|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu ngân hàng trên báo cáo là phần nổi của tảng băng chìm, tiềm ẩn rủi ro trong năm 2021

13:30 | 07/01/2021
Chia sẻ
Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong năm 2020 trước ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của thực trạng, ông dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021.
Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 1.

Năm 2020, COVID-19 đã trở thành nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế và làm thay đổi sâu sắc bức tranh nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh giảm sút, thiếu hụt dòng tiền đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, kéo theo nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vốn duy trì dưới ngưỡng 2% từ năm 2017 đã có xu hướng tăng và vượt ngưỡng 2% (tính đến cuối tháng 10). Tỷ lệ nợ xấu  tính cả nợ bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn nợ xấu ở mức khoảng 4,36%.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2020 của 25 ngân hàng khảo sát (có công bố thông tin nợ xấu) cho thấy tổng số dư nợ xấu đến thời điểm cuối tháng 9 đã tăng 30,5% so với cuối năm trước với gần 110.750 tỷ đồng.

Có tới 21/25 nhà băng ghi nhận nợ xấu tăng, thậm chí, có tổ chức tăng gấp 5 lần con số cuối năm 2019. Chỉ một số ít còn lại có số dư nợ xấu giảm.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 2.

Những con số nợ xấu công bố của các ngân hàng trên thực tế vẫn chưa phản ánh được hết thực trạng nợ xấu do ảnh hưởng từ Thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại và được giữ nguyên nhóm nợ.

Theo số liệu mới nhất vào cuối tháng 12, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nợ xấu trên sổ sách hiện tại không tiêu biểu cho tình hình nợ xấu thực tế vì Thông tư 01 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại và không chuyển nhóm nợ.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 3.

Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty chứng khoán VCBS, dư nợ tái cơ cấu tại các ngân hàng đang ghi nhận sự phục hồi tốt. Trong quí III, nhiều ngân hàng không ghi nhận sự gia tăng của dư nợ tái cơ cấu. Một phần khách hàng tái cơ cấu theo Thông tư 01 đã có dòng tiền và thực hiện trả lãi trở lại sau khi được giãn thời hạn trả lãi ở thời điểm quí II/2020.

Chuyên gia của VCBS dự báo sau khi thông tư trên hết hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm %  và có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 4.

Tính đến cuối tháng 9, BIDV tiếp tục giữ vị trí "quán quân" về nợ xấu với 22.526 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước. Hai "ông lớn" khác là VietinBank và Vietcombank đứng lần lượt ở ví trí thứ hai và thứ tư với quy mô nợ xấu là 18.048 (tăng gần 67%) và 7.885 tỷ đồng (tăng gần 36%)

Ở vị trí thứ ba, đồng thời cũng là ngân hàng tư nhân có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý III thuộc về VPBank với 10.147 tỷ đồng (tăng 15,3%).

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 5.

Nguồn: Lê Huy tổng hợp - Đồ họa: Đức Bùi.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 5.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch và vượt ngưỡng 3,0% do NHNN đặt ra vào năm 2021.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 6.

 Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cùng chung nhận định cho rằng rủi ro về nợ xấu vẫn là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ: "Dưới tác động từ COVID tăng trưởng tín dụng tương đối thấp, tiềm ẩn nợ xấu đã và đang tăng lên. Nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% cuối năm 2020 và nợ xấu còn có thể tăng hơn nữa trong năm 2021 (từ 3,5 đến 4 điểm %) do tác động của nền kinh tế tới ngân hàng có độ trễ".

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 7.

Thông tư 01, chính sách được cho là ra đúng thời điểm và là tấm phao cứu hộ cho các ngân hàng trong giai đoạn ảnh hưởng từ dịch COVID-19 sẽ không kéo dài mãi. Đây chỉ là chính sách tạm thời phù hợp với từng diễn biến của nền kinh tế.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ... vẫn có thể chịu ảnh hưởng. "Trong điều kiện như vậy, nợ xấu tại hệ thống ngân hàng vẫn có thể tiếp tục tăng", bà nói.

Thống đốc cho biết NHNN sẽ thực hiện sửa đổi Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để nợ xấu không bị quá sốc với nền kinh tế.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng năm 2020: Phần nổi của tảng băng chìm - Ảnh 9.

TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: BizLIVE).

"Tôi kì vọng NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để nợ xấu không bị quá sốc với nền kinh tế, ngân hàng và doanh nghiệp bằng các hình thức như giữ nguyên nhóm nợ. Nhưng cũng không nên để trong thời gian quá dài sẽ kéo theo tình trạng tâm lý ỉ lại", ông Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Nói thêm về vấn đề nợ xấu, ông Lực cho rằng Nghị quyết 42 sau ba năm thực hiện đã cho những kết quả ban đầu tích cực, sau hơn 3 năm thực hiện, nợ xấu xử lý bình quân mỗi tháng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nhưng các vấn đề như thu giữ tài sản, thanh lí, đấu giá phát mại, vẫn còn vô cùng khó khăn. 

"Một trong những nguyên nhân là sự kết hợp giữa các bộ ngành địa phương vẫn chưa được tốt. Vào tháng 8/2022, Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì nên ban hành một luật về xử lý nợ xấu để đảm bảo tính tự tôn pháp luật, hiệu quả cao hơn", ông đề xuất

Mặt khác, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ngoài những luật quy định về xử lý nợ cũng cần xác định vấn đề tăng vốn của các ngân hàng là quan trọng nhất là nhóm có vốn lớn của Nhà nước. Nguồn vốn đủ dày sẽ là bộ đệm an toàn, giảm độ rủi ro trong hoạt động của ngân hàng.

"Tôi đề xuất Chính phủ nên xem xét bỏ đi quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của Nhà nước phải ít nhất 65% khiến các nhà đầu tư nước ngoài không dám nhảy vào", ông Hiếu nói.

Diệp Bình