Cổ phiếu tăng lầm lũi, triển vọng nhóm doanh nghiệp đầu tư công ra sao?
Sóng cổ phiếu đầu tư công
Trên thị trường chứng khoán, cuối năm 2022, khi Chính phủ xác định thúc đẩy các dự án hạ tầng, nhóm đầu tư công được nhiều công ty chứng khoán nhận định là kênh trú ẩn an toàn và có nhiều triển vọng.
Tính từ mức đáy ở thời điểm tháng 11/2022 cho đến đầu năm nay, nhiều cổ phiếu nhóm đầu tư công đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà thị trường chứng khoán phục hồi từ mức đáy.
Còn từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu này cho thấy một sự bứt phá hơn so với thị trường. Trong khi VNIndex tăng khoảng 6% thì nhiều cổ phiếu xây dựng hạ tầng lại cho thấy sự tăng trưởng vượt trội về giá như mã LCG của Lizen tăng đến 71%; FCN của Fecon tăng 53% hay HHV của Xây dựng Hạ tầng Đèo Cả tăng 37%.
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng ở đầu năm, từ tháng 2 đến tháng 4 cổ phiếu nhóm đầu tư công cho thấy một sự đi ngang về giá và chỉ vừa bắt đầu "nổi sóng" trở lại trong những ngày đầu tháng 5.
Mục tiêu giải ngân đầu tư công còn nhiều thách thức
Năm 2023, trong bối cảnh xấu khẩu, động lực tăng trưởng quan trọng trong nhiều năm qua, giảm tốc cũng như môi trường sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là điểm tựa cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Với mục tiêu đó, kế hoạch vốn dành cho đầu tư công năm nay đề ra mức cao kỷ lục, hơn 700.000 tỷ đồng. Nếu tính cả đầu tư từ gói kích thích kinh tế thì con số này lên đến 792.000 tỷ đồng.
Song, theo thống kê của BSC, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong hai năm gần nhất tương đối thấp, ở mức 84-85%. Nếu tính từ năm 2016 đến nay, nhìn chung tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch có xu hướng giảm dù con số tuyệt đối có sự tăng trưởng.
Điều này một phần đến từ mức tăng trưởng trong kế hoạch đầu tư, nhưng cũng phản ánh việc chưa phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Ba tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách ước đạt 9,69% so với kế hoạch, tương đương 73.192 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm ngoái tốc độ giải ngân đạt 11%.
Nguyên nhân là bởi các đơn vị mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải (GT-VT) khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Mặc dù, thông thường tốc độ giải ngân ở quý I không cao, nhưng nếu không sớm tăng tốc, mục tiêu giải ngân được 95% kế hoạch vốn của Chính phủ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác để tiến hành kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ những khó khăn nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư công. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách ước đạt 177.040 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và bằng 25,5% kế hoạch năm 2023.
Theo BSC thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong quý II sẽ là khung sườn hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2023-2025.
Chính phủ đang cho thấy nỗ lực đáng kể trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Từ ngày 30/4, hai tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã chính thức thông xe, hoàn thành đúng kế hoạch, đặt tiền đề làm động lực để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công.
Do đó, BSC kỳ vọng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng các chính sách tháo gỡ vướng mắc về phát triển hạ tầng như biến động giá; thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng; khó khăn trong đền bù và giải phóng mặt bằng sẽ giúp cho tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong năm nay đạt khoảng 80-90% kế hoạch đề ra, tăng 10-20% so với cùng kỳ. Từ đó tạo ra lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
Doanh nghiệp xây lắp: Hai mảng sáng - tối
Với kế hoạch vốn đầu tư công cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp và vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp và mang lại những kết quả tích cực về kinh doanh trong năm nay. Đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia các dự án lớn như Cao tốc Bắc – Nam (sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026) hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh bất động sản dân dụng vẫn đang cho thấy sự trì trệ. Nhiều dự án phải dời, thay đổi kế hoạch thi công thì khối lượng công việc lớn từ các dự án hạ tầng được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cho nguồn lao động trong ngành.
Quý I, đa phần các công ty xây lắm tham gia các dự án đầu tư công có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, song chỉ tiêu lợi nhuận của nhiều đơn vị lại cho thấy dấu hiệu đi lùi. Tổng doanh thu của cả 9 doanh nghiệp được thống kê đã tăng hơn 5% so với cùng kỳ trong khi tổng lợi nhuận ròng lại giảm 88%.
Tuy nhiên, tăng trưởng âm về mặt lợi nhuận chủ yếu là do không còn ghi nhận doanh thu tài chính lớn như trong quý I/2022. Ví dụ, hai doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận ròng lớn nhất là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) và CTCP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII). Sự sụt giảm mạnh chủ yếu đến từ việc không còn ghi nhận phần lãi đầu tư vào công ty con như cùng kỳ lần lượt của Vinaconex là 598 tỷ đồng và CII là 776 tỷ đồng.
