|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Dưới đây là 10 nét vẽ đã tạo nên bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 với nhiều sóng gió. Một năm COVID-19 thứ hai với nhiều sự kiện đáng nhớ.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 1.

COVID-19 tiếp tục là biến cố ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Dịch bệnh kéo dài và đặc biệt là sự xuất hiện của làn sóng dịch thứ 4 đã giáng đòn mạnh lên các hoạt động kinh tế trong cả nước. 

Giãn cách diện rộng, đứt gãy chuỗi cung ứng tại TP HCM và các tỉnh phía Nam hồi tháng 8,9 đã dẫn tới kéo tụt tăng trưởng kinh tế cả nước. GDP quý III ghi nhận mức giảm thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay (- 6,17%). Có tới 18/19 tỉnh Đông Nam Bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý này.

Ước tính trong cả năm 2021, kinh tế TP HCM lần đầu tăng trưởng âm 6,78% sau 35 năm. 

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 1.

Không chỉ suy giảm về sức sản xuất, tổng cầu cũng sụt giảm nghiêm trọng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng âm 28,3%, dịch vụ âm 9,28%. COVID-19 đã thay đổi cơ bản hành vi của người tiêu dùng, nhu cầu con người bị kéo tụt về mức thấp.

Với hàng loạt chỉ số không mấy khả quan, kinh tế Việt Nam gần như chắc chắn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm nay. Nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng GDP 2021 sẽ khoảng 1,8 - 3%.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 3.

Có trải quá sóng dữ mới thể hiện được bản lĩnh của người lái thuyền. Năm 2021 cũng là năm ghi nhận dấu ấn của nhiều quyết sách chưa từng có nhằm kiểm soát dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế. Sự thay đổi từ mục tiêu "zero-Covid" sang "sống chung với virus" trước sự xuất hiện của biến chủng Delta là một bước ngoặt to lớn trong chủ trương điều hành của Chính phủ.

Vào tháng 7, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử được chính thức phát động với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Cho đến thời điểm hiện tại hơn 141 triệu mũi vắc xin đã được thực hiện.

Đầu tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cả nước tạm thời không giãn cách xã hội, các hoạt động được mở trong trạng thái bình thường mới, phong toả ổ dịch ở quy mô hẹp nhất, chống dịch nhưng không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân.

Sự kết hợp giữa chiến dịch tiêm chủng và thích ứng an toàn đã khiến kinh tế dần khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp kết thúc đà tăng trưởng âm, PMI ngành sản xuất tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cải thiện đáng kể.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, loạt "bàn tròn chính sách" cũng đã được tiến hành nhằm hiến kế về các chương trình phục hồi kinh tế. Hình hài của gói kích thích kinh tế đã dần được lộ rõ với thời gian dự kiến kéo dài hai năm và tập trung vào 5 nhóm giải pháp gồm y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, và cải cách hành chính. Quy mô của gói được đề xuất ở mức từ 3 - 5%, thậm chí tới 7% GDP.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 5.

Đó là những từ khóa "hot" nhất được nhắc đến trong năm 2021. Câu chuyện thiếu container xảy ra ở bên kia bán cầu tưởng chừng như chỉ xảy ra vài ngày đã kéo dài suốt cả năm 2021 vì dịch COVID-19.

Giá cước vận chuyển đi EU có thời điểm lên tới 11.000 USD/container 40 feet, tức tăng 12 lần, cước vận chuyển đi Mỹ từ tăng gấp 5 - 6 lần so với đầu năm 2020. Dịch bùng phát tại khu vực phía Nam cũng khiến các hãng tàu thế giới cắt chuyến và giảm chuyến về Việt Nam khiến nguồn cung càng thêm hạn chế.

Những nét vẽ làm nên bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 trước cơn sóng dữ COVID-19 - Ảnh 1.

Cho đến thời điểm hiện tại, những vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. 

Theo Bộ Công Thương, những khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ giảm dần từ cuối quý I/2022. Hoạt động vận tải biển được kỳ vọng sẽ trở lại bình thường vào năm 2023 khi quy mô đội tàu các hãng tăng 20% và việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng của các thị trường lớn được thực hiện.

Không chỉ với nước ngoài, thời điểm quý III, chuỗi cung ứng trong nước từng bị đứt gãy nghiêm trọng bởi các quy định chống dịch cứng nhắc và không đồng nhất ở các địa phương. Việc lúng túng trong phân loại "hàng hóa" thiết yếu, quy định giấy đi đường,… như một sợi dây vô hình trói chặt doanh nghiệp. 

Những tình huống oái oăm xảy ra ở khắp nơi, hàng km xe tải xếp hàng chờ vào thành phố trong khi siêu thị thiếu hàng để bán, tôm cá đến vụ không có chỗ tiêu thụ, doanh nghiệp sản xuất thiếu đầu vào,... Rất may tình huống này đã được giải toả khi Nghị quyết 128 ra đời.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 7.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải tăng phi mã và làn sóng bơm tiền để phục hồi kinh tế đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng tăng phi mã. Hiện tại, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn cao hơn khá nhiều so với hồi đầu năm.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 8.

