Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà có lẽ đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với thế hệ của chúng ta. Những quyết định mà người dân và các chính phủ đưa ra trong thời gian này có thể sẽ định hình thế giới tương lai. Không chỉ về y tế mà còn về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Trong thời gian gấp rút, chúng ta cần hành động nhanh chóng và dứt khoát. Tuy vậy, ta cũng nên cân nhắc đến hậu quả về lâu về dài của những hành động này. Khi đứng giữa những sự lựa chọn, ta sẽ tự hỏi chọn lựa như thế nào để vừa nhanh chóng vượt qua mọi chuyện, vừa không để lại quá nhiều hậu quả cho ngày sau.
Mọi biến cố dù tồi tệ đến đâu rồi cũng sẽ đi qua, chỉ có những quyết định của hiện tại mới ảnh hưởng đến tận mãi về sau. Loài người sẽ vượt qua được khủng hoảng này, phần lớn chúng ta sẽ sống sót nhưng là sống trong một thế giới đã đổi thay.
Sẽ có nhiều biện pháp khẩn cấp mang tính tạm thời được thực hiện, dù tạm thời nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta về sau. Đó là bản chất của sự khẩn cấp. Các biện pháp khẩn cấp sẽ đẩy nhanh dòng chảy của lịch sử.
Bình thường chúng ta cần cân nhắc nhiều thứ và mất nhiều thời gian để đưa ra một quyết định, nhưng vào thời khắc hiểm nghèo, mọi thứ được thông qua chỉ vài giờ. Những quyết định này có thể là các công nghệ còn chưa hoàn thiện, thậm chí gây nguy hiểm được đưa vào sử dụng nhanh chóng vì thà như vậy còn hơn chẳng có gì.
Cả một quốc gia trở thành vật thí nghiệm, cùng nhau thử nghiệm những điều mới. Sẽ như thế nào nếu chúng ta làm việc tại nhà, giao tiếp từ xa, học trực tuyến? Bình thường chính phủ, doanh nghiệp và các trường học sẽ không bao giờ chấp nhận điều này, nhưng giờ đây chúng ta đang làm điều đó mỗi ngày.
Trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Đầu tiên là chọn lựa giữa sự giám sát toàn trị hay trao quyền cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập quốc gia hay sự đoàn kết toàn cầu.
Ngày nay, không quá khó để chính phủ giám sát toàn bộ công dân của nước mình. Trong cuộc chiến chống lại nCoV, nhà nước Trung Quốc đã áp dụng công nghệ giám sát mới chưa từng được thực hiện trước đây: thông qua điện thoại của người dân, hàng trăm triệu camera giám sát và buộc công dân phải khai báo y tế, đo thân nhiệt.
Bằng cách này, chính quyền đất nước tỷ dân không chỉ nhanh chóng xác định được những ca nghi nhiễm mà còn truy lùng ra được hành tung của các cá nhân này cũng như bất cứ ai từng tiếp xúc với họ. Hàng loạt ứng dụng điện thoại ra đời nhằm cảnh báo người dân khi có một ca nhiễm bệnh ở gần.
Ở Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng cho phép cơ quan tình báo triển khai công nghệ giám sát vốn chỉ dùng để lùng bắt các phần tử khủng bố. Công nghệ này được dùng để theo dõi các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Khi ủy ban phụ trách của quốc hội phủ quyết, ông Netanyahu thông qua bằng một sắc lệnh khẩn cấp.
Nghe qua những điều này thì thấy có vẻ chuyện vẫn như cũ, không có gì mới cả. Chính phủ và các tập đoàn công nghệ trước giờ vẫn dùng công nghệ để theo dõi người dân. Thế nhưng, sau khi dịch bệnh đi qua, việc triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở cả những quốc gia cho đến nay vẫn từ chối áp dụng. Hơn thế nữa, đó còn là một bước chuyển đột ngột từ giám sát ngoài da sang giám sát dưới lớp da.
