Hiện nay, khoảng khoảng một năm sau ngày tốt nghiệp, cô Amy có thu nhập khoảng 50.000 USD mỗi năm với công việc tuyển sinh sau đại học tại thành phố Winchester. Với thu nhập này, hàng tháng cô phải trả 279 USD cho "nhà đầu tư" đã cấp tiền để cô học đại học, con số này vẫn thấp hơn tiền mà cô phải trả nợ vay mua ô tô.
Nếu cô trở thành một "siêu sao" trong công việc của mình, thu nhập của cô sẽ tăng lên và số tiền cô phải trả cho các nhà đầu tư có thể gấp đôi số hiện nay. Nếu cô mất việc, cô sẽ không phải trả đồng nào và những người đầu tư vào cô đành phải chờ đợi trong đau khổ cho tới khi cô tìm được việc mới.
Cô Amy tham gia thỏa thuận kì lạ này khi cô còn học tại Đại học Purdue, bang Indiana. Để có tiền trang trải chi phí hàng tháng, cô không nhận các khoản vay cho sinh viên vốn rất phổ biến mà thay vào đó cô đồng ý trả một tỉ lệ cố định thu nhập trong tương lai thông qua một công cụ tài chính mới có tên gọi "Thỏa thuận chi sẻ thu nhập" (Income-sharing agreement – ISA).
Nói cách khác, các nhà đầu tư đang chuyển hướng từ cho sinh viên vay sang mua cổ phần của sinh viên. Khoản thu nhập mà một người phải "chia sẻ" hay trả cho nhà đầu tư có thể được so sánh với cổ tức mà công ty trả cho cổ đông. Nếu một người có thu nhập cao (doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn) thì trả cho NĐT nhiều. Nếu một người kiếm được ít hay không kiếm được tiền (doanh nghiệp lãi ít hay thua lỗ) thì không cần trả cho nhà đầu tư.
Nếu cá nhân và doanh nghiệp đi vay, cho dù thu nhập cao, thấp hay thua lỗ cũng đều phải trả nợ đủ và đúng hạn cho chủ nợ, bằng không sẽ bị siết nợ và tuyên bố phá sản. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa ISA và các khoản vay sinh viên.
Ở Wall Street, cô Amy có thể được coi là một công ty siêu nhỏ. Mẹ cô làm phục vụ bàn, cha cô làm chuyên viên quản lí chất lượng tại một xưởng ô tô. Là một người chăm chỉ, khi học đại học cô luôn làm ít nhất hai công việc bán thời gian (part-time) gồm trợ giảng tại trường Purdue, nhân viên thu ngân tại chuỗi bán lẻ Target và một lao động mùa vụ tại Amazon. Thể hiện được tiềm năng lãnh đạo cũng như thu nhập, cô thăng tiến đến vị trí Phó Chủ tịch của Delta Sigma Pi, một hội sinh viên làm kinh doanh.
Những tố chất này của cô đã gây ấn tượng mạnh với một tổ chức có tên Vemo Education – chuyên đầu tư vào các sinh viên đại học tại Purdue và một số trường khác.
Dư nợ từ thời sinh viên của toàn bộ dân Mỹ hiện nay là khoảng 1.500 tỉ USD và trở thành một gánh nặng đối với giấc mơ của mỗi người cũng như cả nền kinh tế Mỹ. Theo thống kê của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, khả năng một người trẻ tuổi hiện nay mua được nhà thấp hơn nhiều so với một người trẻ tuổi vào năm 2005. Ngay cả những người già đến trên 60 tuổi vẫn chưa trả hết nợ vay từ thời học đại học.
Khi phải gánh trên vai một khoản nợ từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, người ta dễ đánh mất tự do tài chính của bản thân. Vì hàng tháng phải lo nghĩ dành ra một khoản tiền đáng kể để trả nợ bất kể thu nhập tháng đó ra sao, những cử nhân sau khi tốt nghiệp sẽ khó có khả năng tiết kiệm cho tuổi già, không dám mua nhà hay mua xe.
Họ cũng không dám mạo hiểm để lập công ty riêng hay theo đuổi những ý tưởng khởi nghiệp, vì lỡ có gì trắc trở thì tiền đâu mà trả nợ? Những áp lực này cũng khiến nhiều người bị stress nặng, trì hoãn quyết định kết hôn và có con, lượng thuốc chống trầm cảm được sử dụng tại Mỹ cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là việc chi phí học đại học tăng nhanh hơn tiền lương của người dân. Trong giai đoạn 1989-2016, số tiền một sinh viên phải bỏ ra để nhận được một tấm bằng cử nhân tăng 2,6%/năm sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Nghe không có gì ghê gớm nhưng trong cùng giai đoạn này, tiền lương bình quân của người dân Mỹ chỉ tăng 0,3%/năm sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Nói cách khác, chi phí học đại học tăng nhanh gấp hơn 8 lần tiền lương.
Các tổ chức tài chính Wall Street coi cuộc khủng hoảng nợ sinh viên này là một cơ hội làm ăn hấp dẫn. Trung bình, một người tốt nghiệp đại học tại Mỹ có tổng thu nhập cao cả đời hơn so với người không tốt nghiệp đại học khoảng 1 triệu USD. Do vậy, các nhà đầu tư có thể kiếm được một phần thu nhập trội lên này thông qua các thỏa thuận ISA.
