|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Diện mạo huyện Bình Chánh được đề xuất lên thành phố

11:01 | 14/10/2023
Chia sẻ
Theo dự thảo báo cáo tổng hợp Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, huyện Bình Chánh được đề xuất lên thẳng thành phố trực thuộc TP HCM.

Huyện Bình Chánh hiện nay có 15 xã và một thị trấn nằm ở vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía tây và nam TP HCM, đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và cả Vùng Đông Nam Bộ. Đây là huyện có dân số đông nhất cả nước và cũng là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ 4 cả nước, chỉ sau TP Biên Hòa, TP Thủ Đức và quận Bình Tân, tổng diện tích của huyện là 252,56 km2.

Báo Pháp luật TP HCM dẫn thông tin theo dự thảo báo cáo tổng hợp Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021 - 2030 của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, viện này đề nghị công nhận huyện Bình Chánh thành TP Bình Chánh hay thành phố phía Tây trực thuộc TP HCM.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, huyện Bình Chánh có vị trí quan trọng, là địa bàn cửa ngõ phía Tây Nam, là đầu mối giao thông nối liền TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, có mối liên kết qua nhiều hoạt động kinh tế- xã hội với tỉnh Long An. Song, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ trong huyện còn hạn chế, nhất là các khu vực lân cận và tiếp giáp với tỉnh Long An. Điều này đã gây cản trở rất lớn cho quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế và liên kết giữa hai vùng. Trên ảnh là quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh.

Đối chiếu hiện trạng, so các tiêu chuẩn theo Nghị quyết về phân loại đô thị và Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Bình Chánh hiện không có khả năng chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp quận từ đây đến năm 2030.

Bên cạnh đó, qua phân tích số lượng tiêu chí đạt chuẩn, số lượng chưa đạt và khả năng cải thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trên địa bàn huyện, kết quả cho thấy huyện Bình Chánh có khả năng đạt được các tiêu chí phân loại đô thị loại III chuyển đổi sang mô hình thành phố thuộc thành phố vào năm 2025.

Từ nay đến năm 2025, tổng vốn đầu tư của huyện Bình Chánh ước khoảng 88.000 tỷ đồng (chưa tính đến danh mục các dự án đầu tư nhà ở thương mại và nhà ở xã hội do Sở Xây dựng TP HCM đề xuất), có thể sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.

Cụ thể, giai đoạn này cần 603 dự án phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế đô thị, 300 dự án dự án nâng cấp và mở rộng đường giao thông theo nguồn vốn đầu tư công, 35 dự án dự án cải tạo môi trường, 13 dự án phát triển nhà ở thương mại, 8 dự án nhà ở xã hội. Trong ảnh là một đoạn đường kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, kết nối ba địa phương là TP HCM - Long An - Tiền Giang.

Khu trung tâm hành chính huyện Bình Chánh hiện nay. Giai đoạn 2026 - 2030, huyện sẽ chủ yếu tập trung vào các dự án có quy mô lớn, các dự án thường do Trung ương hoặc TP HCM quản lý, tổng vốn đầu tư ước khoảng gần 34.695 tỷ đồng (chưa tính một số dự án mới được đề xuất gần đây) với 91 dự án phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế đô thị và các dự án bổ sung khác.

Đường Nguyễn Văn Linh - một trong những tuyến đường chính của huyện Bình Chánh và TP HCM hiện nay, tuyến đường này kết nối huyện Bình Chánh thẳng tới huyện Nhà Bè và quận 7.

Nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt giao cắt với quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, đây là một trong những nút giao có quy mô khá lớn của TP HCM hiện nay.

Theo ghi nhận của người chụp, hệ thống hạ tầng đô thị của huyện Bình Chánh hiện nay đang phát triển chậm hơn các địa phương lân cận thuộc TP HCM. Đối với lĩnh vực kinh tế, nửa năm qua, huyện cũng đã tư vấn cho hơn 25 nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại huyện, như giới thiệu các vị trí đất phù hợp để nhà đầu tư lựa chọn; tư vấn hỗ trợ về thủ tục hành chính...

Hồi tháng 7, trong buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh về duyệt kế hoạch và giao nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo TP HCM cho biết, trên địa bàn huyện có những dự án giao thông lớn của TP HCM đi ngang, trong đó có đường vành đai 3. Vì vậy, vấn đề quy hoạch và khai thác quỹ đất dọc theo tuyến đường này cũng rất quan trọng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Trong ảnh là một đoạn vành đai 3 TP HCM sẽ mở qua xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

 Bên cạnh tuyến vành đai 3 TP HCM, một dự án cao tốc hiện cũng đang được triển khai xây dựng qua địa bàn huyện là cao tốc Bến Lức - Long Thành, kết nối huyện Bến Lức (Long An) đi huyện Long Thành (Đồng Nai).

Hải Quân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.