|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Trong 15 năm đầu tiên điều hành Tiger Global Management, ông Chase Coleman luôn mặc vest với hy vọng có thể che giấu sự non nớt về mặt kinh nghiệm của mình trong mắt các nhà đầu tư. Hiện tại, công ty của ông đối mặt với một rủi ro danh tiếng khác.

Trong hai thập niên đầu tiên kể từ sau khi thành lập vào năm 2001, Tiger Global đã trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ có lợi nhuận tốt nhất. Công ty này có cổ phần trong nhiều startup tỷ USD hơn bất kỳ công ty nào khác, theo CB Insights.

Dù vậy, tập đoàn hơn 70 tỷ USD gần đây lại được biết đến theo một khía cạnh khác: phong cách đầu tư tốc độ cao khiến nhiều nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon nản lòng.

Tiger Global sẵn lòng hành động nhanh hơn, trả giá cao hơn và bỏ qua những chiếc ghế trong hội đồng quản trị của các startup đang có tốc độ tăng trưởng cao. Phong cách đầu tư, vốn từng phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đang khiến nước Mỹ dậy sóng. Nhiều đối thủ của Tiger Global cảm thấy bị đe doạ bởi phong cách đầu tư táo bạo này.

Trong năm nay, Tiger Global đã đầu tư hơn 170 thương vụ vào startup, nhiều hơn gấp đôi tổng số thương vụ đầu tư trong cả năm 2020, theo PitchBook. Tiger Global là nhà đầu tư dẫn dắt trong hơn một nửa số thương vụ nói trên, tương đương tốc độ ba thương vụ mỗi tuần.

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 1.

Ông Scott Shleifer, người dẫn dắt và quản lý các khoản đầu tư lớn của Tiger Global vào các startup công nghệ đang khiến giới đầu tư "trầm trồ". (Ảnh: Entrackr).

Tiger Global đã "truyền cảm hứng" cho nhiều nhà đầu tư "bắt chước" phong cách của mình trong bối cảnh thị trường đại chúng thu hẹp và lãi suất thấp khiến nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao ở các công ty công nghệ. Dù vậy, không nhiều công ty có khả năng áp dụng chiến lược nói trên ở quy mô của Tiger Global.

"Tập trung của Tiger Global là hành động nhanh và kiếm tiền", ông Nazar Yasin, một cựu nhân sự của Tiger Global chia sẻ. Ông rời công ty vào năm 2013.

Trong phần lớn lịch sử của mình, cách tiếp cận của Tiger Global mang lại nhiều khoản hời lớn. Tuy nhiên, cũng có thời điểm Tiger Global gặp sai lầm trong lúc mở rộng ra hơn 30 quốc gia, nguồn tin thân cận nói với Financial Times.

Các nhà đầu tư mạo hiểm Thung lũng Silicon bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu chăng Tiger Global đang muốn kéo căng giới hạn của mình trong lúc tìm kiếm một quỹ 10 tỷ USD từ các nhà đầu tư.

Ông Michael Ewens, một nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ California, nói rằng ông không thể nghĩ ra công ty đầu tư mạo hiểm truyền thống nào đầu tư nhanh như Tiger Global.

"Nếu họ vẫn kiếm được tiền theo mô hình đó, mọi người đều được hưởng lợi", ông Ewens chia sẻ. "Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư mạo hiểm có thể đang làm sai cách. Phải mất từ 5 đến 8 năm để biết mọi thứ đúng hay sai".

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 2.

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 3.

Tiger Global bắt đầu hoạt động ở thời điểm không quá thuận lợi. Công ty này bắt đầu gọi vốn cho quỹ phòng hộ của mình sau khi bong bóng dot-com phát nổ vào năm 2001. Có tên gọi ban đầu là Tiger Technology, quỹ này hướng đến các công ty đại chúng tăng trưởng nhanh.

Coleman, khi đó 25 tuổi, nhận được sự hỗ trợ từ ông Julian Robertson của Tiger Management, một trong những quỹ phòng hộ cao cấp đầu tiên.

Từ khởi đầu đó, Coleman đã trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ lạc quan nhất trong thế hệ của mình. Năm nay, Forbes ước tính ông có khối tài sản 10,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi người thầy Julian Robertson.

Mặc dù Tiger Global nổi tiếng trong vai trò một quỹ phòng hộ, gần đây, công ty này nổi lên với các khoản đầu tư vào các startup (công ty tư nhân), dưới sự điều hành bởi một nhân sự lâu năm là Scott Shleifer.

