Từ quan sát của người viết qua quá trình tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), cũng như thông qua số liệu từ cơ quan quản lý, có thể thấy Việt Nam vẫn đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước đó. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh chi phí vốn tăng, thanh khoản thắt chặt trên phạm vi toàn cầu trong hai năm vừa qua. Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã có mặt tại Việt Nam với các dự án lên tới hàng tỷ USD.
Một dấu hiệu khác đáng quan tâm là các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang khai thác thị trường nội địa với khoảng 100 triệu dân của Việt Nam, thay vì tập trung xuất khẩu. Điều này được đặc biệt thể hiện rõ nét nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Riêng tại EY, đội ngũ tư vấn thuế và giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) của chúng tôi tiếp nhận rất nhiều câu hỏi về môi trường đầu tư của Việt Nam từ các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu, Mỹ.
Việt Nam vẫn đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của các NĐTNN nhờ vị trí địa chiến lược, hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với 60 đối tác, bao gồm các châu lục chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực tham gia các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Những bước hội nhập kinh tế toàn cầu ấn tượng đã giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI một cách ổn định, bất chấp hoạt động đầu tư toàn cầu kém sôi động. Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm thương mại mới trên toàn cầu (A New Global Trade Hub).
Không thể không kể đến quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam, thực lực của các bộ ngành, và lực lượng lao động trẻ với tinh thần ham học hỏi và thích ứng nhanh với các công nghệ mới nổi.
Tất nhiên Việt Nam cũng có những điểm hạn chế. Đơn cử cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của NĐTNN. Thủ tục hành chính còn phức tạp, hiệu lực và hiệu quả của các chính sách ban hành còn hạn chế. Nguồn lao động trình độ cao vẫn còn trong tình trạng thiếu hụt.
Trong bối cảnh cục diện thế giới đổi thay nhanh như hiện nay, Việt Nam cũng đứng trước các yêu cầu thay đổi để tiếp tục giữ sức hút với nhà đầu tư.
Trong quá trình tư vấn đầu tư và các chính sách liên quan cho nhiều NĐTNN, chúng tôi nhận thấy các NĐTNN kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sự năng động trong chính sách, quyết đoán trong hành động, và mềm dẻo trong cơ chế để phát huy tối đa lợi thế địa kinh tế chính trị. Việt Nam nên tận dụng các cơ hội để cải cách, đổi mới chính sách, tiếp cận thông lệ tốt trên thế giới.
Chính phủ nên chuyển từ việc cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, sang tạo cơ chế đặc biệt để “yểm trợ” các NĐTNN. Ví dụ đối với lĩnh vực thuế, Việt Nam đã ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Double taxation Agreement - DTA) với hơn 80 nước và vùng lãnh thổ.
Để triển khai các hiệp định này trên thực tế, các cơ quan thực thi nên diễn giải hiệp định theo hướng hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam cần làm việc với chính phủ của nước ký kết hiệp định để đảm bảo hiệp định đã kí kết mang đầy đủ ý nghĩa và tinh thần của quá trình đàm phán.
Việc xây dựng lòng tin với các NĐTNN, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, cũng được đánh giá là rất quan trọng. Chính phủ nên có kênh thông tin đặc biệt để tiếp nhận những ý kiến của các NĐTNN, đặc biệt với những nhà đầu tư đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trao đổi với các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo tính thực thi trong ban hành chính sách, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.
Tôi cho rằng một tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nên được thành lập để không chỉ giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp mà còn khai thác tối đa khả năng đóng góp và thúc đẩy NĐTNN gắn bó lâu dài hơn, đóng góp vào việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nước phát triển, thu nhập trung bình cao vào năm 2050.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Mặc dù Việt Nam đang tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng so với nhu cầu của các nhà đầu tư, cũng như so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ chi phí liên quan logistics tại Việt Nam vẫn còn rất cao, tương đương khoảng 20% GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ tương ứng chỉ khoảng 7-9% GDP, theo Agility Logistics. Do đó, cơ sở hạ tầng là lĩnh vực vẫn cần nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư hơn của Chính phủ.
Điểm cuối cùng tôi cũng muốn đề cập là xu hướng giảm phát thải carbon và phát triển bền vững. Trong kỷ nguyên mới này, trước áp lực từ các quy định pháp lý, người tiêu dùng và các bên liên quan các, các NĐTNN hầu hết đều quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững. Vì vậy, các NĐTNN mong muốn Chính phủ có hành lang pháp lý cụ thể để nắm bắt xu thế này.
Chẳng hạn, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là cung ứng điện. Đây không chỉ là vấn đề đảm bảo nguồn cung ổn định, mà việc bổ sung các nguồn cung điện tái tạo cũng được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Hiện hầu hết các nhà đầu tư lớn đều đã tham gia RE100, cam kết sử dụng 100% điện tái tạo trong hoạt động sản xuất để đạt được lưới điện không carbon vào năm 2040. Nhiều NĐTNN có tên tuổi tại Việt Nam đã góp mặt trong danh sách này và đặt ra lộ trình thực hiện rất cụ thể.
Để không lỗi nhịp và hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện cam kết, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) – cho phép khách hàng mua điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo – cần được nhanh chóng thực hiện. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tiếp cận và tiêu dùng năng lượng xanh chứ không chỉ dừng ở việc mua các chứng chỉ giảm phát thải để thực hiện cam kết.
Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, nếu kỳ vọng và tâm tư của họ được giải quyết thích đáng.
Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam
(*) Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.