Ở Việt Nam, dịch vụ tìm kiếm Cốc Cốc vẫn trụ được trước đối thủ Google trong gần một thập niên trở lại đây, theo Tech in Asia.
Cốc Cốc được ra mắt vào năm 2013 bởi một nhóm các kỹ sư người Việt và người Nga. Người đứng đầu nhóm này, và về sau trở thành CEO của Cốc Cốc, là doanh nhân người Nga Victor Lavrenko. Cốc Cốc tìm kiếm cơ hội để vượt qua Google bằng cách mang đến cho người dùng Việt trải nghiệm tìm kiếm đề cao tính chất địa phương.
Trong suốt những năm sau đó, nhiều đối thủ địa phương âm thầm biến mất nhưng Cốc Cốc vẫn hoạt động. Hiện tại, Cốc Cốc đang đứng ở vị trí thứ 2 tại Việt Nam về thị phần tìm kiếm, chỉ đứng sau Google. Trong khi đó, trình duyệt Cốc Cốc đứng thứ 3, sau Chrome và Safari, đồng thời vượt qua cả Internet Explorer và Firefox.
Hiện tại, Cốc Cốc không thu hút được nhiều sự chú ý. Ở hệ sinh thái startup Việt Nam, VNG, VNLife hay MoMo mới là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Dù vậy, rất nhiều điều đang xảy ra bên trong Cốc Cốc. Trong khi Cốc Cốc tăng tốc để cung cố vị trí trên thị trường, nó cũng vướng vào những rắc rối về mặt pháp lý chống lại ông Lavrenko, cựu CEO của chính mình. Ông Lavrenko rời công ty vào năm 2018 và cáo buộc Cốc Cốc thực hiện các hành vi phi đạo đức, một cáo buộc mà Cốc Cốc phủ nhận.
Cốc Cốc xuất hiện 8 năm trước với một nhóm các kỹ sự và nhân sự đến từ dịch vụ tìm kiếm Nga Nigma, vốn cũng đã có kinh nghiệm cạnh tranh với Google tại Nga. Nhóm nhân sự này cũng muốn thử nghiệm công nghệ tìm kiếm của mình ở Việt Nam.
Thời điểm đó, ông Lavrenko nói với Tech in Asia rằng mục tiêu của công nghệ tìm kiếm mới là "hiểu sâu hơn Tiếng Việt và không trả về các kết quả khồng phù hợp".
Điều này có nghĩa là gì? Cốc Cốc có thể xét đến yếu tố dấu trong Tiếng Việt để có thể hiểu những từ ngữ người dùng đang ngõ ngay cả khi họ không gõ có dấu. Cốc Cốc cũng tự động điền các gợi ý tìm kiếm cho người dùng Việt Nam nhanh hơn bằng cách xét đến yếu tố dấu câu này.
Hiện tại, Google đang làm tất cả những điều trên khá tốt đối với Tiếng Việt, ở thời điểm năm 2013 thì không. Vì thế, trong những năm đầu tiên, Cốc Cốc rõ ràng có những lợi thế lớn hơn so với các công cụ tìm kiếm quốc tế.
Một thời gian ngắn sau đó, Cốc Cốc nhập cuộc chơi trình duyệt web sau khi nó nhận ra rằng người dùng thích tìm kiếm ngay từ thanh địa chỉ của trình duyệt hơn là vào trang chủ của một dịch vụ tìm kiếm.
Ban đầu, trình duyệt của Cốc Cốc tên là Cờ Rôm, và sau đó đổi tên thành Cốc Cốc. Khác Chrome, trình duyệt của Cốc Cốc cho phép người dùng tải về video trực tiếp từ YouTube và có từ điển Anh – Việt tích hợp.
Vì Google không có văn phòng ở Việt Nam, Cốc Cốc cố gắng biến mọi yếu tố địa phương thành điểm mạnh. Cốc Cốc nói rằng tính năng bản đồ đã dùng xe máy cùng camera GPS để chụp ảnh khắp quốc gia.
Những nỗ lực địa phương hoá này đã mang về "trái ngọt". Năm 2015, Cốc Cốc nói với Tech in Asia rằng công cụ tìm kiếm của hãng này có 8,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và trình duyệt mang về 4,1 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày.