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 4.

Một trong những chìa khoá trong chiến lược của Tiger Global là thuyết phục các nhà đầu tư liên tục đầu tư mỗi năm vào quỹ đầu tư công nghệ ngày càng phình to của nó. Sau khi kêu gọi được gần 6,7 tỷ USD vào tháng 3, Tiger Global đã đầu tư phần lớn số vốn này cho tới tháng 6, theo thông điệp gửi các nhà đầu tư. Quỹ 10 tỷ USD mới của Tiger Global dự kiến sẽ bắt đầu nhận vốn sớm nhất vào tháng 10.

Trong hồ sơ giới thiệu, Tiger Global nhấn mạnh rằng tiềm năng cho các công ty công nghệ đang mở rộng ra toàn thế giới. Nhóm công ty này ngày càng chiếm tỷ trọng đầu ra kinh tế lớn hơn.

Trao đổi với các nhà đầu tư hôi tháng 6, Tiger Global nói rằng công ty đã từng "liên tục đánh giá thấp" thị trường của các công ty công nghệ tư nhân. Sáu tháng trước đó, dữ liệu cho thấy một cơ hội thị trường trị giá 3 nghìn tỷ USD. Hiện tại, con số này tiệm cận mốc 5 nghìn tỷ USD, theo Tiger Global. Tiger Global nói rằng khoản quỹ 10 tỷ USD mới sẽ được dùng để mua 2% cổ phần của ByteDance, công ty cổ phần của TikTok, mà không đầu tư thêm vào bất kỳ công ty nào khác.

Một nguồn tin thân cận nói rằng, thời gian gần đây, Tiger Global đang muốn mua hàng tỷ USD giá trị cổ phần của ByteDance trong một đợt phát hành thứ cấp ở mức định giá công ty 400 tỷ USD đến 450 tỷ USD. Tiger Global tin rằng khoản đầu tư này sẽ tăng trưởng gấp đôi. Ở định giá trên, ByeDance có định giá cao gấp hơn hai lần định giá 180 tỷ USD nhận được từ các nhà đầu tư tháng 12 năm ngoái.

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 5.

Chuỗi đầu tư của Tiger Global khiến các đối thủ bối rối và xì xào rằng công ty này xem nhẹ việc thẩm định và trả giá cao, tương tự như SoftBank.

Về phần mình, Tiger Global khẳng định vẫn "giữ kỷ luật". Nguồn tin thân cận với chiến lược của Tiger Global nói rằng họ đặt kỳ vọng lợi nhuận cao từ các startup trong các lĩnh vực như phần mềm kinh doanh hoặc công nghệ tài chính.

Một số đối thủ đã so sánh danh mục đầu tư của Tiger Global giống như một chỉ số của thị trường công nghệ tư nhân. Ở các mảng nóng bỏng như giao đồ ăn, Tiger Global đầu tư vào nhiều công ty cạnh tranh lẫn nhau, điều mà các nhà đầu tư truyền thống thường tránh.

Vì sự phổ biến của mình, Tiger Global trở thành một hình mẫu cho loạt công ty như Altimeter Capital Management và Coatue Management. Các công ty này đều từng chỉ đầu tư vào thị trường đại chúng trước khi chuyển sang nhóm công ty tư nhân. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn đối thủ để đổi lấy cổ phần trong các startup có tiềm năng thâu tóm miếng bánh lớn trên thị trường.

Ông Michael Larsen, giám đốc điều hành tại Cambridge Associates, so sánh hiện tượng trên như một thứ "tôn giáo". "Bạn hành động theo cách mà phần còn lại của thị trường không thể ngờ đến", ông nhấn mạnh.

Các công ty khác cũng đang cố gắng bắt nhịp. Everett Randle, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Founders Fund, nói rằng Tiger Global "đang chơi cuộc chơi khác"  so với các nhà đầu tư truyền thống do đã "phá bỏ nhiều luật chơi lâu năm và cổ hủ".

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 6.

Các nhà đầu tư mạo hiểm nói Tiger Global thường xuyên liên hệ với các công ty và chia sẻ điều khoản đầu tư trước khi họ chuẩn bị gọi vốn. Điều từng bị xem là cấm kị.

