|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chờ đợi cuộc tái cơ cấu các phân khúc bất động sản

10:38 | 02/06/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp bất động sản lần lượt tham gia vào phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực sau giai đoạn thị trường kém thanh khoản, thừa sản phẩm cao cấp với giá đắt đỏ.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Các địa phương ráo riết phát triển nhà ở xã hội

Năm 2023 - giai đoạn cao điểm bất động sản gặp khó khăn, việc gia tăng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội được cho là cấp thiết, và cũng là động lực để thị trường sớm phục hồi. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đánh giá chưa thành công.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội luôn được quan tâm nhưng hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang cấp tập lên phương án xây hàng nghìn căn nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp.

TP HCM cũng phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành tối thiểu 26.200 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu kế hoạch Thành phố đặt ra về Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.

Gần nhất Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu TP Hà Nội trong quý III/2024 lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập tại bảy khu đất với quy mô 352,97 ha, để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Giai đoạn 2021-2030, Bình Dương đặt mục tiêu đầu tư khoảng 172.879 căn NOXH, tổng diện tích đất khoảng 612,1 hecta, diện tích sàn xây dựng ước đạt khoảng 10.110.867m2, đáp ứng cho khoảng 678.307 người với tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỷ đồng, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Đồng Nai hiện có 7 dự án nhà ở xã hội quy mô gần 10.000 căn đang được thẩm định hồ sơ, chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đôn đốc tiến độ triển khai 5 dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành 2.750 căn hộ…

Doanh nghiệp vào cuộc đua làm nhà ở xã hội

Cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội bắt đầu nóng từ đầu năm 2023 và ngày càng tăng nhiệt. Mới đây, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Hai bên sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện và cùng các đơn vị khác hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội tiềm năng tại TP HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Trước mắt trong năm nay, hai bên sẽ bàn giao khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa phương; đồng thời các bên liên quan sẽ cùng triển khai nghiên cứu phát triển dự án nhà ở xã hội mới thuộc quỹ đất hiện có của Novaland trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Địa ốc Hoàng Quân dự kiến hoàn thành ít nhất 50 dự án nhà ở xã hội với khoảng 50.000 căn và thực hiện cải tạo, xây mới ít nhất 10 tòa chung cư cũ tại TP HCM, Đồng Nai, Long An.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) cho biết lĩnh vực mà doanh nghiệp tập trung trong năm nay là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người dân tại Bình Dương, với kế hoạch vừa xây dựng và vừa mở rộng 10.000 - 20.000 căn hộ. Mô hình phát triển này được áp dụng tương tự tại các địa phương khác, nơi có dự án của Becamex IDC.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, Mã: HAN) cũng cho biết đang tập trung nguồn lực triển khai đầu tư bất động sản mới với quy mô gần 10.000 căn nhà ở xã hội, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.

Hay như CTCP Vinhomes (Mã: VHM) vừa qua đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 10.000 căn hộ.

Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) dự kiến từng bước thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn NOXH trong giai đoạn 2023 - 2030 tại các khu nhà ở xã hội đồng bộ với phát triển khu công nghiệp hiện có của công ty. Tính đến nay, Viglacera đã có quỹ đất sạch và các thủ tục pháp lý đầu tư khoảng 11.000 căn, dự kiến trong quý II/2024 sẽ đưa ra thị trường khoảng 3.000 căn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đánh giá, lĩnh vực nhà ở xã hội đang rất được quan tâm. Ban Bí thư mới đây cũng đã chỉ thị Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Tôi cho rằng sau chỉ đạo này, tình hình phát triển phân khúc nhà ở xã hội sẽ diễn ra nhanh hơn. Với loại hình này, lợi nhuận cho các doanh nghiệp thì không nhiều nhưng có nhu cầu thật và thanh khoản tốt, làm nhanh bán nhanh. Thời gian tới, nhà ở xã hội được tháo gỡ nhiều hơn về thủ tục, Viglacera sẽ tham gia làm nhiều dự án hơn”, ông Tuấn nói.

Bước tiến mới về chính sách, mở đường cho nhà ở xã hội

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 7, TP HCM. (Ảnh: ThanhNien).

So với Luật Nhà ở 2014 thì Luật Nhà ở 2023 được đánh giá đã “ưu ái” hơn cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Đơn cử, Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phân biệt nguồn vốn, tất cả đều được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án.

Chủ đầu tư cũng không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp dự án nhà ở xã hội được xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn mà chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong phạm vi dự án (phần diện tích thương mại được ưu đãi. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Nhà ở 2023 cũng bổ sung quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; hưởng ưu đãi phần diện tích đất (tối đa 20% tổng diện tích đất ở của dự án) để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại hoặc diện tích sàn (tối đa 20% tổng diện tích sàn nhà ở của khối nhà ở đó) để kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Đặc biệt, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này…

Hà Lê