Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Khối dịch vụ Tư vấn Grant Thornton: Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh tế của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường đầu tư tư nhân lại đạt được đỉnh cao mới về số lượng giao dịch cũng như giá trị thương vụ. Cụ thể, trong năm 2021, với con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 100 giao dịch với tổng giá trị lên tới hơn 2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với năm 2020. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Trong năm 2021, hoạt động đầu tư tư nhân cũng trở nên đa dạng hơn với nhiều ngành/lĩnh vực mới so với năm 2020. Đầu tiên phải kể đến ngành Marketing/Truyền thông số. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã được lọt vào "mắt xanh" của các công ty đầu tư lớn, ví dụ Vietcetera đã được nhận 2,1 triệu USD từ North Base Media - quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu tập trung vào các công ty truyền thông.
Bên cạnh đó, xu hướng các công ty có yếu tố công nghệ được rót vốn nhiều hơn để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm với những tham vọng to lớn hơn trong tương lai, có thể kể đến một vài ví dụ như VNLife nhận vốn 250 triệu USD trong lĩnh vực tài chính, Telio nhận 22 triệu USD trong lĩnh vực thương mại điện tử; hay Doctor Anywhere nhận vốn 65,7 triệu USD trong lĩnh vực y tế.
Trong lĩnh vực giáo dục, nếu như năm 2020 không có thương vụ đầu tư nào thì năm 2021 cũng ghi nhận một bước đột phá về số lượng thương vụ lẫn tổng giá trị đầu tư đối với ngành này.
Một giao dịch tiêu biểu vào tháng 6/2021, Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest đã được KKR - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới đầu tư 100 triệu USD với định hướng hỗ trợ quá trình "Học tập suốt đời" của quỹ.
Trong hoàn cảnh sự bứt phá mạnh mẽ của 2021, với nguồn vốn PE sẵn sàng chờ đầu tư còn rất lớn và với nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong thời gian tới, khi sự quan ngại về COVID ngày càng được kiểm soát, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ về xu hướng tăng trưởng còn cao hơn nữa của đầu tư PE trong năm tới.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà: Nhìn chung, các ngành công nghệ thu hút khá tốt vốn đầu tư trong năm 2021 gồm có Fintech, E-commerce, Trò chơi, Công nghệ giáo dục (Edtech), Thương mại điện tử và Phần mềm ứng dụng.
Trong đó, ngành Fintech, vốn đã nhận được nhiều sự quan tâm trong các năm qua, thu hút đầu tư nhiều nhất với 14 thương vụ, tổng giá trị đạt 587 triệu USD. Nổi bật nhất phải kể đến khoản đầu tư 200 triệu USD từ Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management vào Momo - ví điện tử với hơn 31 triệu người dùng vào ngày 21/12/2021.
Bên cạnh các ngành công nghệ đã phát triển mạnh mẽ như Fintech hay E-commerce, chúng tôi cho rằng các nhóm ngành có yếu tố áp dụng công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội ví dụ như Edtech, Medtec, Healthcare, Digital transformation,… sẽ là một điểm thu hút rất lớn trong các năm tới, nhằm đáp ứng sự chuyển dịch các hoạt động lên online do sự thay đổi về hành vi và quan niệm vốn được thúc đẩy mạnh mẽ qua dịch COVID-19.
Điều khó khăn hiện tại là trong khi các start-up công nghệ có rất nhiều nhưng số các start-up đưa được ra lời giải cho bài toán kinh tế xã hội một các rõ ràng, có sự chứng minh về mặt thị trường, có giá trị và ở một cấp độ đủ lớn là còn rất thiếu. Chúng tôi cũng mong rằng giới công nghệ sẽ tiếp tục có những nỗ lực để đưa ngành công nghệ Việt Nam tiến một bước lớn trong năm tới.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà: Số lượng thương vụ và giá trị thương vụ M&A trong năm 2021 có giảm so với 2020, song vẫn ở một mức tốt so với thị trường chung. Việc có nhiều thương vụ M&A được thực hiện trong năm qua mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do COVID-19 là điều có thể lý giải.
