DN nước ngoài kiến nghị: Sớm có gói hỗ trợ sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà máy KCN được tham gia mua bán điện trực tiếp
Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thu hút FDI của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 20/3, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn những hạn chế cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía.
Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.
Quá trình cấp giấy phép mất nhiều thời gian, xử lý thủ tục hành chính chậm
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.
Trong thời gian vừa qua, đầu tư từ Nhật Bản (kết hợp mở rộng và mở rộng) tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị.
Ông cũng đề cập đến những thách thức. Thứ nhất là thị trường xuất khẩu toàn cầu chậm chạp. Thị trường xuất khẩu đã giảm từ mùa hè năm ngoái đến nửa đầu năm nay, điều này khiến tiêu thụ của doanh nghiệp giảm.
Thách thức thứ hai là tăng chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí.
Ngoài ra có những công nghệ mới như là trí tuệ nhân tạo và Việt Nam cần đầu tư vào những công nghệ mới này, đầu tư vào công nghệ logistic để tạo điều kiện giao dịch thông suốt.
Thách thức thứ ba liên quan đến việc cấp các loại giấy phép trong nước. Theo Trưởng đại diện Jetro, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm.
66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%. Do đó, ông kiến nghị Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp. Điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn chứng kiến nhiều trường hợp đầu tư FDI vào các vùng ven của đất nước, như các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương.
Cũng nói đến vấn đề thủ tục hành chính, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết các thành viên của hiệp hội đang phải đối mặt với quá trình cấp phép mất nhiều thời gian trong lĩnh vực y tế.
AmCham để nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị định 80 để cho phép đẩy nhanh việc cho phép cấp phép gia hạn các giấy phép về thực phẩm sắp hết hạn. "Chúng tôi khuyến nghị nên thực hiện một giải pháp lâu dài để điều chỉnh các quy trình của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, bao gồm sửa đổi Luật Dược", ông nói.
Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) bày tỏ mong muốn Thủ tướng quan tâm hơn đến môi trường đầu tư ở Việt Nam như sự chậm trễ trong việc phê duyệt cho các dự án đang diễn ra. Nếu vấn đề này được giải quyết trong thời gian tới sẽ rất hữu ích và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho hay có tiếp nhận được một số kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam về một số khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy,...
Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam thì hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường,...
Cũng nói đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy, ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam đề xuất cần đưa ra các quy chuẩn rõ ràng, chi tiết hơn về các văn bản dưới luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và nới lỏng các quy định khi kiểm duyệt, thẩm định các mô hình đặc thù kinh doanh của những ngành nghề sử dụng công nghệ cao.
Thứ hai, cần tăng cường hỗ trợ hành chính về xây dựng và phòng cháy chữa cháy thông qua việc mở rộng, bổ sung tăng thêm các cơ quan có quyền thẩm duyệt, thực thi thẩm định và thiết lập hệ thống hỏi đáp trực tuyến.
Nhiều đề xuất liên quan thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề cập đến vấn đề thuế.
Ông nhấn mạnh Việt Nam cần nghiên cứu tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cũng cho rằng Chính phủ cũng cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tịnh trạng xấu đi của môi trường đầu tư trong khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho hay Việt Nam tham gia trụ cột thứ 2 của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu và điều này sẽ ảnh hưởng đến mức thuế ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư. Đồng thời ảnh hưởng toàn diện đến hiệu quả của các nhà đầu tư và một ảnh hưởng đó là tính minh bạch của chính sách.
Vì vậy, ông đề xuất Chính phủ đánh giá lại các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thay thế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình sau khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ giúp giữ chân doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và sức cạnh tranh ngày càng cao trên toàn cầu.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cũng nêu vấn đề về thuế và phí.
Theo đại diện EuroCham, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.
Theo hướng đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế thu nhập đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
EuroCham cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện.
Các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho hay các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội vẫn có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch.
"Điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này", ông nói.
Amcham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua việc mua bán điện trực tiếp và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này.
Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh mong muốn Việt Nam đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho rằng các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.
Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, theo ông, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.
"Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU", ông đề xuất.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn cũng có vai trò then chốt không kém để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.
"Chúng tôi hoan nghênh lộ trình đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quy định mở rộng về trách nhiệm của nhà sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nên áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp cần được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao.
Các doanh nghiệp cũng nên được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam nên tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính", ông nói.
Về du lịch, lĩnh vực này là một phần quan trọng trong tăng trưởng của Việt Nam. EuroCham tiếp tục khuyến nghị mở rộng miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, mở cửa cho khách du lịch chi tiêu cao và tạo điều kiện xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/