|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khả năng sản xuất nhiều công xưởng thế giới vẫn lớn nhu cầu, lo ngại đơn hàng Việt Nam còn giảm

16:25 | 16/06/2023
Chia sẻ
Sức khỏe ngành sản xuất của Trung Quốc và Mỹ suy giảm đồng nghĩa nhu cầu hàng giảm sút đáng kể. Một điều hiển nhiên rằng khi khả năng sản xuất của thế giới, đặc biệt là các công xưởng lớn vẫn lớn hơn nhu cầu thì nhu cầu hàng Việt Nam vẫn tiếp tục thấp.

Sản xuất tại Trung Quốc, Mỹ, Eurozone đều suy giảm

Hôm 12/6, CNN đưa tin tình hình sản xuất ảm đạm tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Khảo sát của  S&P Global cho thấy, các nhà máy tại Mỹ và Eurozone đều ghi nhận số đơn hàng mới giảm trong tháng 5.

"Hiện, các nhà máy vẫn đang giải quyết đơn hàng tồn, phát sinh từ giai đoạn đầu đại dịch COVID-19. Tuy nhiên chưa rõ số đơn hàng này có thể giúp họ tiếp tục sản xuất được bao lâu", CNN cho hay.

Theo S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất của Mỹ giảm trong tháng 5, còn 48,4 điểm so với 50,2 điểm trong tháng trước đó.

Khảo sát tương tự của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cũng cho thấy hoạt động ngành này suy giảm tháng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số PMI tháng 5 do ISM công bố giảm mạnh xuống 46,9 điểm so với 47,1 điểm trong tháng 4.

Trong khi đó tại Eurozone, số đơn hàng mới và đơn hàng tồn đều giảm trong tháng 5. Tại Trung Quốc, theo chi số PMI do Cục Thống kê nước này công bố, ngành sản xuất đã có tháng thứ hai liên tiếp suy giảm. Trước đó 3 tháng đầu năm 2023, PMI của Trung Quốc đều trên ngưỡng 50 điểm.

Về tình hình xuất khẩu, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1. 

Bộ Thương mại Mỹ hiện chưa công bố số liệu xuất khẩu hàng hóa tháng 5. Trong tháng 4, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ lần đầu tăng trưởng âm (-4,89% so với cùng kỳ) kể từ tháng 3/2021.

 

 

Đơn hàng vẫn là vấn đề lớn với doanh nghiệp Việt Nam

Trung Quốc và Mỹ là hai công xưởng lớn nhất của thế giới. Sức khỏe ngành sản xuất và lĩnh vực xuất khẩu của hai quốc gia này suy giảm đồng nghĩa nhu cầu hàng giảm sút đáng kể. Một điều hiển nhiên rằng khi khả năng sản xuất của thế giới, đặc biệt là các công xưởng lớn vẫn lớn hơn nhu cầu thì nhu cầu hàng Việt Nam vẫn tiếp tục thấp.  

Nói riêng về Trung Quốc, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia này gồm máy móc, thiết bị điện; máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ, phụ tùng, Ngoài ra còn có cả hàng may mặc và giày dép - cũng là hai thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

 

 

Trở lại với câu chuyện của ngành sản xuất Việt Nam, sụt giảm đơn hàng hiện vẫn là vấn đề lớn. Chỉ số PMI đi lùi trong tháng 5, chỉ đạt 45,3 điểm trong đó đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng. 

Hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo không có sự bứt phá trong tháng 5, số liệu sản xuất thực tế trong tháng 4 đã được điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chế biến chế tạo vẫn suy giảm nhẹ (0,2%). 

 

Trong báo cáo mới nhất, SSI Research đề cập đến tín hiệu kém tích cực hơn đến từ việc nhập khẩu, khi giảm -18,3% so với cùng kỳ trong tháng 5 hay -17,7% trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, chiếm đa số là nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm tới -18,2%. Đây là yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III – quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực 

Dự báo một số ngành hàng chủ lực như dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng nếu như các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả hai cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

Khó khăn kép này có thể mất tới 40 tháng để xử lý và những diễn biến xấu trên thị trường có thể kéo dài tới năm 2024. Điều này khiến nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam.

Ông dự báo cầu tiếp tục thấp trong quý III, trong khi cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế.

Trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cũng dự báo rằng sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.

Với ngành thủy sản, trong công văn vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết  tình hình khó khăn hơn cả giai đoạn đỉnh dịch COVID-19. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 đã không còn vì lạm phát đã ngấm sâu vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới.

VASEP đánh giá khả năng phục hồi đến cuối năm và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của ngành dự tính khoảng 9 tỷ USD (năm 2022 đạt 11 tỷ USD). 

Anh Đào