Bàn chuyện phục hồi kinh tế: Ngủ đông nhưng máu vẫn phải chảy!
Theo tôi điều tốt nhất cho kinh tế lúc này là quên nó đi, đừng bàn về phục hồi nó. Chỉ cần bàn ba chuyện: dân sinh, an sinh xã hội; duy trì không làm đứt gãy chuỗi cung ứng; điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn tránh lây lan dịch bệnh.
Đảm bảo tránh lây lan
Tránh lây lan là mục đích, 5K là các biện pháp chống lây nhiễm. Các quyết định, giải pháp cần được cân nhắc đánh giá khả năng lây lan một cách khoa học chứ không cảm tính nhất là khi liên quan dân sinh và chuỗi cung ứng.
Khoa học có nguyên tắc, nếu không chứng minh sự vượt trội của cái mới thì hãy giữ cái cũ. Bài học kinh nghiệm các nước bị bùng dịch có nhiều để ta Copy&Paste không cần nghĩ ra "cái xe đạp".
Bất kỳ hoạt động nào không gây lây nhiễm: ngồi trong xe ô tô, khu vực có vách ngăn cách ly, cách xa nhau trên 2m không gian trống… đều nên được chấp nhận.
Đảm bảo an sinh xã hội
Đảm bảo san sinh xã hội là điều bắt buộc làm và phải làm bằng mọi giá. Doanh nghiệp có thể ngủ đông 6 - 12 tháng. Nhưng người dân không thể nhịn ăn uống quá một ngày.
Nhà nước nên chi tiền cho tất cả những người không còn thu nhập đang đói khát đảm bảo mức tối thiểu. Thà chi thừa còn hơn bỏ sót. Không thể vì mấy người cá biệt mà để nhiều người chịu khổ!
Không có an sinh xã hội thì chả có nền kinh tế nào tồn tại.
Đảm bảo chuỗi cung ứng: Ngủ đông nhưng máu vẫn phải chảy
Đảm bảo chuỗi cung ứng là cách tốt nhất đảm bảo an sinh xã hội và duy trì nền tảng tăng trưởng kinh tế: ngủ đông nhưng máu vẫn phải chảy! Hậu cần quyết định mọi cuộc chiến.
Chuỗi cung ứng là mạng lưới kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các nhà cung cấp của họ và hệ thống phân phối để cung cấp hàng hoá dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng. Nó có cấu trúc chồng chéo, vận hành rất phức tạp, được hình thành và phát triển suốt một thời gian dài.
Chuỗi cung ứng với nền kinh tế như như hệ thống mạch máu với cơ thể. Nó rất nhạy cảm: làm đứt gãy chỉ ở một khâu là đủ làm hỏng cả chuỗi. Đứt gãy nó thì lâu dài kinh tế khó hồi phục.
Do vậy thay thế nó cần hết sức cẩn trọng và thực hiện trong thời gian ngắn là không khả thi.
Tôi thấy nhiều người bàn về phục hồi hoạt động kinh tế nhưng lại ủng hộ các biện pháp bẻ gãy hay bóp nghẹt chuỗi cung ứng. Chả khác gì đứng lên ống thở bàn chuyện chữa bệnh hô hấp.
Ông Lý Xuân Hải
Thời gian qua, liên quan duy trì chuỗi cung ứng, phát sinh một loạt các câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà mãi vẫn cứ lơ lửng:
1. Ngăn sông cấm chợ vận tải hàng hoá giữa các tỉnh, thành phố?
Mỗi chuyện lưu thông hàng hoá liên tỉnh bằng xe tải mỗi tỉnh thành một chính sách: Nơi thì đòi hỏi test hết nhanh đến PCR. Chỗ thì bảo phải gỡ hàng chuyển xe. Chốn thì dựng luôn hàng rào chặn lại.
Thủ tướng chỉ đạo: "Xe chở hàng hoá cứ cho đi, tài xế ngồi trên xe là được". Cũng không ăn thua! Có cảm giác mỗi địa phương từ cấp khu phố trở lên có thể trở thành pháo đài không chỉ chống Covid mà là quốc gia độc lập. Đây chính là lý do tỉnh này thừa lương thực còn thành phố bên cạnh lại thiếu ăn hay giá lên trên trời.
Cách làm này nguy hiểm cả về kinh tế lẫn quản trị. Nó cắt nát chuỗi cung ứng, hạ thấp hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia. Chúng ta cần có một Bộ tổng chỉ huy, một Chính sách, một Đầu mối phân bổ nguồn lực để chống dịch: Chính phủ.
Không ai được tự ý ngăn cản lưu thông hàng hoá.
Thay vào đó yêu cầu mỗi tỉnh, thành bố trí các điểm tập kết (kiểu chợ đầu mối) đón nhận hàng hóa các nơi mang về. Sau đó sử dụng hệ thống xe tải địa phương chuyển về các chợ, các điểm bán lẻ.
Tất nhiên phải đảm bảo 5K bằng cách yêu cầu tất cả các tài xế chỉ ngồi trên xe hay đeo khẩu trang, chống giọt bắn đứng cách 2-3m khi hạ, dỡ hàng.
