|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ HDBank: Kết quả kinh doanh quý I khả quan, chưa có kế hoạch ký hợp đồng banca độc quyền

13:59 | 26/04/2022
Chia sẻ
Thu nhập từ mảng thu dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ với đóng góp chủ yếu từ mảng bancassurance. Chất lượng tài sản cải thiện, nợ xấu riêng lẻ chưa tới 0,8%.

 Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm phát biểu khai mạc đại hội. (Ảnh chụp màn hình).

Chiều nay (26/4), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 với nhiều kế hoạch quan trọng được đệ trình và xin ý kiến cổ đông.

Trong đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 440.439 tỷ đồng, tương đương tăng 18% so với năm trước. Tổng huy động và dự nợ tăng lần lượt 17% và 20%, đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng.

HDBank cũng đề ra mục tiêu ROE và ROA năm 2022 đạt lần lượt 22,2% và 1,92%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.  

 Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của HDBank. (Nguồn: HDBank).

Phát biểu tại đại hội, Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh cho biết trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 8.070 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và hoàn thành 111% kế hoạch đề ra. 

Tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 374.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, cơ cấu tài sản tiếp tục cấu trúc theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản sinh lời chiếm gần 90% quy mô tổng tài sản. 

Tổng dư nợ tín dụng đạt 213.424 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2020 và nằm trong định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu là 1,65% (riêng ngân hàng mẹ là 1,26%), nằm trong nhóm các ngân hàng thấp nhất ngành.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng hoàn thành phát hành 165 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư IFC, DEG và Quỹ đầu tư quốc tế LeapFrog Investments. Đồng thời hoàn thành việc chia cổ tức 25% và nâng vốn điều lệ từ 16.088 tỷ đồng lên 20.073 tỷ đồng.

Một số thành tựu nổi bật khác trong năm 2021 của ngân hàng gồm triển khai đưa hai mảng bancassurance, thẻ tín dụng vào đường đua thứ hàng Top 5 thị trường, triển khai thành công các dự án chuyển đổi số, triển khai phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên,...

Tăng vốn thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành 

Về phương án tăng vốn điều lệ, trong năm 2022, ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành.

 Phó Chủ tịch HĐQT Lưu Đức Khánh đọc phương án tăng vốn điều lệ  . (Ảnh chụp màn hình). 

Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, ông Lưu Đức Khánh cho biết ngân hàng dự kiến phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021. Tỷ lệ phân phối cổ phiếu trả cổ tức là 25%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm.

HĐQT cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ ngày phát hành. 

Phía ngân hàng cho biết tại ĐHĐCĐ ngày 23/4/2021, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP, tuy nhiên trong năm 2021, ngân hàng mới chỉ hoàn tất phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình này.

Sau khi hoàn tất cả hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ nâng lên mức 25.503 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay trung dài hạn (4.000 tỷ đồng). Phần còn lại dùng để bổ sung vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng. 

Bà Lê Thị Băng Tâm rời HĐQT ngân hàng

Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm cho biết hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ trình cổ đông thông qua danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 với 7 thành viên trong đó có hai thành viên độc lập và 4 thành viên Ban Kiểm soát (BKS). HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ kết thúc sau ĐHĐCĐ 2022.  

Đánh chú ý, danh sách dự kiến bầu nhiệm kỳ 2022- 2027 lần này không có sự góp mặt của bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank nhiệm kỳ hiện tại. Điều này cho thấy khả năng "ghế nóng" của HDBank sẽ đổi chủ. 

 HĐQT kết thúc nhiệm kỳ 2017-2022. (Ảnh chụp màn hình).

HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2022-2027 bao gồm 7 thành viên: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (hiện là Phó Chủ tịch thường trực), ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Kim Byoungho (TV độc lập) và ông Lê Mạnh Dũng (TV độc lập).

Đặc biệt, danh sách nhân sự HĐQT xuất hiện hai gương mặt mới là ông Kim Byoungho là Cố vấn cấp cao IFC, Thành viên HĐQT độc lập của SK Inc (Hàn Quốc) và ông Lê Mạnh Dũng là Trưởng đại diện DEG Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft mbH tại Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết bà Lê Thị Băng Tâm dù không còn góp mặt trong HĐQT ngân hàng, song sẽ tiếp tục chủ trì ban cố vấn để đồng hành cùng chiến lược phát triển của HDBank trong thời gian tới.

  HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2022-2027. (Ảnh chụp màn hình).

Phần thảo luận:

Cổ đông: Ngân hàng có thể khái quát kết quả kinh doanh quý I/2022?

Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh: Với đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, kết quả kinh doanh của HDBank trong quý I hết sức khả quan. Theo đó, tăng trưởng tín dụng đạt 9,7% trong tổng số room tín dụng NHNN cấp. Vốn huy động từ thị trường 1 tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn ngành là 8,1% so với cuối năm 2021.

