|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp BĐS nườm nượp về Thanh Hóa đầu tư

13:57 | 20/09/2021
Chia sẻ
Sau giai đoạn sốt đất chung hồi đầu năm, thời gian gần đây Thanh Hóa thu hút nhiều doanh nghiệp đổ về nghiên cứu, đầu tư các dự án. Hiện địa phương dẫn đầu FDI khu vực miền Trung đang và có kế hoạch đầu tư hạ tầng nhằm thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Doanh nghiệp BĐS nườm nượp về Thanh Hóa đầu tư - Ảnh 1.

Một góc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Sóng đầu tư BĐS đổ về Thanh Hóa

Thời gian gần đây, Thanh Hóa thu hút và đón nhận làn sóng đầu tư dự án từ nhiều doanh nghiệp. Trong đó, CTCP Phát triển Sunshine Homes (Mã: SSH) đã đổ bộ vàođịa phương này với dự án đầu tiên là Sunshine Capital Thanh Hóa có quy mô 40 ha, nằm ở phía Nam bờ sông Mã và ngay giao lộ kết nối giữa TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa.

Tập đoàn T&T cũng vừa tổ chức khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn. Dự án có quy mô 84,8 ha, tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn T&T cũng đề nghị được tài trợ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Đông Cương tại TP Thanh Hóa và nghiên cứu lập quy hoạch một số dự án như ở Khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ, thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP Thanh Hoá hơn 4.000 ha, khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc TP Thanh Hoá 320 ha.

Hay như CTCP Tập đoàn BĐS Hưng Thịnh đã đề nghị tài trợ khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân.

Gần đây nhất, Tập đoàn Sun Group tài trợ quy hoạch Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp gần 100 ha tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Khu dân cư và tái định cư thôn Đồng Lườn, xã Xuân Thái với quy mô 12 ha.

Trước đó, Sun Group đã triển khai nhiều dự án tại Thanh Hóa như Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh (hơn 16.000 ha); Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (hơn 1.260 ha); Khu đô thị Đông Nam 1.500 ha,...

CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM), một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh An Giang cũng tham gia đầu tư tại Thanh Hóa với dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) có quy mô hơn 70 ha.

Nói về lý do chọn Thanh Hóa làm cứ điểm nghiên cứu đầu tư, Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản niêm yết từng chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 rằng: "Doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng địa bàn đầu tư BĐS, trong đó Thanh Hóa là một trong những địa bàn chiến lược do địa phương này có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông tốt, dân số đông, nhu cầu về nhà và dịch vụ du lịch đều rất lớn,...".

Hàng trăm triệu USD đầu tư hạ tầng, thu hút các "đại bàng"

Tỉnh Thanh Hóa xác định đầu tư hạ tầng giao thông rất quan trọng và là một trong nhiều ưu thế để thu hút đầu tư. Địa phương đang và dự kiến triển khai 29 dự án giao thông có sử dụng ngân sách tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 16.479 tỷ đồng.

Trong đó, một số dự án như đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn (hơn 1.479 tỷ đồng); đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn (giai đoạn 1, 1.479 tỷ đồng); dự án Đại lộ Đông – Tây TP Thanh Hóa (hơn 1.283 tỷ đồng),... dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Riêng tuyến đường từ TP Thanh Hóa đến Cảng hàng không Thọ Xuân có tổng mức đầu tư 3.567 tỷ đồng, chiều dài gần 35 km hiện đã dần hình thành. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp việc di chuyển từ TP Thanh Hóa tới sân bay Thọ Xuân để đến Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc,… và ngược lại nhanh chóng.

Đường nối TP Thanh Hoá đi sân bay Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân) dài gần 35 km, do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thanh Hoá làm chủ đầu tư. Toàn tuyến có tổng vốn đầu tư 3.567 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Sau khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện và đồng bộ sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà thời gian qua các tập đoàn đa quốc gia cũng chọn Thanh Hóa làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất. Trong đó, Tập đoàn Foxconn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa để xúc tiến đầu tư xây nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD.

Một đơn vị đến từ Thái Lan là Công ty WHA Industrial Development PCL tham gia tài trợ lập quy hoạch Khu công nghiệp Phú Quý với quy mô hơn 733 ha tại huyện Hoằng Hóa,...

Trong 8 tháng đầu năm nay, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu FDI toàn khu vực miền Trung với 164 dự án, tổng vốn đăng ký 14,57 tỷ USD và chiếm 24% tổng vốn đăng ký của khu vực.

Nhu cầu nhà ở lớn, Thanh Hóa kêu gọi đấu giá, đầu tư nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng

Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có hai lần phê duyệt và điều chỉnh danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 với khoảng 1.143 dự án và tổng quy mô 900 ha. Theo ước tính của địa phương, tổng số tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật trên 11.700 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều dự án nhà ở quy mô lớn như: Khu dân cư mới phía Đông đường Lam Sơn giai đoạn 1 (thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, 10 ha); khu dân cư trung tâm xã Hà Lai (xã Hà Lai, huyện Hà Trung, 14 ha); khu dân cư trung tâm thùng đấu ao gạo (xã Hà Bình, huyện Hà Trung, 18,4 ha ); khu dân cư thôn Kim Hưng và Kim Phát (xã Hà Đông, huyện Hà Trung, 15 ha),...

Trong chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu quỹ đất phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8.534 ha; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 3.825 ha.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tại Thanh Hóa sẽ xây dựng gần 194.000 căn nhà với nguồn vốn hơn 149.000 tỷ đồng. Tiếp đó trong giai đoạn 2026 - 2030, tại địa phương sẽ xây dựng khoảng 225.604 căn nhà với nguồn vốn hơn 223.000 tỷ đồng.

Để thu hút đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý lập quy hoạch 1/500 loạt khu dân cư, đô thị như: Khu đô thị mới Yến Sơn (huyện Hà Trung, 102 ha); khu đô thị mới Sunrise City Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa, khoảng 48 ha); khu đô thị mới Đông Cương khoảng (TP Thanh Hóa, 44 ha); khu dân cư và tái định cư khu phố Vân Thành (thị trấn Bến Sung, 30 ha),…

Bên cạnh đó, địa phương cũng cho phép lập quy hoạch nhiều dự án nghỉ dưỡng như: Phân khu Khu du lịch thác Yên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, 165 ha), Khu du lịch thác Voi (huyện Thạch Thành, 200 ha).

Thanh Hóa có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội

Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cũng vừa được tỉnh phê duyệt với diện tích hơn 10.292 ha và tổng mức đầu tư hơn 1.115 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn dự kiến kêu gọi từ doanh nghiệp khoảng 898 tỷ đồng.

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ bổ sung 19 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 5.921 ha.

Tại phiên họp vào sáng ngày 16/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: "Thanh Hóa có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai; có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển".

Hiện Trung ương đang xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đưa Thanh Hóa phát triển, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. Dự kiến Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp vào tháng 10 tới đây.

Trước khi các doanh nghiệp BĐS trên đổ bộ, giá đất nhiều nơi ở Thanh Hóa vẫn còn thấp. Tuy nhiên theo khảo sát của Hội môi giới BĐS Việt Nam kể từ đầu tháng 3/2021, giá đất nền tại đây đã tăng với mạnh, mức tăng trung bình 50 - 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá và được nhiều người tìm mua.

Còn giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động trong khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với bảng giá đất.

Trong giai đoạn sốt đất hồi đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã liên tục ra các văn bản chấn chỉnh tình trạng thổi giá gây sốt ảo. Thông tin vào giữa tháng 5, UBND tỉnh cho biết sốt đất ảo trên địa bàn đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.


Chu Lai