Không giống các nhà đầu tư công nghệ khác, Tiger Global không thường nhận ghế hội đồng quản trị trong startup và hiếm khi tham gia vào hoạt động vận hành. Tốc độ đầu tư của Tiger Global cũng rất cao. Việc "chốt deal" có thể chỉ mất vài ngày thay vì vài tuần.

Chiến lược của Tiger Global được triển khai tương tự trên toàn thế giới trong lúc công ty này tìm kiếm các công ty Internet có điểm tương đồng các công ty lớn của Mỹ như Amazon hay Google.

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 7.

Yasin, một cựu nhân sự của Tiger Global, nói rằng ông từng gửi email đến các nhà sáng lập để nói về các khoản đầu tư tiềm năng sau khi tìm các website phổ biến bằng Alexa. Tiger Global đồng thời thuê McKinsey để thực hiện thẩm định.

"Thông thường, người sáng lập tại nhiều thị trường thường đón nhận nếu bạn xuất hiện với một tập séc trong tay và bạn có thể đầu tư một số tiền lớn vào bất kỳ vòng đầu tư nào mà họ đang thực hiện kêu gọi", ông Yasin chia sẻ.

Việc tìm kiếm một ứng viên tương tự Amazon bắt đầu ở Trung Quốc vào năm 2013. Trong một chuyến công tác sau khi dịch SARS bùng phát, ông Shleifer đầu tư vào ba công ty Alibaba, eLong và Joyo.

Công ty nhanh chóng nhận được khoản hời khi eLong niêm yết tại Mỹ trong khi đó Joyo "chốt bán mình" cho Amazon vào năm 2014. Tuy nhiên, Shleifer từng từ chối cơ hội mua 4% cổ phần Alibaba ở định giá 250 triệu USD. Trong chia sẻ với các nhà đầu tư, Tiger Global thừa nhận mình đã bỏ qua một khoản lợi nhuận lớn khi là nhà đầu tư sớm vào Alibaba.

Tiger Global nhanh chóng mở rộng sang Nga và đầu tư vào Yandex và Mail.ru, cả hai công ty này đều xây dựng các cổng tìm kiếm tương tự Google.

Công ty này sau đó đầu tư vào DST Global, một quỹ công nghệ do Yuri Milner (CEO Mail.ru) quản lý. Khoản đầu tư này giúp Tiger Global sớm tiếp cận được với Facebook sau khi DST Global đầu tư 200 triệu USD vào mạng xã hội này ở định giá 10 tỷ USD, 3 năm trước khi Facebook thực hiện IPO vào năm 2012.

Mặc dù nhiều nhà đầu tư nhìn nhận mức giá đã bị thổi phồng, theo chân DST Global, Tiger Global tiếp tục đầu tư vào Facebook, một trong những khoản đầu tư lớn đầu tiên của Tiger Global tại Mỹ. Công ty đầu tư gần 290 triệu USD vào Facebook trong ba năm trước thới điểm Facebook IPO. Số tiền đầu tư tăng gấp ba lần trước khi Tiger Global bán, theo hồ sơ quỹ.

Cùng thời điểm, Tiger Global cũng đào sâu vào thị trường Ấn Độ. Các nhà sáng lập startup và nhà đầu tư mạo hiểm đều cho rằng Tiger Global có sức ảnh huưởng lớn tại đây.

Dữ liệu PitchBook cho thấy Tiger Global đã đầu tư gần 170 thương vụ ở Ấn Độ từ năm 2016. Một số trong đó thuộc hàng lớn nhất Ấn Độ. Năm 2014, Tiger Global khiến các nhà đầu tư đối thủ bị sốc khi dẫn dắt vòng đầu tư 1 tỷ USD vào Flipkart, ở một định giá tương đương 3 hoặc 4 lần doanh số bán hàng của startup này.

Dù vậy, khác với các đối thủ như Sequoia Capital India, sự hiện diện chính thức của Tiger Global ở Ấn Độ là khá mờ nhạt. Văn phòng của nó ở Bangalore chỉ có 2 nhân sự làm việc ở mảng nghiên cứu.

Trivikraman Thampy nói Tiger Global đã đầu tư 5 triệu USD vào công ty game của anh có tên Game 24x7 sau chỉ một cuộc điện thoại. Cuối năm 2020, Tiger Global cho biết 4,1 triệu USD cổ phần công ty Game 24x7 đã tăng giá trị hơn 50 lần.

