|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Điểm sáng kinh tế Hải Phòng chuẩn bị đầu tư loạt dự án nhà ở, hạ tầng quy mô hàng nghìn tỷ đồng

18:23 | 05/09/2021
Chia sẻ
HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết đồng ý chủ trương đầu tư loạt dự án nhà ở, thiết chế văn hóa và hạ tầng quy mô lớn như dự án Đầu tư xây dựng khu chung cư Vạn Mỹ hơn 2.718 tỷ đồng; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.785 tỷ đồng; đường Vành đai 2 hơn 7.439 tỷ đồng,...
Hải Phòng đầu tư loạt dự án nhà ở, hạ tầng quy mô 10 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Một góc TP Hải Phòng hiện nay. (Ảnh: TTXVN).

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng đ­ược xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), là Trung tâm kinh tế - khoa học - kĩ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

TP Hải Phòng thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp chọn làm cứ điểm để đầu tư các dự án BĐS quy mô lớn. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) làm Khu đô thị Cầu Rào 2 (18,9 ha), khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (261,5 ha); Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cát Bà, giai đoạn 1 khoảng 5.000 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex đầu tư dự án Cát Bà Amatina (172,3 ha),...

Ngoài ra, tại TP Hải Phòng có 50 vị trí dự kiến thực hiện các dự án có nhà ở hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 32 dự án đã có chủ đầu tư và 18 dự án chưa có chủ đầu tư. Trong đó, dự kiến sẽ hoàn thiện khoảng 14.155 căn hộ, tương ứng với 2,5 triệu m2 sàn.

Một số dự án tiêu biểu như khu đô thị phức hợp quận Dương Kinh (1.100 ha); khu đô thị Tràng Cát (266 ha); khu đô thị sinh thái Costal City (hơn 69 ha); khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Hải Phòng (67,6 ha),...

Mới đây, HĐND TP Hải Phòng cũng đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng khu chung cư Vạn Mỹ hơn 2.718 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng vào quý IV/2025.

Theo đó, dự án với mục tiêu tạo ra các khu nhà ở mới đảm bảo chất lượng, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người dân, đồng thời tạo quỹ đất để xây dựng vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, cải tạo bộ mặt kiến trúc của đô thị theo hướng văn minh, hiện đại,...

Tại dự án sẽ xây dựng hai tòa chung cư VM 1 và VM 2 cao 36 tầng, mỗi tòa có công suất thiết kế khoảng 924 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 157.543 m2.

Bên cạnh việc đầu tư nhà ở mới, HĐND TP Hải Phòng cũng ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên) từ nguồn vốn ngân sách.

Theo đó, Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố với quy mô một tầng hầm và các tầng nổi với tổng diện tích sàn khoảng 89.000 m2; xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật xung quanh trên diện tích khoảng 9,8 ha. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.252 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2020 - 2025.

Trong khi đó, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố có quy mô đầu tư khoảng 1.500 chỗ ngồi, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4,2 ha và 12,4 ha là hệ thống hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư khoảng 1.785 tỷ đồng. Dự án dự kiến quý IV/2025 đưa vào vận hành.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng cũng đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại khu vực chợ Sắt (quận Kiến An).

Dự án có chiều cao 40 tầng nổi, hai tầng hầm. Chiều cao từ mặt sân tới sàn mái 146 m. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 6.000 tỷ đồng. Diện tích khu đất thực hiện dự án hơn 1,5 ha, chưa giải phóng mặt bằng.

Về hạ tầng giao thông, HĐND TP Hải Phòng cũng đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án Đường Vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - Bùi Viện (quận Hải An, Dương Kinh và Kiến An) với chiều dài 10,6 km, vốn đầu tư hơn 7.439 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 theo hợp đồng BOT (huyện Thủy Nguyên TP Hải Phòng và thị xã Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư gần 1.335 tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn có dự án xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 (xã An Đồng, huyện An Dương); dự án cầu vượt sông Hóa và tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Điểm sáng kinh tế Hải Phòng - thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất hiện không giãn cách xã hội

Theo Cục Thống kê TP Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2020; cao gấp 2,3 lần tăng trưởng của cả nước (cả nước GDP tăng 5,64%).

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 59.969,5 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,63% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 8/2021, IIP tăng 9,08% so với tháng trước và tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 99.539,7 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 8 tháng ước đạt 93,2 triệu tấn, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020,...

Về thu hút FDI, trong 8 tháng, Hải Phòng đã cấp mới 43 dự án với tổng số vốn 363 triệu USD, 49 dự án đăng ký tăng vốn với quy mô tăng thêm đạt gần 1,1 tỷ USD.

Mới đây nhất, ngày 31/8, tại trụ sở Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng của doanh nghiệp này lên 4,65 tỷ USD.

Chu Lai

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.