Trước hết, Việt Nam vốn luôn là một thị trường M&A hấp dẫn trong khu vực với một loạt các yếu tố về cơ cấu dân số, chính trị, vị trí địa lý, chi phí kinh doanh.
Về mặt xử lý với đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng luôn được coi là một nước có kết quả kiểm soát dịch tốt, bất kể đợt dịch thứ 4 có bất ngờ và gây ra nhiều quan ngại, thì nó cũng đã được vượt qua nhanh chóng.
Theo quan sát của chúng tôi, từ giữa năm tới hết quý III/2021, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã có tác động khiến cho các hoạt động giao dịch qua biên giới có sự hạn chế, chững lại, nhưng hầu như các giao dịch đã được nối lại vào quý IV/2021.
Một điểm sáng của thị trường M&A 2021 nữa là vai trò của các doanh nghiệp Việt ở vị thế bên mua trong các giao dịch M&A có sự gia tăng mạnh. Dịch COVID-19 đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khó khăn hơn trong các giao dịch đầu tư xuyên biên giới, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng gặp rất nhiều trở ngại về tài chính, cần được rót vốn để gồng gánh qua mùa dịch.
Đây chính là "thời điểm vàng" của các nhà đầu tư trong nước thực hiện các thương vụ M&A nhằm mở rộng thị phần, thâm nhập vào các thị trường và ngành mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ chiến lược.
Trong năm 2022, giá trị M&A Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên 7 tỷ USD và chúng tôi cũng đồng tình với dự báo này. So về sự hấp dẫn như là một điểm đến đầu tư trong khu vực thì Việt Nam vẫn là quốc gia điểm đến đầu tư có thứ hạng cao. Chúng tôi vẫn cho rằng làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng, mua lại và đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà: Ngoài các yếu tố thuận lợi như báo chí hay các nhà kinh tế học thường đề cập đến như sự cải thiện về môi trường pháp lý hay việc Chính phủ Việt Nam hướng tới ban hành các quy định, nguyên tắc giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực thì khi nói đến yếu tố thuận lợi của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường M&A tại Việt Nam, tôi muốn nói đến các yếu tố khiến các doanh nghiệp "bên bán" Việt Nam "yêu thích" các bên mua nước ngoài.
Các yếu tố này có thể kể tới bao gồm (i) năng lực tài chính để thực hiện giao dịch; (ii) năng lực quản trị để có thể giúp cho công ty mục tiêu có thể nâng cao, chuẩn hóa hoạt động và quản trị của mình và (iii) năng lực về thương mại về chiến lược, hay có thể nói là khả năng bên mua có thể giúp công ty mục tiêu phát triển nhanh mạnh, mở rộng thị trường, có thêm khách hàng, tăng cường chất lượng và danh tiếng cho sản phẩm dịch vụ sau khi giao dịch M&A được hoàn thành.
Có thể nói các yếu tố này luôn khiến cho việc giới thiệu một bên mua là doanh nghiệp ngoại tới một bên bán là doanh nghiệp Việt Nam được thuận lợi.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường M&A tại Việt Nam có thể phải đối diện với khá nhiều thách thức. Lý do lớn không nằm ở khí cạnh thương mại, mà chủ yếu do ba yếu tố.
Thứ nhất, nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam khi quyết định thực hiện M&A chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về chiến lược và tinh thần, chưa thực sự hiểu rõ về quy trình M&A - các bước mà hai bên sẽ phải trải qua, các thông lệ thực hiện giao dịch, nói chung và kì vọng của bên Mua.
Sự thiếu chuẩn bị này có thể khiến cho doanh nghiệp Việt Nam mất điểm, giảm giá trị, hay khiến cho quá trình tìm hiểu, rà soát của bên mua kéo dài và có thể dẫn đến nhiều bất ngờ không mong muốn.
