Giai đoạn từ nay đến năm 2025, dự kiến TP Đà Lạt sẽ mở rộng khoảng 4,3 lần, vượt diện tích của Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
VIDEO
TP Đà Lạt thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh.
TP Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên. TP Đà Lạt hiện nay có diện tích hơn 393 km2. Phía đông và đông nam giáp huyện Đơn Dương; phía tây giáp huyện Lâm Hà; phía nam giáp huyện Đức Trọng; phía bắc giáp huyện Lạc Dương. TP Đà Lạt có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 12 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 4 xã: Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Thọ, Xuân Trường.
Theo Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị TP Đà Lạt.
TP Đà Lạt hiện nay có diện tích hơn 393 km2, còn huyện Lạc Dương có diện tích khoảng 1.314 km2. Như vậy, sau khi sáp nhập, diện tích TP Đà Lạt sẽ tăng lên thành 1.707 km2, rộng gấp 4,3 lần so với hiện nay. Với diện tích này, TP Đà Lạt sẽ có diện tích lớn hơn một số địa phương trực thuộc Trung ương như TP Hải Phòng (1.508 km2); TP Đà Nẵng (1.285 km2) hay TP Cần Thơ (1.439 km2).
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng sẽ xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Cụ thể, đến năm 2030, Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Cùng với đó, TP Đà Lạt cũng là một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh Lâm Đồng. Về phương án phát triển khu vực có vai trò động lực, Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà), trong đó, TP Đà Lạt sẽ là trung tâm của tiểu vùng I, huyện Đức Trọng hình thành đô thị trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh, san sẻ chức năng với TP Đà Lạt.
Về mô hình cấu trúc không gian, trục không gian kinh tế chính bao gồm trục Đông - Tây, được xác định bằng tuyến cao tốc mới Nha Trang - Liên Khương, QL (QL 20, QL 27C) và đường tỉnh mới (ĐT 726), kết nối Trung tâm TP Đà Lạt với các đô thị xung quanh như Liên Nghĩa và D'ran, kết nối đô thị Đà Lạt hiện hữu với Nha Trang qua QL27C; trục Bắc - Nam sẽ kết nối trung tâm TP Đà Lạt với trung tâm TT Nam Ban và trung tâm thị trấn Thanh Mỹ. Bên cạnh đó, trục hỗ trợ sẽ kết nối khu vực ngoại vi đô thị với trục không gian kinh tế chính.
Đối với lộ trình nâng loại đô thị, hiện tại đô thị Đà Lạt là đô thị loại I trực thuộc Tỉnh. TP Đà Lạt sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương, tiệm cận với đô thị loại II. Giai đoạn 2021- 2025 sẽ khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại II.
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại I. Tầm nhìn 2050, sau khi tỉnh Lâm Đồng trở thành phố trực thuộc Trung ương, Đô thị Đà Lạt mở rộng sẽ là quận trung tâm của thành phố loại I trực thuộc Trung ương.
Nội ô TP Đà Lạt hiện nay.
Đà Lạt cũng là địa điểm ưa thích của nhiều doanh nghiệp bất động sản, tiêu biểu kể đến như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và sân golf Tuyền Lâm 18 lỗ do CTCP Sacom - Tuyền Lâm làm chủ đầu tư; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Thống Nhất tại phường 8, do Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng làm chủ đầu tư...
Đường đèo Prenn, một trong những tuyến đường chính yếu, đóng vai trò cửa ngõ của TP Đà Lạt hiện nay. Hiện tuyến đường này đang được hoàn thiện việc mở rộng, đã đưa vào sử dụng một phần. Tỉnh Lâm Đồng dự kiến hoàn thành toàn tuyến đường này trước dịp Tết Nguyên đán 2024.
Hải Quân
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/da-lat-truoc-them-mo-rong-hon-4-lan-vuot-dien-tich-da-nang-hai-phong-can-tho-422024187749307.htm