|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Petrolimex: Lợi nhuận trước thuế 5 tháng ước đạt hơn 1.300 tỷ, dự kiến thoái vốn PG Bank nửa đầu quý IV theo hình thức đấu giá công khai

10:00 | 08/06/2022
Chia sẻ
Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Trần Ngọc Năm, Uỷ viên HĐQT cho biết 5 tháng đầu năm Petrolimex đã đạt 48,4% kế hoạch sản lượng và khoảng 44% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Sáng nay (8/6), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tính tới 8h30, buổi họp có sự tham dự của 313 cổ đông, đại diện cho 91,66% cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện tiến hành. Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

 Toàn cảnh đại hội sáng 8/6. (Ảnh chụp màn hình).

Năm 2022, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 186.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.060 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% về doanh thu và giảm 19% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2021.

Về chỉ tiêu công ty mẹ, kế hoạch doanh thu là 133.000 tỷ, tăng 20% song lợi nhuận trước thuế lại chỉ bằng 99% của năm ngoái, ước tính đạt 1.860 tỷ đồng.

 

 Nguồn: H.K tổng hợp.

Kết thúc quý I, doanh nghiệp đạt 67.044 tỷ đồng doanh thu và 571 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 75% và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 36% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau ba tháng. 

Doanh nghiệp dự kiến sản lượng xăng dầu xuất bán năm nay đạt hơn 12,1 triệu tấn, gần như đi ngang so với năm trước.

Tập đoàn nhận định năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, ngay trong những tháng đầu năm, thế giới đã chứng kiến những cú “sốc” về giá dầu, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát. Ở trong nước, nguồn cung xăng dầu của các nhà máy lọc dầu chưa ổn định, đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tạo nguồn, tổ chức sản xuất kinh doanh ngành hàng chủ lực, cốt lõi của tập đoàn.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Petrolimex dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 tối thiểu là 12% và cổ tức năm 2021 cũng được đề xuất là 12% bằng tiền. Như vậy, với 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp phải chi gần 1.525 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho năm 2021. 

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên).

Trong năm nay, tập đoàn dự kiến tiếp tục triển khai việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng tại PG Bank; rà soát, tiếp tục thực hiện việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành và các đơn vị thành viên để thu hồi vốn đầu tư cho tập đoàn trong các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả và/hoặc không nằm trong định hướng phát triển, nắm giữ vốn của tập đoàn.

Đáng chú ý, tại đại hội, tập đoàn đã đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản cụ thể là:  Cho thuê nhà, đất không phải để ở như văn phòng, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà xưởng sản xuất, khu triển lãm, nhà kho... 

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Uỷ viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cho biết tập đoàn sẽ cho doanh nghiệp thành viên thuê văn phòng tại trụ sở số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

Thảo luận:

Tình kinh doanh 5 tháng đầu năm?

Ông Trần Ngọc Năm, Uỷ viên HĐQT cho biết 5 tháng đầu năm, sản lượng bán xăng dầu đạt khoảng xấp xỉ 5,9 triệu m3 và bằng 48,4% so với kế hoạch. So với tiến độ 5 tháng đã vượt tiến độ.

Việc tăng sản lượng trong 5 tháng đầu năm trong bối cảnh tình hình xăng dầu trong nước rất khó khăn, biến động giá xăng dầu trên thế giới cao. Trên thị trường có rất nhiều thông tin liên quan tới việc chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ban ngành về tổ chức bán hàng. Petrolimex là một trong những doanh nghiệp chủ chốt trong kinh doanh hạ nguồn phải thực hiện, gánh vác theo các chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Năm ước tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 1.340 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, thực hiện 44% kế hoạch. 

Các hoạt động Eneos đang thực hiện hoặc nghiên cứu cùng Petrolimex? Eneos có kế hoạch thực hiện hoạt động gì với tập đoàn và dự kiến sẽ đẩy mạnh mảng nào của Petrolimex trong tương lai?

Ông Ken Kimura, thành viên HĐQT: Kể từ sau khi đầu tư vào Petrolimex năm 2016, với tư cách là đối tác chiến lược, Eneos đã đề xuất một loạt các chiến lược kinh doanh, phương án đẩy mạnh hiệu quả công tác tạo nguồn, logistics (vận tải biển, vận tải thuỷ), nâng cao hiệu quả kênh bán lẻ.