Giá dầu đã tăng lên trên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong nhiều năm khi hoạt động kinh tế toàn thúc đẩy mạnh mẽ trở lại và do OPEC+ và các nước khai thác hạn chế sản lượng. Một số nhà kinh tế còn cảnh báo dầu thô có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Giá thép xây dựng năm nay cũng thiết lập kỷ lục bởi làn sóng đầu tư công trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào như than, quặng sắt cũng đều tăng mạnh thúc giá mặt hàng này tăng cao.

Giá than thế giới liên tục thiết lập đỉnh giá mới, có lúc đã đạt đỉnh 13 năm, chủ yếu do Trung Quốc đang ồ ạt thu mua than trên toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng.

Nguồn: Trading Economics.

Nhóm phân tích tại JPMorgan dự đoán đà tăng giá của thị trường hàng hóa sẽ làm nên thời kỳ phục hồi kinh tế bùng nổ hậu đại dịch. Một số người khác lại cho rằng đợt tăng giá đột biến này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào dịch vụ, giảm bớt nhu cầu vào những mặt hàng thâm dụng như điện tử và thiết bị gia dụng.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 9.

Lãi suất thấp, vòng quay vốn chậm lại khi kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 đã làm nên một "kỷ nguyên tiền rẻ" trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ba lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 đã "ngấm dần" và đưa lãi suất huy động xuống vùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Những nét vẽ làm nên bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 trước cơn sóng dữ COVID-19 - Ảnh 3.

Dòng tiền luẩn quẩn trong hệ thống tài chính - bất động sản và tập trung vào nhóm đối tượng dễ dàng tiếp cận với hệ thống ngân hàng như các doanh nghiệp lớn, những người giàu. Thị trường tài chính trở thành sân chơi của các định chế tài chính và giới đầu cơ. Đó là nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán, bất động sản chỉ bị ảnh hưởng tâm lý ban đầu và sau đó tăng bất chấp các tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế.

Một trong những "nghịch lý" trong đại dịch là khi COVID-19 vẽ nên bức tranh màu xám với nền kinh tế nói chung, những thời điểm cùng cực với ngành hàng không, du lịch thì các ngân hàng lại lãi lớn, thậm chí vượt kỷ lục lợi nhuận của nhiều năm trước.

Lợi nhuận của ngân hàng được lý giải đến từ sự chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay ra giảm không tương xứng) khiến biên lợi nhuận (NIM) tăng cao, thu từ chứng khoán đầu tư và những khoản thu khác như bancassurance,...

Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải đối mặt với bóng ma nợ xấu. Chất lượng tài sản chuyển biến rất nhanh, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh từng cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có thể xấp xỉ 8% sau khi thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ. 

531.000 tỷ đồng là tổng số nợ đã được cơ cấu lại nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 9, tương đương hơn 5,2% tổng dư nợ toàn hệ thống. Và có lẽ không ít trong số sẽ mãi là nợ xấu.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 11.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm COVID-19 thứ hai đầy thăng hoa. Sau khi vượt ngưỡng đỉnh 1.200 được thiết lập trong nhiều năm, VN-Index tiến lên đỉnh cao mới. Ghi nhận trong hai tháng cuối năm, có thời điểm chỉ số vượt ngưỡng 1.500 điểm. 

Những nét vẽ làm nên bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 trước cơn sóng dữ COVID-19 - Ảnh 4.

Với đà tăng phi mã của các dòng cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản, thép, cảng biển… thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng tiền lớn tham gia. 

Tổng hợp trong 11 tháng đầu năm nay, thị trường đón nhận hơn 1,3 triệu tài khoản mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường đạt trên 4 triệu. Trong tháng 11 năm nay, số tài khoản mới đạt kỷ lục 221.314 tài khoản. Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm phần lớn. 

Hệ quả từ việc nhà đầu tư mới ồ ạt tham gia là thanh khoản thị trường đạt mức kỷ lục mới. Những phiên thanh khoản với quy mô trên 1 tỷ USD trở nên quen thuộc với nhà đầu tư. Trong nhiều phiên giao dịch, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường vượt ngưỡng 2 tỷ USD, tiệm cận ngưỡng 3 tỷ USD.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 13.

Cùng với làn sóng giá chứng khoán, giá bất động sản cũng tăng vọt tạo nên một cơn sốt giá đất tại khắp các tỉnh thành, từ nông thôn đến thành thị. Đầu năm 2021 là thời điểm "nóng" nhất của thị trường khi người người, nhà nhà đi mua đất.

Mức độ quan tâm tới bất động sản trong quý đầu năm tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 14.

