Năng lực doanh nghiệp kín tiếng xin đầu tư dự án 2,5 tỷ USD tại Bình Thuận mạnh đến đâu?
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex – WTO) vừa qua đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị thực hiện dự án đầu tư Tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
Dự án được đề xuất có diện tích hơn 897 ha, tổng mức đầu tư khoảng 57.638 tỷ đồng (tương đương gần 2,5 tỷ USD). Tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) là 54.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 8.648 tỷ đồng; vốn vay là 10.479 tỷ đồng; vốn huy động khách hàng là 34.927 tỷ đồng.
Theo tính toán ban đầu của doanh nghiệp, đơn giá tiền đất (chưa bao gồm VAT) của các sản phẩm liền kề là 13 triệu đồng/m2, biệt thự là 15 triệu đồng/m2 và biệt thự nghỉ dưỡng là 18 triệu đồng/m2. Dự án sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 18.300 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là hình thành một khu tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái, khu phức hợp thương mại dịch vụ và các loại hình thể thao, vui chơi giải trí đặc thù gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng,… đáp ứng nhu cầu cho du khách trong nước và quốc tế.
Tiến độ dự án thực hiện trong 7 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự kiến trong khoảng 24 tháng (2024-2025). Giai đoạn đầu tư (2025-2031) sẽ thi công xây dựng công trình và khánh thành công trình đưa vào sử dụng. Giai đoạn khai thác và đưa vào sử dụng được dự kiến trong quý IV/2031.
Ranh giới dự án do WTO đề xuất đầu tư như sau: Phía Đông giáp cồn cát biển Đông; phía Tây giáp khu dân cư ven Bàu Trắng, đường tỉnh lộ 716B và nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong; phía Nam giáp biển Đông, một phần phía Nam của dự án nằm tại mũi Yến; phía Bắc giáp Đồi Cát Trắng và các dự án trồng rừng của địa phương.
Doanh nghiệp kín tiếng có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng
Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu 15 công ty con, hoạt động chủ yếu ở 4 mảng chính là bất động sản; sản xuất công nghiệp; năng lượng và thương mại dịch vụ.
Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 2/2022, Vietracimex tăng vốn điều lệ từ hơn 8.510 tỷ đồng lên 12.510 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Dũng (sinh năm 1960).
Tại thời điểm cuối năm 2021, Vietracimex có 15 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Số lao động công ty là 619 người, giảm 55 người so với con số cuối năm 2020.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vietracimex đang sở hữu một loạt dự án bất động sản và dự án thủy điện quy mô lớn. Đơn cử như: Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); dự án Tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (4.816m2); dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); dự án Bình Thạnh tại TP HCM (17,4ha) dự án khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP HCM (41,87ha); dự án Bình Khánh quận 2, TP HCM (3,18ha),…
Một số dự án thủy điện có thể kể đến như Thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW); thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW); nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (150MW) và Hồng Phong 1B (100MW) tại Bình Thuận; Nhà máy điện gió Hòa Thắng tại Bình Thuận (100MW),...
Ở mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.
Về hoạt động kinh doanh, theo BCTC hợp nhất hai năm gần đây nhất được kiểm toán bởi hãng Deloitte Việt Nam, Vietracimex đều báo lãi. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt hơn 4.896 tỷ đồng và hơn 311 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 7% so với năm trước. Năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận gần 4.260 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 317 tỷ đồng LNST.
Đóng góp chính cho doanh thu của công ty trong giai đoạn 2020 – 2021 là doanh thu bán hàng hóa và doanh thu bán điện với 3.933 tỷ đồng và 3.477 tỷ đồng. Còn doanh thu bất động sản chỉ đạt hơn 942 tỷ đồng.
Dù có lãi nhưng mỗi năm, Vietracimex đều phải trả một khoản chi phí tài chính khá lớn. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận khoản chi phí tài chính lên tới gần 783 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu là 702 tỷ đồng. Năm 2021, chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu giảm xuống còn hơn 594 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, tổng dư nợ đi vay của Vietracimex gần 18.543 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay trái phiếu phát hành là 7.502,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietracimex còn ghi nhận hơn 3.175 tỷ đồng nợ vay các đối tượng khác với lãi suất 0%/năm để phục vụ sản xuất kinh doanh như CTCP Sân Golf Hà Nội (710,7 tỷ đồng), CTCP Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng số 9 (607,5 tỷ đồng), CTCP Kinh doanh và Quản lý Nhà Himark (519,6 tỷ đồng), CTCP dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng số 9 HN (424,5 tỷ đồng), CTCP Kinh doanh Hoàng Hà (178 tỷ đồng),...
Với việc nhận được khoản cho vay không lãi suất từ nhiều doanh nghiệp với giá trị mỗi khoản lên đến hàng trăm tỷ đồng, có thể hình dung hệ sinh thái kinh doanh của ông chủ Vietracimex có thể còn lớn hơn nhiều so với con số trên báo cáo tài chính của Vietracimex.