Ông Chuck Trafton, quản lí quĩ đầu cơ FlowPoint Capital Partners LP nhận định: "Hiện nay các sinh viên chỉ biết đi vay nhưng tôi nghĩ sẽ có cả một thị trường vốn chủ sở hữu (equity market) mới cho sinh viên trong 5 năm tới đây". Quĩ của ông đầu tư khá nhiều vào các thỏa thuận chia sẻ thu nhập ISA, bao gồm cả ở trường Purdue của cô Amy.
Các chuyên gia về ISA cho biết họ nhận được những cuộc gọi từ một số nhà quản lí quĩ đầu tư thuộc hàng lớn nhất thế giới, bày tỏ quan tâm và ý định rót tiền vào ISA. Ông Tony James, Phó Chủ tịch điều hành tại tập đoàn quản lí tài sản Blackstone Group LP thì thành lập Viện Tài chính Giáo dục để giúp các trường nghiên cứu và phát triển mô hình ISA.
Đến thời điểm này, qui mô của thị trường ISA chỉ ở khoảng vài chục triệu USD, một con số tí hon khi so với khoảng 170 tỉ USD chứng khoán được bảo đảm bằng nợ sinh viên. Chỉ một số trường cho phép nhà đầu tư từ bên ngoài mua "cổ phần" của sinh viên. Các trường khác tìm kiếm các nhà tài trợ cá nhân, chủ yếu là các cựu sinh viên giàu có, hoặc sử dụng tiền quyên giúp (endowment) của mình.
Sau khi Purdue bắt đầu chương trình ISA năm 2016, một số trường tư thục nhỏ hơn như Lackawanna College và Norwich University cũng đang mời chào ISA. Đại học Utah mới đây cũng thông báo bắt đầu một chương trình thử nghiệm.
Thỏa thuận chia sẻ thu nhập ISA làm dấy lên rất nhiều câu hỏi như: Bao nhiêu sinh viên sau khi ra trường sẽ thất nghiệp và không có khả năng trả tiền cho nhà đầu tư? Các nhà đầu tư tại Wall Street sẽ đòi hỏi lợi nhuận thế nào để bù lại rủi ro này?
Nhìn chung, sinh viên học những ngành hấp dẫn có tiềm năng thu nhập cao thì tỉ lệ thu nhập phải chia sẻ cho nhà đầu tư sẽ thấp hơn. Chẳng hạn ở đại học Purdue, sinh viên ngành Tiếng Anh vay 10.000 USD phải trả 4,52% thu nhập tương lai trong vòng 10 năm, sinh viên ngành kĩ sư hóa học chỉ cần trả 2,57% thu nhập trong khoảng hơn 7 năm.
Để tránh việc sinh viên phải trả số tiền quá lớn khi nhận được công việc có thu nhập cao, trường Purdue giới hạn tổng số tiền mà một sinh viên trả không được vượt quá 2,5 lần giá trị khoản vay. Những người có thu nhập thấp dưới 20.000 USD một năm sẽ không phải trả tiền, miễn là họ đang làm việc toàn thời gian (full time) hoặc vẫn đang tìm việc. Những người làm việc bán thời gian hoặc không chủ động tìm việc sẽ chỉ được hoãn trả nợ, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải trả trong thời gian dài hơn.
Trường Purdue đã thu xếp hơn 700 hợp đồng chia sẻ thu nhập tổng trị giá 9,5 triệu USD và đã đóng hai quĩ đầu tư trị giá 17 triệu USD. Ông David Cooper – Giám đốc đầu tư của Purdue đã giúp phát triển chương trình ISA này và quảng cáo nó tới các nhà đầu tư sau gần một thập kỉ giám sát đầu tư cho hệ thống hưu trí tại Indiana. "Chúng tôi cảm thấy mức định giá là khá hấp dẫn cho sinh viên, đồng thời lợi suất cho nhà đầu tư cũng hợp lý", ông Cooper nhận định.
Cô Charlotte Hebert năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp trường Purdue năm 2017. Cô có những cảm xúc trái ngược về thỏa thuận ISA trị giá 27.000 USD mà cô nhận khi học năm cuối đại học ngành viết văn chuyên nghiệp. Theo thỏa thuận này, cô Charlotte phải trả 10% thu nhập hàng năm của mình cho nhà đầu tư (một người học làm kĩ sư chỉ cần trả 7,5% vì có thu nhập cao hơn).
Cha và mẹ cô là giáo viên và y tá, bản thân cô hiện nay là một người viết kĩ thuật cho một công ty thiết kế và có thu nhập khoảng 38.000 USD một năm. Mỗi tháng cô phải trả cho nhà đầu tư 312 USD.
Cô tâm sự: "Tôi không nghĩ đây là một giải pháp hoàn hào. Trong một xã hội mà hầu hết người lao động đều cần có một tấm bằng cử nhân để tìm được một công việc giúp ích cho bản thân và cộng đồng, chi phí học đại học không nên cao tới mức này".