Song, nếu loại bỏ khoản này thì lãi ròng quý I của Vinaconex vẫn giảm đến 90% so với cùng kỳ, trong khi CII thì chuyển từ lỗ sang có lãi.
Hai doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao so với cùng kỳ nhưng tiếp tục lỗ ròng là Tổng Công ty 36 – CTCP (Mã: G36) và CTCP Fecon (Mã: FCN) , bởi chi phí lãi vay cao đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí lãi vay của Tổng Công ty 36 chiếm đến 80% lợi nhuận gộp, còn của Fecon là 54%.
Lợi nhuận nhóm xây dựng giảm sút một phần còn đến từ sụt giảm của biên lãi gộp. Các công ty như Hạ tầng Đèo Cả, Lizen hay Đạt Phương ghi nhận biên lãi gộp giảm khoảng 10 điểm % so với cùng kỳ. Trong khi đó, “cá biệt”, biên lãi gộp của Tổng Công ty 36 giảm 16 điểm %.
Thực tế, bức tranh doanh thu và lợi nhuận đi ngược chiều có lẽ đã được các doanh nghiệp dự báo trước. Bởi nhiều công ty đã cho thấy xu hướng này trong kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong 9 doanh nghiệp lớn, thường xuyên tham gia các dự án hạ tầng, đầu tư công có 8 công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu nhưng 5 trong số đó lại có kế hoạch lợi nhuận đi lùi.
Theo Chứng khoán VNDirect, hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ vào giá trị backlog lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Tuy nhiên, về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, đã có sự phân hóa giữa các công ty trong ngành. Trong đó, Cienco4 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Còn Vinaconex và Lizen lại lần lượt có kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 860 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, giảm 8% và 23% so với cùng kỳ, chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần như trong năm trước.
Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của hai công ty này vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, VNDirect lưu ý rằng các công ty xây dựng hạ tầng thường xuyên không hoàn thành kế hoạch năm trong giai đoạn 2020-2022.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính, khả năng thi công và huy động thiết bị hợp lý sẽ quyết định khả năng sinh lời tại các dự án đầu tư công của từng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), có nhiều rào cản và khó khăn đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư công.
"Song, trong bối cảnh hiện nay, nếu không làm thì doanh nghiệp sẽ không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động. Do đó, nhà thầu biết lỗ nhưng chấp nhận để hy vọng ngày mai tìm được công trình khác để bù đắp", ông Hiệp nói.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của Vinaconex hồi tháng 4, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Giá trị đầu tư công rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của Tổng Công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận về đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 2-3%”.
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn bấp bênh
Ngoài những doanh nghiệp xây lắp, đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian này, đặc biệt là với các công trình lớn như cao tốc Bắc – Nam cũng như các tuyến cao tốc nối trục Đông – Tây, cũng được nhận định tác động tích cực lên nhóm vật liệu xây dựng như đất đắp, cát, đá hay nhựa đường,…
Theo nhận định của chứng khoán VNDirect hồi đầu năm nay, các công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ đầu năm 2023 nhờ các dự án chuyển tiếp từ thời gian trước.
Hiện nay, trên sàn chứng khoán chỉ có một công ty trong lĩnh vực này là Tổng Công ty hoá dầu Petrolimex – CTCP (Mã: PLC), với thị phần trong nước giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 30%.
Giai đoạn 2014-2015, doanh thu công ty này cũng từng hưởng lợi từ sóng đầu tư công và sụt giảm khoảng 50% ở giai đoạn 2016-2019 khi đầu tư ông giảm.
Tuy nhiên quý I/2023, Hoá dầu Petrolimex có doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 1.968 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng gấp đôi cùng với chi phí bán hàng gây sức ép khiến lợi nhuận ròng công ty giảm hơn 19%, còn 33 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia từ Chứng khoán SSI hồi đầu năm nay, nhu cầu cao nhưng nguồn cung đá xây dựng vẫn tiếp tục hạn chế trong thời gian tới do quy hoạch mỏ đá xây dựng giai đoạn 2021-2025 mới chưa hoàn thành và giá bồi thường đất tại các khu vực khai thác đá tăng.
Song, đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đang có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề nguồn cung vật liệu cho các chủ đầu tư tại các dự án trọng điểm.
Bên cạnh vấn đề nguồn cung, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Do đó, hầu hết các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án.
Sau quý I, các công ty sở hữu các mỏ lớn tại khu vực phía Nam gồm CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB); CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (Mã: CTI) hay CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) đều cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận đều đi lùi.
Còn các doanh nghiệp thép thì được nhận định nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng sẽ được bù đắp một phần nhờ tăng đầu tư công.
Theo SSI Research, kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong những quý tới giúp tổng nhu cầu thép trong nước sẽ chỉ giảm 3% so với cùng kỳ trong năm 2023. Sau hai quý kém khả quan ở cuối năm ngoái, quý I, các công ty sản xuất thép lớn trên sàn đang có dấu hiệu kinh doanh tốt trở lại.
Song, trong thời gian tới, theo nhận định của VBSC áp lực của giảm giá của thép vẫn còn lớn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/