Thời điểm đó, Cốc Cốc đã tính đến mở rộng ra Đông Nam Á.
Trong 2 năm đầu tiên, Cốc Cốc chủ yếu kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần Nga. Nhà đầu tư tổ chức đầu tiên rót vốn vào Cốc Cốc là Hubert Burda Media, công ty truyền thông lớn nhất nước Đức, với số vốn 14 triệu USD vào năm 2015.
Dù vậy, cũng giống như nhiều công ty công nghệ tăng trưởng nhanh khác, Cốc Cốc vướng vào một số mâu thuẫn nội bộ.
Ông Lavrenko, người rời Cốc Cốc 5 năm sau khi được thành lập, đã công khai chỉ trích trình duyệt này. Trong một loạt bài đăng trên Facebook cá nhân, vị cựu CEO này cáo buộc Cốc Cốc thực hiện nhiều hành vi phi đạo đức như quảng cáo cờ bạc trái phép và quảng cáo "riêng tư giả mạo".
"Tôi yêu cầu công ty dừng hành động này từ năm 2018 và vì không thành công, tôi bắt đầu công khai ảnh chụp màn hình trên Facebook của tôi nửa năm trước và sẽ tiếp tục làm cho tới khi điều này dừng lại", ông Lavrenko chia sẻ với Tech in Asia.
Những mâu thuẫn giữa những người đồng sáng lập startup là không hiếm gặp nhưng thông thường chúng sẽ xảy ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Vì thế, việc những người đồng sáng lập công khai chỉ trích chính startup mà mình tạo ra là điều lạ lùng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia, ông Lavrenko nói rằng có nhiều áp lực đến từ Hubert Burda Media rằng Cốc Cốc phải kiếm tiền. Theo ông Lavrenko, ông Jean-Paul Schmetz, CEO hiện tại của Cốc Cốc, đã phê duyệt kế hoạch cho phép "quảng cáo cờ bạc" vào năm 2018.
Về phần mình, ông Lavrenko nói rằng ông đã đưa Cốc Cốc đến cột mốc có lợi nhuận vào năm 2017 và rời công ty để theo đuổi một cơ hội mới tại Nga. "Tôi muốn đưa một CEO người Việt lên thay thế nhưng các nhà đầu tư quyết định chọn một người Đức", ông nói.
Ông Schmetz phủ nhận những gì người cựu CEO chia sẻ. Ông nói rằng ông Lavrenko rời Cốc Cốc vào năm 2018 khi "về cơ bản đưa được công ty về mặt đất". Ông nói rằng Lavrenko đã "làm mọi thứ và hy vọng một thứ gì đó sẽ có hiệu quả", bao gồm việc mở rộng sang Indonesia.
"Chúng tôi liên tục tranh cãi về điều này vì tôi không nghĩ chúng tôi có thể cạnh tranh ở Indonesia", ông Schmetz chia sẻ. "Indonesia có một đối thủ lớn, UCWeb. Nếu cạnh tranh, bạn nên chuẩn bị hàng trăm triệu USD, thứ mà chúng tôi không có".
Mọi thứ tồi tệ hơn vào năm 2019 khi pháp nhân của Cốc Cốc ở Singapore kiện Millside Consulting, một công ty của ông Lavrenko đồng thời là cổ đông của Cốc Cốc, ở toà án London.
Theo hồ sơ pháp lý mà Tech in Asia có được, Cốc Cốc cáo buộc ông Lavrenko vi phạm các thoả thuận cổ đông bằng cách tự bổ nhiệm một thư ký công ty mới vào năm 2018 khi chưa nộp các hồ sơ cần thiết. Động thái này khiến Cốc Cốc huỷ bỏ chức vụ giám đốc của ông.
Thẩm phán đưa ra phán quyết có lợi cho Cốc Cốc, yêu cầu ông Lavrenko nộp các hồ sơ cần thiết và đền bù công ty 154.000 USD. Cốc Cốc sau đó nộp hồ sơ thanh lý Millside sau khi ông Lavrenko không nộp số tiền nói trên.
