|
 Thuật ngữ VietnamBiz

AMY GRUPO, một doanh nghiệp vật liệu xây dựng được thành lập từ năm 2015 nhưng có tới 5 năm chinh chiến ở thị trường quốc tế. Hành trình ấy có lẽ không quá dài nhưng đủ lớn để tự hào và truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp trẻ với ước mơ vươn ra biển lớn. Nói như cách Phó chủ tịch HĐQT - Phó Tổng Giám Đốc AMY GRUPO Trần Tuấn Đại, mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu chúng ta có ý chí đủ lớn và khát vọng đủ nhiều. Còn cạnh tranh thì ở đâu cũng như nhau dù ở “sân nhà” hay “sân khách”.

TRONG THÁCH THỨC CÓ CƠ HỘI

Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023, VNDirect dự báo, ngành vật liệu xây dựng được kỳ vọng có lợi thế tăng trưởng nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm, ông có nghĩ như vậy?

Theo tôi, thị trường vật liệu xây dựng sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi kinh tế vĩ mô ổn định ở các quốc gia và khu vực trên thế giới. Thêm vào đó là quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng diễn ra toàn cầu. Nghĩa là doanh nghiệp vẫn có thể gia tăng thị phần trong bất kỳ bối cảnh nào nếu tận dụng tốt những cơ hội và lợi thế vốn có.

Nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hạ tầng xã hội và chất lượng sống dân cư ngày càng cải thiện. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư chuyên sâu, tạo ra sự khác biệt để tạo sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Trụ sở của AMY GRUPO. (Nguồn: AMY GRUPO).

Cơ hội thì luôn đi cùng với thách thức. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần làm gì thưa ông?

Khi quá trình toàn cầu hóa có dấu hiệu chậm lại, cùng với đó là hàng rào thuế quan, hàng kỹ thuật ngày càng gia tăng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xúc tiến mở rộng thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải tổ chức lại hệ thống quản trị, cải thiện năng suất để đáp ứng kịp những yêu cầu mới đặt ra.

Hơn nữa, Việt Nam là một thị trường khá mở nên doanh nghiệp nội vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước vừa phải cạnh tranh với các đối thủ quốc tế ngay trên “sân nhà”. Vì thế, doanh nghiệp muốn tồn tại phải liên tục thay đổi, đổi mới và thích nghi để giữ và mở rộng thị phần.

Vậy AMY GRUPO có lợi thế gì trong sân chơi này?

Theo tôi, đó là sự khác biệt vượt trội về sản phẩm, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nâng cao sức mạnh nội tại và luôn đầu tư sâu vào con người . Những yếu tố này sẽ giúp AMY GRUPO tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phó chủ tịch HĐQT - Phó Tổng Giám Đốc AMY GRUPO Trần Tuấn Đại. (Nguồn: AMY GRUPO).

ÁP LỰC TẠO RA ĐỘNG LỰC, TẠO RA TINH THẦN ĐOÀN KẾT

Một số doanh nghiệp chọn cách phát triển tại thị trường nội địa trước rồi mới chinh phục “sân chơi” ngoại nhưng AMY GRUPO lại làm ngược lại, đây có phải là chiến lược khác biệt của công ty? Và thách thức lớn nhất khi “mang chuông đi đánh xứ người” là gì, thưa ông?

Hiện tại, tỷ lệ xuất khẩu của AMY GRUPO gần 50%, chủ yếu thị trường Âu, Mỹ. Năm 2022, công ty có sự tăng trưởng ấn tượng, tăng 60% so với cùng kỳ.

Còn khi chúng ta quyết định mang sản phẩm ra thế giới và chấp nhận cạnh tranh thì khó khăn, thách thức là điều không thể thiếu, nhưng đổi lại, chúng ta sẽ nhận về nhiều lợi thế nhất định. Điển hình như áp lực càng nhiều thì động lực càng cao. Và áp lực chính là yếu tố tạo ra động lực, tạo ra tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cùng vượt qua thử thách. Đây là một trong điều kiện tốt để xây dựng một tổ chức lớn mạnh.

Hơn nữa, ở Việt Nam, tiêu chuẩn về mảng vật liệu xây dựng, cũng như hiểu biết của người tiêu dùng chưa nhiều nên cách tham chiếu tốt nhất là đưa ra sản phẩm đến thị trường khó tính hơn. Các thị trường này sẽ đóng vai trò như là người kiểm duyệt cho người tiêu dùng trong nước. Lúc đó, người dùng vừa được mua sản phẩm chất lượng  Âu - Mỹ nhưng giá thành lại rất Việt Nam. Như theo tôi quan sát, mô hình này từng được nhiều doanh nghiệp thử nghiệm và rất thành công.

