|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Thị trường xe điện tại Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong quý đầu năm, doanh số xe điện tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số xe chạy bằng động cơ đốt trong giảm 7%. Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ hãng xe điện Trung Quốc BYD, công ty đã nhanh chóng mở rộng sản xuất và phân phối trong khu vực.

Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến các loại xe thông minh. Đây là những chiếc xe được trang bị công nghệ giao tiếp với các phương tiện khác, hạ tầng và thiết bị xung quanh.

BYD gây chú ý vì sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc, vị thế chi phối ở thị trường nước ngoài và các lệnh cấm nhập khẩu từ Mỹ. Bối cảnh gợi đến câu chuyện của Huawei, khi công ty này vượt qua các hãng viễn thông phương Tây và khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược với công nghệ 5G. Các nhà hoạch định chính sách được khuyến cáo nên cân nhắc kỹ rủi ro giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, theo Nikkei.

 

Tăng trưởng thần tốc

BYD đang thể hiện sự bứt phá tại Đông Nam Á. Dù chỉ mới gia nhập thị trường khu vực từ năm 2022, đến quý đầu năm 2024, hãng đã nắm giữ 47% thị phần xe điện. Thành công này có được nhờ quan hệ hợp tác với các đại lý uy tín tại địa phương. 

Chằng hạn, hợp tác với tập đoàn Sime Darby Motors, vốn phân phối các thương hiệu như BMW, Jaguar và Porsche, đã giúp BYD được định vị như một thương hiệu cao cấp. Nhờ đó, BYD dẫn đầu doanh số xe bán chạy tại Malaysia và Singapore.

BYD cũng đang mở rộng sản xuất nhanh chóng trong khu vực. Năm nay, hãng đã khai trương một nhà máy sản xuất tại Thái Lan và công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy tại Campuchia, Indonesia và Việt Nam. 

Mỗi nhà máy hứa hẹn tạo ra hàng nghìn việc làm, cung cấp xe điện giá cả hợp lý và tăng thu ngân sách cho các nước tiếp nhận. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự quan tâm của công chúng đã giúp BYD nâng cao hình ảnh tại Đông Nam Á.

Cũng như Huawei, BYD được thành lập hơn 20 năm trước để sản xuất các linh kiện công nghệ nhỏ. Huawei ban đầu làm công tắc điện thoại, trong khi BYD bắt đầu với việc sản xuất pin. Cả hai công ty đều nhận được trợ cấp lớn từ chính phủ Trung Quốc để mở rộng ra thị trường quốc tế.

Huawei tập trung vào phát triển công nghệ 5G, còn BYD nhắm đến việc chiếm lĩnh thị trường xe điện toàn cầu. Cả hai đều cung cấp sản phẩm giá rẻ, công nghệ tiên tiến, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu phương Tây. Các sản phẩm này còn được hỗ trợ bởi mạng lưới trạm sạc và tháp viễn thông rộng khắp.

Bắt đầu vào tầm ngắm

Huawei đã bị Mỹ đưa vào “Danh sách thực thể” vào tháng 5/2019, nhưng các cảnh báo đối với BYD mới chỉ bắt đầu. Tháng 2 vừa qua, Nhà Trắng yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến xe kết nối (CVs) từ các nước đáng lo ngại. 

Đến tháng 9, bộ này đề xuất cấm bán hoặc nhập khẩu các loại CVs có phần cứng và phần mềm liên quan đến Trung Quốc hoặc Nga. Nếu BYD đi theo con đường của Huawei, công ty này có thể trở thành tâm điểm mới trong cuộc cạnh tranh công nghệ và kinh tế toàn cầu.

Những lo ngại về an ninh của Huawei và BYD đều xoay quanh dữ liệu. Cơ sở hạ tầng 5G của Huawei đã làm dấy lên mối quan ngại rằng Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu này. Điều này bắt nguồn từ các luật tại Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp phải hỗ trợ hoạt động tình báo.

 

Hiện nay, xe kết nối qua Bluetooth, Wi-Fi hoặc vệ tinh, bao gồm cả xe điện, về cơ bản là “điện thoại thông minh di động”. Những chiếc xe này được trang bị hệ thống định vị, cảm biến, camera và công nghệ tự lái dựa trên AI. Chúng thu thập và tạo ra một lượng lớn dữ liệu. 

Nếu bị lợi dụng, dữ liệu này có thể gây nguy hiểm cho người dân. BYD, giống như Huawei, chịu sự chi phối của Luật An ninh Quốc gia, Luật Tình báo Quốc gia và Luật An ninh Mạng của Trung Quốc. 

Các luật này có thể buộc công ty phải chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc. Trong trường hợp căng thẳng quốc tế gia tăng, dữ liệu và hệ thống của BYD có thể nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Một cách tiếp cận khác

Mỹ đã có động thái bảo vệ thị trường tnhưng các quốc gia Đông Nam Á lại chào đón BYD. Có thể đối với Đông Nam Á, lợi ích từ xe điện Trung Quốc lớn hơn những rủi ro.

Cách tiếp cận này khác với cách nhiều nước đối phó với Huawei trong lĩnh vực 5G. Một số quốc gia như Singapore và Việt Nam không cấm Huawei nhưng đã trao hợp đồng 5G cho các nhà cung cấp đáng tin cậy như Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển). 

Tuy nhiên, ngoài Tesla - với các mẫu xe giá cao - không có nhiều hãng xe của Mỹ hay đồng minh có thể cạnh tranh tốc độ tăng trưởng của BYD. Dù vậy, nhiều hãng phương Tây đã lên kế hoạch mở rộng danh mục xe điện vào năm 2030.

Tuy nhiên, con đường của BYD cũng không phải hoàn toàn dễ dàng.

Tại Thái Lan, nhiều chủ xe BYD tỏ ra bức xúc vì các đợt giảm giá mạnh làm giảm giá trị bán lại của xe. Điều này đã khiến chính quyền phải điều tra khả năng khởi kiện tập thể. 

Tại Việt Nam, BYD gặp khó khăn khi cạnh tranh với VinFast. VinFast sở hữu mạng lưới trạm sạc phủ khắp cả nước và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dùng trong nước.

Dù vấp phải nhiều trở ngại, BYD vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế số và thu hút đầu tư công nghệ. BYD được xem như một nguồn cung cấp đổi mới và vốn đầu tư sẵn có.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng cần đánh giá kỹ lưỡng xem việc chào đón BYD, cùng mạng lưới trạm sạc của hãng, có thể dẫn đến sự phụ thuộc lâu dài hay không. Đây là bài học từ trường hợp Huawei, khi mạng lưới 4G của hãng đã trở thành bước đệm cho công nghệ 5G.

(Ảnh trong bài: Reuters)