Về phần mình, ông Lavrenko nói với Tech in Asia rằng ông tuân thủ phán quyết của toà án, cung cấp các hồ sơ cần thiết và đồng ý trả án phí với một phần cổ phần của ông tại Coc Coc Singapore.
Dù vậy, ông cáo buộc rằng tất cả cổ phần của ông trong công ty "gần như đã bị lấy đi" sau khi quản tài viên được chỉ định định giá Cốc Cốc 2 triệu USD, mức định giá mà ông Lavrenko nói rằng "thấp một cách ngớ ngẩn" và thấp hơn nhiều so với mức định giá ở vòng gọi vốn gần nhất.
Ông Schmetz nói rằng Cốc Cốc không tham gia vào quá trình này và nó được toà án British Virgin Islands thực hiện. "Toà án đề cử quản tài viên và định giá công ty, chúng tôi không có tiếng nói trong quá trình này", ông khẳng định.
Ông Schmetz phủ nhận mọi điều ông Lavrenko nói và cho rằng ông là một "nhân viên cũ bất mãn".
Ông phủ nhận vấn đề quảng cáo cờ bạc từng được nhắc đến trong một kế hoạch kinh doanh. "Quan điểm của tôi là chúng tôi không thể khác Google ở việc mình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận các chiến dịch quảng cáo cụ thể".
Vị CEO nhấn mạnh Cốc Cốc không có "vấn đề mang tính hệ thống" liên quan đến quảng cáo bất hợp pháp và cũng chưa từng bị các cơ quan chức năng địa phương phạt.
Dù vậy, ông thừa nhận "có những người có gắng quảng cáo những điều không hợp pháp hoặc không được cấp phép" và trong một số trường hợp "họ lọt vào vùng "tranh tối tranh sáng"".
Cốc Cốc có đội ngũ quản trị viên 10 người để đánh giá và báo cáo các quảng cáo có vấn đề. Quy trình này cũng bao gồm việc kiểm tra xem liệu Google và Facebook có cho phép hiểu thị các quảng cáo đó hay không khi "không chắc 100%".
"Điều này tiếp tục khẳng định chúng tôi không làm gì sai", ông Schmetz nhấn mạnh.
Trên website của mình, Cốc Cốc cũng cấm quảng cáo "Các hành vi đánh bạc trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline)" và "Trò chơi trực tuyến có các yếu tố cờ bạc và cá độ".
Tech in Asia đã thực hiện một số lệnh tìm kiếm trên cả Google và Cốc Cốc để so sánh kết quả và, trong một vài trường hợp, tuỳ thuộc vào từ khoá, cả hai cỗ máy tìm kiếm đều hiển thị các kết quả trang đánh bạc.
Khi được hỏi về điều này, Cốc Cốc nói rằng nó có một công cụ cho phép khách hàng nhập quảng cáo từ Google và "đôi khi các nhà quảng cáo đã vượt mặt chính sách của chúng tôi". Điều này cũng có thể xảy ra với Google, người đại diện Cốc Cốc nói.
Bỏ lại những mâu thuẫn giữa công ty vào cựu CEO, ông Schmetz tự tin rằng Cốc Cốc có thể duy trì vị trí số 2 ở thị trường Việt Nam và sẽ có lợi nhuận. Hiện tại, Cốc Cốc cũng chưa có kế hoạch gọi vốn.
Ông Schmetz so sánh Cốc Cốc với Bing của Microsoft. Bing chỉ có chưa đến 7% thị phần tìm kiếm toàn cầu nhưng vẫn cạnh tranh khá tốt với Google.
Ông Schmetz cũng nhấn mạnh rằng người dùng Việt cần có một lựa chọn địa phương để thay thế cho Google. Vị trí số 2 của Cốc Cốc cũng ngày càng hấp dẫn khi một trong những mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là 40% người Việt Nam sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước đến năm 2025.
Cốc Cốc cũng muốn mang đến trải nghiệm duyệt web tốt hơn cho top 100 website mà người dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng.
"Tốt hơn nghĩa là nhanh hơn, gọn gàng hơn và ít tốn pin hơn", ông Schmetz chia sẻ, "Chúng tôi sẽ giúp mọi người đều có thể tiếp cận được công nghệ này và cùng tăng thị phần tìm kiếm không đến từ Google trên thị trường".