Trước kia khi bạn mở một trang web nào đó, chính phủ biết được bạn đã truy cập và xem thông tin gì. Nhưng giờ đây, mục tiêu của chính phủ không chỉ dừng lại ở đó mà còn muốn biết được nhiệt độ đầu ngón tay của bạn, huyết áp bên trong ngón tay của bạn, khi bấm vào đường link đó.
Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt khi bàn về việc chính phủ giám sát công dân là không một ai biết chúng ta đang bị giám sát như thế nào, việc này sẽ tiếp diễn ra sao trong tương lai. Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Những thứ mà 10 năm trước dường như chỉ có trong khoa học viễn tưởng ngày nay không còn mới lạ.
Lấy thí dụ, một chính phủ giả định yêu cầu tất cả công dân đeo vòng tay sinh trắc học giúp theo dõi thân nhiệt và nhịp tim suốt 24 giờ mỗi ngày. Chính phủ sẽ dùng thuật toán để lưu trữ và phân tích dữ liệu thu thập được. Thuật toán máy tính sẽ cho biết bạn có nhiễm virus hay không trước khi bạn có triệu chứng, cũng như chúng sẽ biết được bạn đã đi đâu và gặp ai.
Nhờ vào những điều này, dây chuyền lây nhiễm sẽ bị cắt ngắn lại hay thậm chí là cắt đứt ngay lập tức, dịch bệnh sẽ không thể lây lan ra cộng đồng và thậm chí có thể dập tắt trong vài ngày. Một hệ thống như vậy thật tuyệt vời có phải không? Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.
Lấy thí dụ nếu tôi vào đọc ở Fox News nhiều hơn CNN, điêu này có thể cho bạn biết được về quan điểm chính trị hay thậm chí là tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn biết thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi xem một video trên mạng, bạn có thể biết điều gì khiến tôi vui, điều gì khiến tôi buồn và điều gì khiến tôi thật sự tức giận.
Tức giận, hạnh phúc, buồn chán và yêu thương là những phản ứng sinh học cũng giống như sốt hay ho. Những công nghệ dùng để xác định tiếng ho cũng có thể nhận diện được tiếng cười. Nếu các công ty công nghệ và các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng, họ sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu chính mình.
Đến lúc này, họ không chỉ đoán trước mà còn có thể thao túng cảm xúc của chúng ta và nhờ đó họ có thể thuyết phục ta tin vào bất cứ thứ gì, dù đó là một món hàng hay lời nói của một chính trị gia. Giám sát sinh trắc sẽ khiến cho vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook trở nên lỗi thời.
Nhưng đừng vội cho rằng đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Khi cơn dịch đi qua và không còn ca nhiễm mới nào cả, một vài chính phủ khát dữ liệu có thể sẽ lấy lý do rằng họ cần duy trì hệ thống giám sát sinh trắc học vì lo ngại một đợt bùng phát bệnh dịch mới.
Cuộc chiến về quyền riêng tư của mỗi cá nhân vào thời buổi internet đã diễn ra liên tục không ngừng nghỉ trong suốt những năm qua. Dịch Covid-19 có thể chính là “điểm bùng phát” cho cuộc đấu này. Khi người dân phải chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ sẽ luôn chọn sức khỏe.
Thế nhưng, tại sao lại không phải cả sức khỏe lẫn quyền riêng tư? Thay vì thiết lập nên các thể chế giám sát toàn trị nhằm ngăn chặn đại dịch, chúng ta có thể thực hiện bằng cách trao quyền lực cho người dân.
Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore là những chính quyền khống chế đại dịch thành công nhất bởi ngoài các ứng dụng theo dõi, những nơi này chủ yếu dựa vào hoạt động xét nghiệm trên diện rộng, báo cáo số liệu trung thực và sự hợp tác tự nguyện của người dân có hiểu biết.
Việc giám sát tập trung và chế tài nặng tay không phải là cách duy nhất khiến người dân tuân thủ quy định. Khi mọi người được tiếp cận thông tin khoa học, khi họ tin rằng chính quyền đang nói thật, họ sẽ hành xử đúng đắn mà không cần ai phải theo dõi. Một cộng đồng tự giác và có nhận thức sẽ hiệu quả hơn là một cộng đồng thờ ơ và làm mọi thứ dưới sự giám sát.
