Điểm nhấn FDI 2024: Hàng loạt tập đoàn FDI hứa hẹn đầu tư vào Việt Nam
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế chậm lại, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút được hơn 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, vốn thực hiện cũng đạt hơn 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và là mức thực hiện cao nhất từ trước đến nay.
Đối với năm nay, tính đến hết 11 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký tăng dù chỉ nhẹ 1%, đạt 31,38 tỷ USD nhưng cũng là kết quả rất tích cực từ mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái, tăng tới 14,8%. Vốn FDI giải ngân cũng ổn định đạt 21,68 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, vốn FDI đăng ký vào bất động sản và xây dựng tiếp tục tăng mạnh với tỷ lệ lần lượt là 89,1% và 126,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi FDI đăng ký vào ngành sản xuất và chế biến giảm 8,7% cho thấy thị trường bất động sản đang hồi phục trở lại.
Trong 11 tháng đầu năm, hàng loạt ông lớn FDI đã đầu tư vào Việt Nam như: Tập đoàn công nghệ Amkor đầu tư 1,07 tỷ USD, Tập đoàn LG đầu tư 1 tỷ USD, Tập đoàn Hyosung đầu tư 700 triệu USD vào Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol), Tập đoàn Talway đầu tư 700 triệu USD, Capital Land đầu tư 661 triệu USD, Foxconn đầu tư 551 triệu USD vào Dự án về sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh,...
Hứa hẹn đầu tư vào Việt Nam
Không dừng lại ở đó, trong năm 2024 đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và hứa hẹn sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Nổi bật trong số đó là việc Chủ tịch Nvidia trở lại Việt Nam vào tháng 12 vừa qua và chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam, bằng việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. Nvidia cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Vingroup.
Khi được hỏi về lý do Nvidia mở hai trung tâm mới tại Việt Nam, CEO Jensen Huang nhấn mạnh Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó 'siêu năng lực' lớn nhất chính là giá trị gia đình và sự coi trọng giáo dục. "Người Việt Nam có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là toán học và khoa học. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới - một thực tế mà rất ít người biết đến, ông Jensen Huang nói.
Ngoài Nvidia, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor cho thấy chiến lược thu hút FDI trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đã mang lại hiệu quả.
2024 cũng là một năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Từ ngày 18−21/3/2024, đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có gồm hơn 50 công ty Mỹ hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như SpaceX, Netflix và Boeing đã đến Việt Nam và đạt được nhiều thoả thuận đầu tư.
Cụ thể, SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, đồng thời 15 công ty Mỹ, bao gồm cả các công ty bán dẫn cho biết sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Không chỉ thu hút sự chú ý từ bên kia bán cầu, các doanh nghiệp Hàn Quốc - đối tác quen thuộc của Việt Nam cũng công bố hàng loạt kế hoạch mở rộng trong năm nay như: Hyosung (Hàn Quốc) đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 2 tỷ USD; Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam.
Ngay trong tháng 5, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Display ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, Hyundai Motor, Lotte, Doosan Enerbility, Hyosung cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Trong làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào chip bán dẫn từ Trung Quốc và Đài Loan, nhiều công ty bán dẫn của EU đang tìm kiếm đối tác thay thế ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam và Ấn Độ là hai ứng cử viên tiềm năng.
Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào VSIP hay ông lớn Google cũng xác nhận mở công ty Google Việt Nam.
Ngoài ra, nhờ nỗ lực ngoại giao kinh tế của Chính phủ, liên tiếp các thoả thuận đầu tư đã được xác lập sau những chuyến công du. Trong đó, tập đoàn Adani (Ấn Độ) có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD hay tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Arab Saudi mong muốn tìm hiểu thị trường và tiến hành đầu tư xây dựng các nhà máy lọc hoá dầu tại Việt Nam,...
Việt Nam tiếp tục là điểm đến FDI
Khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tại báo cáo vĩ mô tháng 11/2024, các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá rằng, sức hấp dẫn của Việt Nam được thúc đẩy bởi các động lực dài hạn về lợi thế về chi phí và nguồn lao động dồi dào, chính sách khuyến khích môi trường đầu tư, tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang tiếp tục thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư đặc biệt cho các dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D và công nghệ cao. Mới đây, Chính phủ đã đưa ra Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số tiếp tục ưu đãi cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút dự án đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và sẽ sớm được Chính phủ ban hành trong tháng 12/2024. Sau khi ban hành, các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển sẽ được hỗ trợ chi phí.
"Đặc biệt, yếu tố được dự báo sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn lớn là xu hướng chuyển dịch đầu tư khi ông Trump đắc cử", chuyên gia Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB Việt Nam nhận định.
Xu hướng rút đầu tư khỏi Trung Quốc và tìm một quốc gia khác sẽ gia tăng trong vòng vài ba năm tới trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ giúp đầu tư FDI vào Việt Nam tiếp tục hưởng lợi.
Bên cạnh xu hướng chung, Việt Nam có những yếu tố nội tại để thu hút đầu tư nước ngoài ví dụ như chính sách tương đối nhất quán về thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh đang cải thiện, vĩ mô ổn định,...
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đạt ngưỡng hơi gây áp lực lên hạ tầng trong nước, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, bến cảng, đường xá. Đồng thời, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Xu hướng chung là vẫn có cơ hội trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn, nhưng để làm tốt hơn nữa thì việc tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực là những yếu tố mà chuyên gia khuyến nghị cần nếu muốn duy trì lợi thế và nắm bắt tốt hơn cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.