2. Câu chuyện shipper
Chuyện các shipper hết bị cấm lại được cho làm. Cho làm lại đưa các điều kiện đánh đố hay tốn kém không cần thiết. Có vẻ như sợ shipper lây lan?
Vấn đề là cần trả lời hai câu hỏi:
- Có thống kê hay chứng cứ khoa học nào chứng minh shipper là nguồn lây nhiễm nguy hiểm không? Hay chỉ là phỏng đoán?
- Có thống kê hay chứng cứ khoa học nào về việc lưu thông trên đường gây lây nhiễm không? Khoảng cách nào? Phương tiện nào? (Theo tôi biết di chuyển trên đường đủ xa không gây lây lan. Chỉ tụ tập nói chuyện, giao tiếp gần mới lây).
Nếu có thì không bàn. Nhưng nếu không thì nên mạnh dạn tiêm vắc xin cho shipper để họ hoạt động trở lại và không tạo rào cản nữa.
Thực tế tại các quốc gia chống dịch khá tốt như Trung Quốc và Singapore lực lượng shipper thực hiện chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất vận chuyển hàng hoá từ các điểm bán lẻ đến người tiêu dùng. Phải nói may mắn là trong thời gian Covid chúng ta có lực lượng shipper công nghệ.
Vấn đề chỉ là 5K.
Để tránh giao tiếp, tại mỗi chung cư, mỗi khu dân cư nên có điểm giao nhận do một vài người thực hiện.
Nơi tôi ở từ ngày đầu dịch tất cả các shipper giao bằng cách đặt hàng lên một chiếc bàn, thanh toán chuyển khoản. Các anh bảo vệ đứng xa nhận, khi shipper đi thì xịt cồn lên các túi hàng rồi gọi chủ hàng xuống.
Làm thế thì sao lây được?
3. Hệ thống bán lẻ: ai làm ai nghỉ?
Tôi cho rằng việc chỉ cho các siêu thị, vốn chỉ đáp ứng 30% sức mua, được bán hàng là không phù hợp. Hãy đế tất cả các cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tất nhiên với yêu cầu đảm bảo 5K.
Ví dụ như yêu cầu dải chắn và màng nhựa che người mua người bán hay bố trí chợ ngoài đường như Myanmar áp dụng. Hãy ứng xử và yêu cầu với tiểu thương như với nhân viên siêu thị. Nhân viên siêu thị đi làm khác gì người tiểu thương đi bán hàng ngoài chợ? Mỗi khu vực bố trí lịch đi chợ giãn xa, kể cả 1-2 tuần/lần.
Hiện nay hệ thống siêu thị chưa thể thay thế hoàn toàn tiệm tạo hoá và chợ.
Tất nhiên hậu Covid hành vi người mua sẽ thay đổi và các tiểu thương bán chợ, các cửa hàng gi đình, các chợ đầu mối… sẽ phải thay đổi cách bán hàng nếu muốn tồn tại. Nhưng đó là do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ cần tạo điều kiện.
Đây là câu chuyện khác và dài. Sẽ bàn riêng.
4. Sử dụng quân đội, công an đi giao hàng: quá phí nguồn lực
Hãy để shipper đi giao hàng. Lực lượng quân đội và công an tập trung giám sát tuân thủ 5K tại các điểm nóng: chợ và chợ đầu mối, siêu thị, các điểm giao nhận của shipper, đảm bảo an ninh… và vận chuyển những loại hàng hoá đặc biệt.
5. Minh bạch và tính dự báo của chính sách?
Tình trạng thiếu hàng hoá cục bộ và tăng giá vô lý vẫn diễn ra trước mỗi lần nâng cấp dãn cách xã hội. Cần có các định hướng định tính có thể dự báo được cho từng khu vực từ cấp phường trở lên theo tỷ lệ nhiễm/ dân số.
6. Hàng hoá thiết yếu là gì?
Định nghĩa hàng hoá thiết yếu đã thành chuyện cười ra nước mắt: hết bánh mỳ, băng vệ sinh, gas và đến cả bình oxy.
Hỏi người cấm: nếu người thân của họ đang ngáp vì cần oxy, họ sẽ nghĩ gì nếu có người bảo oxy không là hàng thiết yếu?
Theo tôi tất cả hàng hoá được phép lưu thông, mua bán và nguyên phụ liệu đều là thiết yếu. Bởi chúng nằm trong chuỗi cung ứng chung đã nói ở trên. Chặn một thứ là chặn nguyên chuỗi cung ứng.
Gạo là thiết yếu. Thế thóc giống có thiết yếu không? Máy cày có thiết yếu không? Thợ sửa hay lái máy cày có thiết yếu không? Thuốc trừ sâu có thiết yếu không? Hệ thống tưới tiêu có thiết yếu không? Phân bón có thiết yếu không?
Tất thảy đều thiết yếu hết!
Lý Xuân Hải - Chủ tịch Bao Loc Silk, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu
Bài viết được dẫn lại theo sự đồng ý của tác giả (một số chỗ có biên tập lại cho phù hợp văn phong báo chí).