Nói về niềm tin, đó là thứ đã xói mòn trong suốt nhiều năm không thể gây dựng lại chỉ sau một đêm. Nhưng đây không phải thời điểm như vậy. Giữa khủng hoảng, tâm trí con người có thể thay đổi nhanh chóng. Thay vì xây dựng một đế chế giám sát, có lẽ chưa quá muộn để xây dựng lại niềm tin của người dân vào khoa học, vào các cơ quan chuyên môn và vào truyền thông.
Để đánh bại Covid-19, thông tin về bệnh cần được chia sẻ toàn cầu. Đó là lợi thế lớn nhất của con người trước virus bởi vì chúng không thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách xa, trong khi Trung Quốc có thể hướng dẫn Mỹ cách ngăn chặn bệnh, một bác sĩ ở Milan sáng nay có thể sẽ cứu được nhiều mạng người ở Tehran vào buổi chiều. Để những điều này có thể được thực hiện, cần có niềm tin và sự hợp tác toàn cầu.
Các quốc gia cần sẵn sàng chia sẻ thông tin và tìm kiếm lời khuyên từ các quốc gia khác, cũng như tin vào dữ liệu khoa học mà họ nhận được. Chúng ta cũng cần một nỗ lực toàn cầu trong việc sản xuất và phân phát các thiết bị y tế, đặc biệt là các bộ thử virus và thiết bị hô hấp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe họp trực tuyến cùng lãnh đạo các nước G7 trong việc tìm ra giải pháp cùng nhau chống lại Covid-19. Ảnh: The New York Times.
Chúng ta cũng cần cân nhắc tới kế hoạch tương tự về nguồn lực con người. Các quốc gia ít chịu tác động của đại dịch có thể cử bác sĩ, y tá tới những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vừa để giúp đỡ, vừa để có thể kinh nghiệm.
Sự hợp tác toàn cầu cũng rất quan trọng trong hoạt động kinh tế. Xét về bản chất toàn cầu của nền kinh tế và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ chỉ chăm chăm lo cho đất nước mình, thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn và lún sâu trong khủng hoảng.
Ngoài ra, sự thống nhất toàn cầu cũng cần có trong việc di chuyển. Các quốc gia cần hợp tác để tạo điều kiện cho việc kết nối cần thiết, ví dụ như các bác sĩ, các nhà khoa học, nhà báo, chính trị gia, thương nhân. Điều này có thể được thực hiện nếu có sự đồng thuận từ các quốc gia trong cách thức kiểm tra sức khỏe ngay tại nước sở tại.
Đáng tiếc, tại thời điểm hiện tại, gần như các quốc gia không tìm được tiếng nói chung như vậy. Sự tê liệt cục bộ đã diễn ra trên toàn cầu. Chúng ta đã hy vọng sẽ có những cuộc họp khẩn cấp từ các lãnh đạo toàn cầu để đưa ra phương thức chung. Các nhà lãnh đạo G7 đã có cuộc họp trực tuyến vào tuần này nhưng không đưa ra được giải pháp nào đáng kể.
Nhân loại cần đưa ra một lựa chọn. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục chia rẽ hay tìm ra một giải pháp thống nhất trên quy mô toàn cầu? Nếu chọn chia rẽ, cuộc khủng hoảng này không chỉ kéo dài mà còn kéo theo nhiều khủng hoảng khác trong tương lai. Nếu chọn đoàn kết toàn cầu, không chỉ chúng ta chiến thắng được virus corona mà còn tất cả đại dịch sẽ xảy ra và đe dọa thế giới trong cả thế kỷ này.
Bài viết gốc bởi nhà sử học Yuval Noah Harari người Israel đăng trên Financial Times. Ông là tác giả của các tựa sách bán chạy “Sapiens: Lược sử loài người”, “21 bài học cho thế kỷ 21”,...