Thứ hai, quá trình đàm phán đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức của cả bên mua và bên bán cho một thương vụ thành công. Kèm với đó tâm lý của bên bán khi bán đi một doanh nghiệp mình vất vả gây dựng càng khiến cho việc đàm phá khó khăn hơn. Chúng tôi cũng đã trải qua nhiều trường hợp bên bán thay đổi ý kiến tại phút cuối, khiến cho giao dịch đổ bể sau khi cả hai bên đã mất rất nhiều công sức.
Thứ ba, với tình hình đại dịch COVID-19 và các hạn chế về đi lại giữa các quốc gia cũng đã cản trở cơ hội hai bên được gặp gỡ, trao đổi, thương thảo trực tiếp với nhau mà phải nhờ vào các công cụ giao tiếp trực tuyến. Bên mua cũng khó có thể đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, kiểm định các loại giấy tờ của bên bán, càng làm cho quá trình đàm phán kéo dài hơn.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà: Nguyên nhân dẫn đến thương vụ đổ bể thì có thể muôn hình vạn trạng, nhưng yếu tố lớn nhất có lẽ là sự chuẩn bị của bên mua - hiểu biết về quá trình, hiểu biết về thực trạng của mình, điểm mạnh điểm yếu và những vấn đề có thể ảnh hưởng tới giá mua bán và quá trình thương thảo để có thể biết được các mốc thương thảo và giá trị có thể đạt được.
Hoạt động M&A thường sẽ phải trải qua các cuộc rà soát chuyên sâu của bên mua và các vấn đề, rủi ro gặp phải liên quan đến pháp lý, tài chính, tuân thủ, minh bạch dữ liệu,… là hầu như không tránh khỏi.
Đối với các vấn đề đó, thông thường bên mua sẽ đề nghị đưa vào hợp đồng các điều khoản để bảo vệ họ trước các rủi ro tiềm ẩn trong doanh nghiệp mục tiêu mà họ tìm thấy qua quá trình rà soát, và yêu cầu bên Bán đưa ra những cam kết đảm bảo nhất định và nếu bên bán không có sự hiểu về thông lệ M&A, sự chuẩn bị trước, thì điều này có thể sẽ dẫn tới rất nhiều tranh luận bất ngờ và dẫn tới việc đổ bể của giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà: Theo tôi, đó là một dấu hiệu đáng mừng bởi việc chủ động trở thành bên mua trong các thương vụ M&A đã chứng tỏ rằng không ít công ty nội địa đang mang trong mình những mục tiêu, tham vọng to lớn sánh ngang với các doanh nghiệp "triệu đô" trên thế giới. Dần dần, thị trường M&A sẽ trở nên càng cạnh tranh hơn, đòi hỏi các công ty phải luôn cố gắng xây dựng năng lực, nỗ lực phát triển để hoàn thành được sứ mệnh đã đặt ra ban đầu.
Mặc dù bên mua là doanh nghiệp Việt sẽ có một số các thuận lợi nhất định về văn hóa, về ngôn ngữ và cả sự hiểu biết về thông lệ hoạt động tại Việt Nam thì trong một giao dịch M&A bên mua vẫn cần qua đủ các bước và thực hiện các rà soát chuyên sâu để tìm hiểu công ty được mua và phản ánh rủi ro vào giá mua cũng như các điều khoản hợp đồng mua bán.
Tôi vẫn dẫn chiếu tới vấn đề nói trên về các khó khăn và nguyên nhân giao dịch đổ bể ở trên và nhấn mạnh rằng, để các giao dịch M&A diễn ra thành công, hai bên cần phải có sự trao đổi minh bạch từ đầu đảm bảo cả bên bán và bên mua hiểu rõ quá trình và các ảnh hưởng có thể của các vấn đề rủi ro.
Việc mỗi bên có sự trợ giúp từ tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A là rất quan trọng, bởi họ sẽ hỗ trợ cho sự chuẩn bị của mỗi bên, cộng với nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc về quy trình M&A, chắc chắn sẽ giúp hai bên trải qua một thương vụ M&A thành công.