NHNN sửa cách tính tỷ lệ LDR (Thông tư 26) áp dụng trong năm 2023 được cho là sẽ góp phần hỗ trợ thanh khoản của thị trường về trung và dài hạn.Theo đó, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Tỷ lệ này sẽ được khấu trừ theo lộ trình giảm dần.
CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng việc hơn 150.000 tỷ đồng, xấp xỉ50% tiền gửi KBNN có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý IV/2022), được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống và phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Thông tư này sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ KBNN như Vietcombank, BIDV và VietinBank.