Từ năm 2016, Tiger Global giảm nhịp đầu tư tại Ấn Độ nhưng đã trở lại mạnh mẽ hơn vào năm nay với 29 thương vụ.

"Họ rất quyết liệt", ông Thampy chia sẻ. "Nếu tìm thấy thứ mà họ tin rằng là mô hình kinh doanh chuẩn ở thị trường phù hợp cùng những doanh  nhân phù hợp, họ sẽ không chần chừ".

Tiger Global: Quỹ đầu tư liều ăn nhiều đang khiến cả Thung lũng Silicon 'điên đầu' - Ảnh 8.

Các khoản đầu tư của Tiger Global không phải khi nào cũng mang đến kết quả như kế hoạch. Hồ sơ quỹ cho thấy quỹ đầu tư công nghệ tư nhân số 4 và số 6 của Tiger Global chỉ mang lại lãi suất hoàn vốn nội bộ (IRR) dưới 10% cho đến cuối năm 2020, sau khi trừ đi phí.

Một số quỹ khác lại mang đến thắng lợi lớn. Quỹ công nghệ số 5 với cổ phần của JD.com, Flipkart và Facebook, mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận cao gấp 8 lần vốn góp. Chỉ riêng khoản đầu tư vào JD.com đã biến 220 triệu USD thành 6,8 tỷ USD.

Tiger Global khẳng định các quỹ côcng nghệ tư nhân đã mang về IRR trung bình 26% qua thời gian, sau phí. Đồng thời, chưa có quỹ nào thua lỗ.

Dù vậy, tại một số quốc gia nhất định, Tiger Global lại gặp khó khăn. Ở Brazil, Tiger Global lỗi 85% của khoản đầu tư 220 triệu USD từ quỹ công nghệ số 6 vào 8 công ty. Sau đó, Tiger Global đã thu hẹp quy mô đầu tư tại đây.

Ở Ấn Độ, Tiger Global nói với các nhà đầu tư rằng công ty đã "mắc sai lầm nhưng có nhiều cơ hội để cải thiện". Tiger Global đã đợi nhiền năm để các khoản đầu tư vào Ấn Độ mang lại trái ngọt. Flipkart là đại diện rõ rệt cho điều này. Tiger Global thu lợi lớn sau khi Flipkart bán phần lớn cổ phần cho Walmart vào năm 2018 với giá trị 16 tỷ USD. Đến nay, Tiger Global vẫn nắm giữ 20% cổ phần Flipkart. Theo Financial Times, Walmart đang dự tính sẽ thực hiện IPO cho Flipkart sớm nhất vào năm nay.

Tiger Global nói với các nhà đầu tư rằng sai lầm của nó là không nắm giữ cổ phần mang đến lợi nhuận cao lâu hơn và dành nguồn lực đầu tư vào các công ty blue-chip trước quan ngại về định giá.

Một số nhà đầu tư lo ngại về những xao nhãng xuất hiện khi các cá nhân tích luỹ được nhiều tỷ USD tài sản. Hồi tháng 2, Shleifer mua nhà trị giá 132 triệu USD ở Beach, Florida, một mảnh đất từng thuộc sở hữu của ông Donald Trump. Đây là giao dịch bất động sản đắt đỏ nhất trong lịch sử thị trấn này.

Hồi giữa những năm 2010, nhiều nguồn tin nói rằng ông Coleman âm thầm rút khỏi việc điều hành công ty hàng ngày. Ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để tương tác với các nhà đầu tư, bao gồm việc chơi golf. Coleman quay lại quản trị điều hành Tiger Global ào năm trước khi nhiều nhân sự quan trọng rời công ty.

Gần đây, Coleman đóng vai trò rõ rệt trong nhiều thương vụ đầu tư lớn, bao gồm công ty AI Scale AI, 2 nguồn tin nói.

Hồi tháng 12, Scale AI công bố vòng đầu tư do Tiger Global dẫn dắt đưa giá trị của nó lên 3,5 tỷ USD. Bốn tháng sau đó, Tiger Global thu xếp một vòng gọi vốn khác đưa định giá Scale AI lên 7 tỷ USD.

Thời điểm đó, Scale có doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD, theo nguồn tin thân cận với thương vụ. Điều này đồng nghĩa với việc Tiger Global đang định giá công ty cao hơn gấp 70 lần doanh thu. Một con số chưa nhiều người nghe đến cho tới năm nay.

Nam Khánh
Financial Times, PitchBook
Doanh Nghiệp Niêm Yết