Trong tương lai, ngoài việc triển khai các dịch vụ mới và nâng cao hiệu suất của mảng kinh doanh chính thì hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu tham gia và lĩnh vực năng lượng mới và phát triển nền tảng dữ liệu cho tập đoàn. 

Eneos và Petrolimex đều là các doanh nghiệp mạnh về xăng dầu, tuy nhiên sẽ vẫn phải chạy theo xu hướng trung hoà carbon của thế giới. Tập đoàn Eneos đang thực hiện phương án khử carbon trong quá trình cung ứng năng lượng và hi vọng có cơ hội đóng góp các kinh nghiệm cùng tập đoàn nhằm giảm thiểu carbon ở Việt Nam.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác điều hành, quản trị kinh doanh ở tập đoàn đã thực hiện ra sao? Tình hình triển khai thanh toán không tiền mặt cho các cửa hàng trên toàn quốc?

Ông Trần Ngọc Năm: Chủ trương chuyển đổi số là một chủ trương lớn, mang lại ý nghĩa thiết thực, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, mang tính chất hệ thống cao. Đồng thời trên cơ sở đầu tư hệ thống thông tin, tự động hoá và giảm thiểu thời gian xử lý công việc.

Ông Năm đánh giá đây là một chủ trương mang tính pháp lý, có căn cứ tổ chức thực hiện. Trên cơ sở này, tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thành viên thành lập ban triển khai chuyển đổi số, đã xin ý kiến các cấp để thuê các đơn vị có kinh nghiệm vừa đảm bảo tiến độ và chất lượng. Ông nhấn mạnh chuyển đổi số không làm theo tính chất hình thức.

Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, ông cho biết đây là một chủ trương của nhà nước, văn hoá dùng tiền mặt của người Việt thời gian qua rất khó có thể thay đổi. Tuy nhiên xét về mặt tương lai, xu thế, Việt Nam sẽ dần dần thay thế thành các hình thức dùng thẻ, là công cụ thuận tiện cho người tiêu dùng. 

Sau khi triển khai diện rộng, tập đoàn sẽ đánh giá về tổ chức thực hiện, thành lập đường dây nóng để đón nhận các ý kiến của người tiêu dùng nhắm đưa tới các sản phẩm tốt nhất, hiện đại nhất.

Ngoài nguồn nhập sản phẩm xăng dầu từ hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, tập đoàn còn nhập khẩu xăng dầu. Vậy tỷ lệ nhập khẩu và mua nội địa là bao nhiêu?

Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc cho biết tỷ lệ nhập khẩu của tập đoàn trong cơ cấu tạo nguồn đối với các năm 2021 trở về trước chiếm khoảng 30% còn 70% là nguồn trong nước. Tuy nhiên từ năm 2022, với diễn biến phức tạp cua thị trường xăng dầu, đặc biệt là sự cố của nhà máy Nghi Sơn không thể đảm bảo nguồn cung ứng cho Petrolimex thì tỷ lệ nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 46%, nguồn trong nước là 54%.

Thời gian tới, tình hình của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn diễn biến phức tạp, chưa đảm bảo nguồn cung ổn định nên tập đoàn sẽ dự phòng các phương án để tối ưu hoá lợi ích cho tập đoàn.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại Petrolimex và tiến độ triển khai thoái vốn của tập đoàn tại PG Bank?

Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT giải đáp, căn cứ theo quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Petrolimex thuộc nhóm đối tượng sẽ sắp xếp giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 65% trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở hướng dẫn mới đây của Thủ tướng với quyết định số 360 ngày 17/3/2021 về cơ cấu lại các DNNN giai đoạn 2021 - 2025, tập đoàn sẽ sớm xây dựng phương án và báo cáo lại chủ sở hữu doanh nghiệp. Ông Thanh dự kiến sẽ giảm sở hữu nhà nước tại Petrolimex xuống dưới 65%theo chủ trương của Chính phủ.