Bộ Xây dựng cho biết nhiều thông tin quy hoạch được công bố thời điểm nửa cuối quý I/2021 đã tạo nên hiện tượng giá đất tăng nóng ở nhiều địa phương từ TP Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP HCM (Thủ Đức) đến các tỉnh thành như Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Bình Thuận (TP Phan Thiết và thị xã La Gi), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Đất tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận tại Hà Nội bị đẩy lên tương đương 30 - 50 triệu/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Còn tại TP HCM, giá nhà đất ở khu vực Thủ Đức ghi nhận biến động trước thông tin lên thành phố. Đơn cử, giá đất tại tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng,… vị trí đất mặt đường có nơi đã lên tới gần 200 triệu đồng/m2.

Kỷ lục giá đất 2,4 tỷ đồng/m2 khi một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm mới đây đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và chuyên môn. Mức giá này được ví là "không tưởng", vượt giá đất trung tâm quận 1 và nhiều nơi đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 15.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã có một năm bùng nổ đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp bất động sản. 11 tháng đầu năm, tổng giá trị huy động trong nước đạt 495.000 tỷ đồng trong đó nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất 37,8%, gần 1/3 trong số đó là trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 13.

Sự kiện Evergrande ở Trung Quốc được coi là bài học nhãn tiền và đã làm dấy lên những lo ngại về rủi ro thậm chí là bong bóng trên thị trường trái phiếu bất động sản trong nước. Việc bất cân xứng thông tin giữa bên mua và bên bán cũng là rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nhằm kiểm soát những biến tướng trong phát hành trái phiếu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Apec Group, VsetGroup cùng CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) là những cái tên đầu tiên bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước "tuýt còi" vì phát hành trái phiếu sai quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 15/1/2022) nhằm siết nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào bất động sản, được các chuyên gia đánh giá cao trong việc điều tiết, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia.

Quy định này buộc doanh nghiệp bất động sản phải thích nghi khi nguồn vốn bị siết lại nên không thể đầu tư tràn lan, sử dụng vốn không có trọng tâm như trước nữa. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tập trung vào các dự án khả thi nhất, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) nhận định.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 16.

COVID-19 có thể là phép thử đối với các doanh nghiệp lớn, buộc họ phải thay đổi chiến lược để thích nghi nhưng lại là đòn giáng chí mạng với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một năm đại dịch, hơn 106 nghìn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể,.... Bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tính trong 11 tháng đầu năm) trong đó phấn lớn là có quy mô vốn thấp dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng.

Việc xuất hiện ổ dịch tại khu công nghiệp Bắc Giang khiến chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI như Samsung phải tạm dừng sản xuất và bị ảnh hưởng trong một thời gian. Các khu công nghiệp trọng điểm phía Nam hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp quy mô nhân công lớn điêu đứng khi phải áp dụng 3 tại chỗ là những gì đã xảy ra trong làn sóng dịch thứ tư.

Đặc biệt, vết thương do đại dịch gây ra cho ngành dịch vụ, F&B vẫn chưa thể nguôi ngoai. Loạt nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, nhiều cái tên tiêu biểu như Soya Garden, The Coffee House, hay Golden Gate,… phải co hẹp thị trường.

Không chỉ nhà hàng, khách sạn, các rạp chiếu phim cũng trong cảnh ngộ cửa đóng then cài gần như cả năm. Giám đốc nội dung CGV nói rằng doanh thu phòng vé gần như bằng 0, nếu mở cửa chậm nhiều công ty có thể đứng trước nguy cơ phá sản. Tất cả đều cho thấy một bức tranh xám xịt trong ngành kinh doanh dịch vụ năm qua.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 17.

"Trong nguy có cơ". COVID-19 đã mở ra cơ hội cho quá trình chuyển đổi số. Nhen nhóm từ lâu song đến năm 2021 kinh tế số mới được coi là bùng nổ tại Việt Nam. Giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc khiến cho người dân hiểu và tiếp nhận quá trình chuyển đổi số dễ dàng hơn bao giờ hết.

Học online, kinh doanh online, video conference, thương mại điện tử,... đã trở nên quá quen thuộc trong đời sống của người dân trong đại dịch. Có thể nói rằng nếu không có đại dịch COVID-19, không thể có bước tiến nhanh như vậy. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị một số công ty công nghệ tại Việt Nam trong năm qua đã tăng 200% trên sàn giao dịch TP HCM. Báo cáo do Google, Temasek và Bain công bố cho thấy Hà Nội và TP HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực.

Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 13 tỷ USD trong năm 2021 và được kỳ vọng trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Riêng trong ngành bán lẻ, trong năm qua Việt Nam chứng kiến lượng lớn khách hàng đổ lên mua sắm tại các kênh bán online của các đơn vị như Bách Hoá Xanh, VinMart,… khi các lệnh giãn cách hạn chế khả năng di chuyển của nhiều người.

Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica, Tiki trong năm qua từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó số hoá nền kinh tế được nhận định sẽ là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo của đất nước.

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2021: Đương đầu với 'sóng dữ' COVID-19 - Ảnh 18.


Nhóm phóng viên
Alex Chu
Doanh nghiệp niêm yết