Chất lượng tài sản cải thiện, nợ xấu riêng lẻ chưa tới 0,8%. Tỷ lệ an toàn vốn là gần 14,2%. ROE trên 25%. Thu nhập từ mảng thu dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ với đóng góp chủ yếu từ mảng bancassurance (đứng Top 5 thị trường).

Cổ đông: HDBank là một trong số ít ngân hàng chưa ký hợp đồng độc quyền bancassurance. Ngân hàng sẽ chọn thời điểm nào để ký với giá trị mong muốn như thế nào? Mảng bảo hiểm đóng vai trò gì trong hoạt động của HDBank?

Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh: HDBank vừa khởi động lại hoạt động banca từ cuối năm 2020 và tăng trường liên tục trong năm 2021. Trong 6 tháng gần đây, ngân hàng liên tục cải thiện vị trí trên thị trường và là ngân hàng duy nhất đứng trong Top đầu của thị trường mà chưa ký hợp đồng độc quyền nào.

Điều này cho thấy sự hấp dẫn của mảng kinh doanh banca của HDBank và ngân hàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng mà chưa cần tới sự hỗ trợ độc quyền của các đối tác bảo hiểm.

Cổ đông và HĐQT sẽ cân nhắc thời điểm và đối tác phù hợp trong tương lai, còn hiện nay vẫn chưa cần hợp đồng độc quyền do còn dư địa để phát triển. Trong năm nay, ngân hàng hướng tới vị trí thứ 4 hoặc thứ 3 tại thị trường này.

Với mảng phi nhân thọ, hiện nay HDBank có đối tác chọn lựa, đặc biệt là Công ty Bảo hiểm SCI được chọn làm đối tác toàn diện của ngân hàng.

Mặc dù mảng bảo hiểm phi nhân thọ đóng góp chưa nhiều so với nhân thọ, tuy nhiên những đối tác này làm hoàn thiện sản phẩm trao cho khách hàng liên quan đến bảo hiểm bảo vệ tài sản, an toàn sức khoẻ, giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm này trên nền tảng số hóa, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của HDBank.

Tôi tin đóng góp của mảng bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt trong các khoản bảo hiểm sức khoẻ, du lịch,… càng ngày càng gia tăng tỷ lệ trong đóng góp doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn tới. 

Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Phương Thảo: HDBank chỉ mới tham gia vào thị trường banca nhân thọ nhưng ngân hàng đã nằm trong nhóm các NHTM dẫn đầu về doanh số hợp tác bảo hiểm. Việc ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyển có khả năng mang lại cho ngân hàng khoản phí trả trước lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Còn mảng phi nhân thọ HDBank đang có định hướng tới mảng phi nhân thọ digital - InsurTech.

Cổ đông: Kế hoạch tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi sắp tới như thế nào? HDBank đã phát hành trái phiếu quốc tế với số lượng lớn, lợi ích cụ thể là gì? Các nhà đầu tư có kế hoạch cụ thể nào cho HDBank hay không?

Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Đặng:  HDBank luôn chú trọng việc chuẩn bị nguồn vốn cho nhu cầu phát triển, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Nguồn vốn cấp 1 trong những năm qua của ngân hàng tăng cao 20-25% từ lợi nhuận giữ lại không chia cũng như tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức.

Đối với vốn chủ sở hữu cấp 2, trong năm 2020 và 2021, HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu quốc tế cho các định chế tài chính lớn uy tín trên thế giới như IFC, DEG (Đức), Affinity Equity Partners và Leap Frog Investments.

Các đợt phát hành này giúp ngân hàng tăng mạnh vốn cấp 2. Nâng hệ số CAR từ 12,1% vào cuối 2020 lên 14,3% vào năm 2021. Đây là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của HDBank trong thời gian tới.

Ngoài việc phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nay, hiện nay có 2 đơn vị tham gia có thành viên giám sát cùng HĐQT HDBank hỗ trợ hoạt động kinh doanh thường xuyên của ngân hàng. 

Với uy tín trên thị trường quốc tế trong việc phát hành trái phiếu chuyển đổi vừa qua, HĐQT sẽ cân nhắc lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế có quan tâm trong thời gian tới và báo cáo cổ đông trong cuộc họp gần nhất.

Cổ đông: Trái phiếu doanh nghiệp được quan tâm và vận hành ra sao trong hệ thống của HDBank? Chiếm tỷ trọng bao nhiêu?

Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Phương Thảo: Đối với HDBank, việc triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến việc cấp tín dụng và các quy định của NHNN, Uỷ ban Chứng khoán.

Trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng trên 4% tổng dư nợ ngân hàng. Điều này không có nghĩa ngân hàng sợ hãi mảng này trước biến động của thị trường trong thời gian gần đây. HDBank vẫn đang ở vùng an toàn và trong tương lai đây sẽ là mảng còn dư địa phát triển tại thị trường Việt Nam.

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

Phương Nga

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.