Thực ra, doanh nghiệp nào cũng muốn mang sản phẩm của mình ra “sân chơi” thế giới nhưng điều đó vốn dĩ không dễ dàng vì ngoài yếu tố vốn cần phải có năng lực nội tại, ông có nghĩ vậy?

Theo tôi, doanh nghiệp muốn đem sản phẩm ra thị trường quốc tế cần có sự hiểu biết sâu sắc về ngành. Nếu không hiểu biết sẽ không rõ được thị hiếu từng vùng là gì, nhu cầu của khách hàng ra sao hay công nghệ, năng lực của mình có thể đáp ứng tới đâu. Vì ngoài yếu tố thị trường, chúng ta còn phải biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai, thông lệ, luật pháp ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là gì.

Theo thống kê, hiện nay, khu vực FDI đóng góp hơn 20% GDP, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp công nghiệp như AMY GRUPO với chỉ số xuất khẩu như trên sẽ có ý nghĩa tạo động lực cho khối doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam xuất khẩu.

Từ kinh nghiệm của AMY GRUPO, tôi tạm chia quá trình này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “quốc tế hoá”, nghĩa là mang sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Chúng ta mang ít cũng được, nhiều cũng được, chủ yếu là vừa làm vừa thăm dò để mọi người quen với sản phẩm. Trong giai đoạn này, chúng ta cần tranh thủ nghiên cứu về luật pháp, hàng rào thương mại ở quốc gia sở tại để đảm bảo trong tương lai việc vận hành diễn ra thuận lợi.

Giai đoạn thứ hai là tìm ra “ước số chung của sản phẩm”. Hiện nay, khách hàng của AMY GRUPO đa phần là các nhà thầu, kiến trúc sư, chủ đầu tư uy tín. Tệp khách này có điểm chung là tính chuyên nghiệp cao và đánh giá sản phẩm theo quy chuẩn quốc tế. Khi sản phẩm vượt qua vòng thẩm định, nghĩa là bạn có thể bán được hàng ở mọi nơi trên thế giới, từ Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí đến Mỹ hoặc qua châu Âu. Nên tôi cho rằng, chúng ta hãy phát triển sản phẩm mang tính toàn cầu chứ không nên bó hẹp chỉ sử dụng ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Nguồn: AMY GRUPO.

Chất lượng sản phẩm cao thường đi kèm với giá thành cao. Vậy doanh nghiệp liệu có gặp khó khi các đối thủ đưa ra mức “giá mềm” hơn để mở rộng thị phần?

Về lý thuyết, chất lượng cao có liên quan đến chi phí cao nhưng theo tôi, 2 yếu tố này chỉ có mối liên hệ chứ không phải tương đồng. Không phải cứ chất lượng cao là chi phí phải tăng vì việc nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho sản phẩm hiện nay sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố công nghệ.

Nếu một doanh nghiệp vừa có trong tay công nghệ vừa có năng lực quản trị tốt, nhân sự tốt, kiểm soát được đầu ra đầu vào thì việc tạo ra sản phẩm tốt với giá thành hợp lý là điều hoàn toàn có thể thực hiện.

TIÊN PHONG PHẢI TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

Nếu so với những “anh lớn” trong ngành vật liệu xây dựng, AMY GRUPO là doanh nghiệp trẻ tiên phong. Vậy công ty có bí quyết gì khiến nhiều đối tác trong và ngoài lựa chọn mình trong vô vàn sự lựa chọn?

Thực ra, đối tác dù đến từ trong nước hay quốc tế thì họ đều là đơn vị kinh doanh. Điểm mấu chốt ở đây là làm sao chúng ta thoả mãn cho họ về “lợi ích”. Lợi ở đây được hiểu là lợi thế về giá cả, chất lượng sản phẩm so với các công ty trong ngành. Còn ích chính là những giá trị không đong đếm được bằng tiền mà mình mang lại và cung cấp cho đối tác. Và để thực hiện được những điều kể trên, công ty cần có đội ngũ lãnh đạo có tâm, có tầm và sự hiểu biết nhất định trong ngành.

Nói như vậy, tầm nhìn lãnh đạo là yếu tố then chốt?

Tầm nhìn lãnh đạo không phải là yếu tố then chốt nhưng là yếu tố đầu tiên cần có. Tầm nhìn đó phải triển khai thành kế hoạch kinh doanh, thu hút đào tạo nhân sự chủ chốt, phát triển công nghệ trong ngành và xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Tại AMY GRUPO, chúng tôi đang xây dựng văn hoá về sự “tiên phong khác biệt”. Khác biệt ở đây là khác biệt vượt trội chứ không phải khác biệt đồng hạng.

Khác biệt đồng hạng là thứ mình làm, người khác có thể làm theo và làm lại giống như bản mẫu. Còn khác biệt vượt trội là sau khi người ta nói hết công thức cho bạn, cho bạn tìm hiểu, nghiên cứu mà bạn không thể sao nguyên bản chính hoặc bắt chước ngay được.

