Doanh nghiệp Đà Nẵng sắp được hỗ trợ gì để phục hồi, phát triển kinh tế?
Doanh nghiệp Đà Nẵng đã được hỗ trợ gì trong dịch?
Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp tổ chức ngày 24/9, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, dân số trên 18 tuổi tại thành phố khoảng 826.933 người. Hiện nay, thành phố đã tiếp nhận 684.356 liều vắc xin. Tính đến ngày 22/9, ngành y tế đã tổ chức tiêm 637.015 liều, trong đó 558.963 người đã tiêm 1 mũi (67,6%), 78.052 người đã tiêm 2 mũi (9,4%).
Đà Nẵng đã ghi nhận 39 xã, phường không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tục. Đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố vẫn đang ở mức độ nguy cơ cao; tiêu chí kiểm soát dịch thì hiện thành phố đạt 6/7 tiêu chí.
"Về cơ bản thành phố đã kiểm soát được tình hình và đã bước đầu khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 đã làm cho giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, hoạt động doanh nghiệp...", ông Minh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thường trực UBND thành phố, tính đến 15/9 Đà Nẵng hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.297 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
Dịch vụ du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch COVID-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.074 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, tổng vốn đầu tư trong nước ngoài Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao đạt 1.827 tỷ đồng, giảm mạnh 88,58% so với cùng kỳ 2020,…
"Bên cạnh những khó khăn về kinh tế trong gần 9 tháng qua, thành phố đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho người lao động cũng như các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
UBND thành phố đã thành lập hai Tổ công tác để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về dự án đầu tư xây dựng; về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác đối với dự án, khu đất trên địa bàn thành phố. Trong 9 tháng, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 170 kiến nghị liên quan đến các doanh nghiệp", ông Minh nói.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế tại cuối kỳ báo cáo (bao gồm gốc, lãi) là 7.030 tỷ đồng với 3.734 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm gốc, lãi) là 12.368 tỷ đồng với 6.344 khách hàng. Giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay hiện hành.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng giảm thuế thu nhập phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác khoảng 77,2 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong năm 2021 với số tiền ước giảm hơn 1.088 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất là 128 tỷ đồng).
Ông Minh nói: "Trong thời gian vừa qua, Đà Nẵng cũng đã tiến hành tổ chức tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, cụm công nghiệp Thanh Vinh với số lượng đã tiêm đạt gần 85%. Ngoài ra, thành phố đã tổ chức tiêm cho các công ty, doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn (trên 2.000 người) và các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vận tải, hàng không…".
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế?
TP Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực để "không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau", tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng (DSA) đề xuất, UBND thành phố cần xúc tiến nhanh chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm việc trong lĩnh vực CNTT nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao về Đà Nẵng.
"Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị thành phố có chính sách thông thoáng trong việc cho thuê đất và hỗ trợ vay vốn xây dựng hạ tầng làm việc cho các doanh nghiệp có quy mô từ 100 người trở lên để họ ổn định và phát triển. Đồng thời, có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất phần mềm và thu hút đầu tư đủ sức cạnh tranh với các địa phương lân cận", đại diện DSA nói.
Góp tiếng nói tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng mong muốn thành phố đẩy nhanh tiêm chủng cho người lao động và toàn dân; nâng cao năng lực điều trị COVID-19 sẵn sàng cho giai đoạn mới, khôi phục sản xuất kinh doanh hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này đề nghị thành phố tiếp tục làm việc với các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn để giãn, giảm khoản vay cũ và vay mới để phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, để trợ sức cho doanh nghiệp, thành phố bổ sung đối tượng doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi không thể chấp để trả lương cho người lao động trong 3 - 6 tháng giai đoạn từ tháng 10 đến hết tháng 6/2022 hoặc khi hết dịch.
"Doanh nghiệp mong muốn thành phố miễn, giảm tiền thuê đất doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19 và hậu dịch; không điều chỉnh tăng giá với các hợp đồng thuê đất đến hạn điều chỉnh.
Thời gian qua, mầm non ngoài công lập đã dừng hẳn hoạt động trong suốt thời gian chống dịch, thành phố cần giữ lực lượng này để đảm bảo người lao động có nơi gởi con trở lại làm việc", đại diện Hiệp hội Nữ doanh TP Đà Nẵng bày tỏ.
Ghi nhận ý kiến của đại diện doanh nghiệp, ông Minh chia sẻ, thành phố đang tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Về vắc xin, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt 100 % người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.
Thành phố hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố trong thời hạn 6 tháng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng Thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo Nghị quyết 149 của HĐND thành phố.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hỗ trợ Hợp tác xã, hộ kinh doanh mức hỗ trợ 3 triệu đồng/đơn vị.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương cho lao động ngừng việc, vay khôi phục sản xuất kinh doanh,…
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, bên cạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đã ban hành, thành phố tiếp tục nghiên cứu triển khai các nhóm giải pháp mới trong thời gian tới
Cụ thể, hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistic, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho chúng tôi, những lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở, suy nghĩ", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói và cam kết sẽ nỗ lực để "không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau", tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Ba kịch bản phát triển kinh tế Đà Nẵng năm 2022
Đà Nẵng phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020. Các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%.
Thành phố có tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán HĐND thành phố giao.
Đà Nẵng xây dựng ba kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở ba cấp độ thấp, trung bình và cao. Cụ thể, với kịch bản thấp, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021; ở kịch bản trung bình, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021; còn với kịch bản cao Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021.
"Dự kiến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021, khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại,... khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao", ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng thông tin.