Với việc thoái vốn PG Bank, tập đoàn đã báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ bản đã được chấp thuận về chủ trương. Hiện nay tập đoàn đang tiển khai hoàn tất các thủ tục nội nộ, làm việc với các đơn vị tư vấn, làm việc với các cơ quan chuyên ngành (Ngân hàng nhà nước, UBCKNN). Ngay khi có chấp thuận, tập đoàn sẽ triển khai thoái vốn theo đấu giá công khai trên thị trường, dự kiến nửa đầu quý IV/2022 sẽ thoái vốn tại PG Bank. 

Cách tính giá cơ sở xăng dầu mới áp dụng từ năm 2022 ảnh hưởng ra sao tới Petrolimex?

Ông Trần Ngọc Năm chia sẻ theo Nghị định 95 có hiệu lực từ 2/1/2022 trên cơ sở sửa đổi bổ sung Nghị định 83. Trước đây trong công thức tính gia cơ sở sẽ căn cứ vào giá thế giới với chu kỳ 15 ngày. Sang nghị định 95 được rút ngắn lại với chu kỳ ấn định vào ngày mùng 1, 11,21, trừ trường hợp trùng vào ngày nghỉ lễ sẽ lùi sang ngày sau đó hoặc nghỉ Tết Nguyên đán cũng đã được quy định trong Nghị định 95.

Với quy định rút ngắn thời gian, không riêng gì Petrolimex, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đều mong muốn khi chu kỳ tính giá đã sát hơn, phản ánh tình hình biến động thị trường thế giới. Đây là một điều thuận lợi cho các thương nhân xăng dầu cũng như tốt cho người tiêu dùng.

Sự cố nhà máy Nghi Sơn ảnh hưởng ra sao tới tập đoàn?

Ông Trần Ngọc Năm cho biết sự cố của nhà máy lọc dầu trong nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xăng dầu. Có những mặt hàng mua trong nước với tỷ lệ rất cao, nếu hai nhà máy trong nước hoạt động ổn định thì tập đoàn sẽ mua tới 100% sản phẩm diosel mức II. Tỷ lệ 30-40% phải nhập khẩu chủ yếu do hai nhà máy lọc dầu trong nước chưa sản xuất được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Euro mức V. Hay 100% với mặt hàng FO hai nhà máy trong nước cũng chưa sản xuất được.

Sự cố xảy ra khiến tập đoàn bị động trong việc tìm nguồn thay thế do liên quan tới vấn đề giá, nguồn cung.

Nếu sự cố xảy ra trong thời gian ngắn mức độ ảnh hưởng ít, thời gian dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch tạo nguồn của tập đoàn.

Biên lợi nhuận quý I tại sao lại giảm mạnh và có thể phục hồi trong các quý tới không?

Ông Trần Ngọc Năm giải trình sau kỳ nghỉ Tết, tình hình sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm nguồn cung của các thương nhân trong đó có Petrolimex bị ảnh hưởng đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động cao.

Đáng lẽ, Petrolimex mua nguồn theo giá đã được kí kết thì phải mua bằng giá spot. Điều này dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh gây thâm hụt lãi gộp. 

Sau những tác động đó, kết quả kinh doanh 5 tháng đã có chiều hướng tích cực, khi có báo cáo tài chính 6 tháng, ông Năm cho rằng biên lợi nhuận sẽ có cải thiện hơn.

Nguồn cung xăng dầu trong nước quý II và 6 tháng cuối năm ra sao, liệu có xảy ra tình trạng thiếu hụt như quý I?

Ông Trần Ngọc Năm nhận định đối với nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn tương đối ổn định còn đối với nhà máy Nghi Sơn ngoài sự cố kỹ thuật thì còn liên quan tới tình hình tài chính. Nhà máy Nghi Sơn thì phía Việt Nam chỉ tham gia 25% vốn còn lại là đối tác nước ngoài, trong điều kiện kỹ thuật đảm bảo thì tài chính vẫn là một vấn đề đến hiện tại vẫn chưa rõ ràng. 

Petrolimex mới nhận được thông tin từ phía Nghi Sơn sẽ đảm bảo nguồn hàng tới tháng 6 còn những tháng tiếp theo trong năm thì sẽ cần theo dõi thêm. Do đó tập đoàn phải lên các kế hoạch tạo nguồn thay thế. 

Hoàng Kiều