Điều này không những là văn hoá mà còn là tôn chỉ của AMY GRUPO trong nhiều năm qua để chúng tôi đi nhanh hơn, ưu việt hơn và ngày càng sáng tạo, phát triển hơn.

Phó chủ tịch HĐQT - Phó Tổng Giám Đốc AMY GRUPO Trần Tuấn Đại. (Nguồn: AMY GRUPO).

Để thắp lửa giấc mơ vươn ra biển lớn, doanh nghiệp cần làm gì thưa ông?

Chiến lược hay văn hoá mà chúng ta chỉ viết ra và treo lên tường như khẩu hiệu thì không có ý nghĩa. Vì những ý tưởng đó phải xuất hiện thường xuyên, phải được thảo luận, tối ưu và thực hành. Khi viết chiến lược là viết theo đúng bản chất chứ không nên theo tâm lý lãng mạn.

Chúng ta đặt ra giá trị cao nhưng hàng ngày không quyết tâm, không cố gắng thì cuối cùng cũng không có giá trị. Hay việc lãnh đạo hô hào mà không thực hiện, không làm gương cho nhân viên thì cũng không đâu vào đâu. Nên tôi cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát hiện cần duy trì tính “Kỷ luật – hành động – gương mẫu”.

 KHÁCH HÀNG LÀ ĐỐI TÁC TRỰC TIẾP CỦA DOANH NGHIỆP

Một trong những dự định của của AMY GRUPO trong thời gian tới là tăng tỷ lệ phủ sản phẩm tại Việt Nam, ắt hẳn quyết định này không phải ngẫu nhiên. Vậy thị trường nội địa đang tiềm ẩn sức hút đặc biệt gì, thưa ông?

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm nước ta có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Trong đó, 13% đã tiến lên tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới nên dư địa dành cho phân khúc này là tương đối lớn. Và đây cũng chính là tệp khách hàng mà AMY GRUPO muốn hướng tới trong tương lai.

Nhìn tổng quan, phân khúc này có ưu điểm là những người giàu kiến thức, giàu trải nghiệm và có xu hướng tiếp cận thông tin nhanh trên toàn cầu. Họ đặc biệt coi trọng giá trị sống của bản thân dù ở bất kỳ không gian nào.

Thông qua những chuyến du lịch, khám phá ở các miền đất mới, những người này luôn muốn không gian mình sống cũng được tinh tế, chuyên nghiệp như những nơi họ từng đặt chân đến. Đấy là lý do tại sao, những năm gần đây, nhiều gia đình thích trang trí nhà mình như khách sạn 4 sao, 5 sao.

Tại AMY GRUPO, chúng tôi luôn coi khách hàng là trung tâm, là đối tác của doanh nghiệp. Vì thế, trước  khi nghiên cứu hay phát triển bất cứ sản phẩm nào, chúng tôi đều hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo ra giá trị tối ưu nhất cho người tiêu dùng.

Nguồn: AMY GRUPO.

Không phải khách hàng nào cũng có chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để vừa thỏa mãn vừa tạo ra giá trị tối ưu nhất cho người tiêu dùng?

Mục tiêu cao nhất của chúng tôi luôn là tạo ra giá trị tối ưu nhất cho người tiêu dùng. Nhưng đúng điều bạn nói, không phải ai trong chúng ta cũng có chuyên môn ở tất cả lĩnh vực nên chúng ta mới nhường công việc khám sức khỏe cho bác sĩ, nhường công việc giảng dạy cho thầy cô và giờ là nhường việc thiết kế không gian sống cho các kiến trúc sư.

Vì thế, ngay từ khi thành lập, ở mỗi cửa hàng, showroom của AMY GRUPO đều có kiến trúc sư để tư vấn, thiết kế sản phẩm cho khách hàng và những việc này là hoàn toàn miễn phí.

Vì chúng tôi luôn tâm niệm rằng, bất kỳ một sản phẩm nào đến với khách hàng đều được sử dụng đúng cách, hết công năng và trải nghiệm tính ưu việt tối đa. Nói đơn giản là khi bạn bỏ ra 1 đồng mua sản phẩm thì bạn sẽ được nhận về đúng giá trị 1 đồng mà bạn bỏ ra. Và đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là giá trị cốt lõi xuyên suốt nhiều năm qua của AMY GRUPO.

Ông có tin tưởng giấc mơ ấy thành công?

Đối với mỗi doanh nghiệp đều có mục tiêu riêng của mình và chúng tôi cũng vậy. Với slogan “ xây dựng hôm nay, mãi mãi về sau” tức là xây dựng ngày hôm nay và phát triển mãi mãi về sau, chúng tôi tin giấc mơ ấy sẽ thành công và trở thành hiện thực.