Doanh nghiệp trả mặt bằng dồn dập ở Đà Nẵng, nhiều nơi để trống gần hai năm
The Coffee House (bên phải ảnh) và Hnoss (bên trái ảnh) đã đóng cửa hàng tại TP Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).
Ghi nhận của người viết, từ tháng 3 đến nay, đặc biệt là thời điểm dịch lần thứ 4 bùng phát lại khiến cho hàng loạt doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, liên tục trả mặt bằng kinh doanh tại Đà Nẵng.
Cụ thể, The Coffee House đã đóng hai cửa hàng tại TP Đà Nẵng ở số 435 Lê Duẩn (quận Thanh Khê) và 80 Pasteur (quận Hải Châu). Như vậy tại Đà Nẵng, doanh nghiệp chỉ còn ba cửa hàng tại đường Núi Thành, Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Chí Thanh.
Hnoss – thương hiệu thời trang của CTCP Hnoss (trụ sở TP HCM) có một cửa hàng duy nhất ở vị trí đắc địa đường Lê Duẩn (quận Thanh Khê) cũng đã quyết định đóng cửa không còn kinh doanh tại Đà Nẵng.
Thời gian qua, nhiều người đi qua đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) cũng bất ngờ nhận ra, cửa hàng King Coffee thuộc hệ thống King Coffee mở trên tuyến đường đắt đỏ nhất nhì Đà Nẵng đã đóng cửa từ bao giờ.
Hiện nay, theo quan sát của người viết, một cửa hàng King Coffee ở đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) còn hoạt động.
Những cửa hàng đã đóng cửa kể trên chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm cửa hàng F&B, thời trang không còn kinh doanh trên các tuyến đường có chi phí thuê đắt đỏ ở Đà Nẵng.
Anh Quý Hà, môi giới cho thuê mặt bằng tại Đà Nẵng chia sẻ, nhiều năm làm nghề anh chưa bao giờ chứng kiến việc doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thời trang, ẩm thực trả mặt bằng dồn dập như trong đợt dịch lần thứ 4.
"Có mặt bằng mới thuê được nửa tháng, người kinh doanh còn chưa kịp thiết kế, trang trí để mở cửa thì dịch ập đến. Họ chờ đợi được thêm một tháng, thấy dịch quá nên gửi lại tìm người khác sang mặt bằng. Họ chấp nhận lỗ nhưng tôi kiếm người khác lấp vào mãi không ra", anh Quý Hà kể.
Cũng theo môi giới này, cá nhân anh nhận 12 mặt bằng của chủ gửi tìm người thuê từ tháng 5 đến nay. Trước đó, có 6 mặt bằng chủ gửi từ tháng 8-9/2020 đến nay nhưng anh Quý Hà vẫn không tìm ra người thuê. Anh Quý Hà cho biết, có nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng đang được gửi 25-30 mặt bằng tìm người cho thuê tại trung tâm và ven biển.
Theo ghi nhận của người viết, tình trạng treo bảng cho thuê mặt bằng đã lâu nhưng không có người thuê diễn ra rất nhiều. Cụ thể, có 6 mặt bằng trên đường Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh (quận Sơn Trà) treo bảng thông tin cho thuê khoảng 18-20 tháng qua nhưng vẫn bỏ trống.
Tại đường Lê Duẩn, hai mặt bằng treo bảng đã 8 tháng nhưng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Còn tại đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn) có hai mặt bằng cũng bỏ trống 10 tháng,…
Anh Quý Hà chia sẻ: "Người thuê trả mặt bằng dồn dập hoặc mặt bằng ký gửi nhiều nhưng khó kiếm ra được người thuê vì việc kinh doanh hiện đang rất khó khăn. Họ không thể kinh doanh khi có dịch trong khi chi phí này quá lớn, lợi nhuận giảm. Thời gian qua, chủ các mặt bằng cũng có nhiều biện pháp như giảm thời gian ký hợp đồng thuê, giảm giá cho thuê đến 50% để mong tìm được đối tác, hoặc chia sẻ với người đang thuê giữ hợp đồng đang có".
Báo cáo của Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh COVID-19 quay trở lại từ đầu tháng 5, kéo dài và phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Nhiều biện pháp cấp bách được thành phố quán triệt, triển khai trên toàn địa bàn.
"Cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, những biện pháp hạn chế dẫn đến đóng cửa tạm thời một số doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nhằm hướng đến mục tiêu kìm hãm sự lây lan dịch bệnh khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm mạnh. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng diễn ra trong bối cảnh khó khăn của khâu vận chuyển cùng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, làm chi phí đầu vào tăng mạnh", Cục Thống kê thông tin.
Cũng theo Cục Thống kê, nền kinh tế Đà Nẵng gần như đóng băng trong quý III, tăng trưởng giảm sâu. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 ước giảm 13,57% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 19,05% so với quý trước.